Giữa những ý kiến cho rằng vị thế người thầy ngày nay đã bị giảm sút, thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) cho rằng dẫu trải qua bao thăng trầm dời đổi, vẻ đẹp của đạo thầy trò ở Việt Nam vẫn không thể mất. Chỉ có điều, mỗi thời có một vẻ đẹp riêng.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh đến độc giả.

{keywords}
Thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên)

Không cao quý hơn, nhưng là nghề may mắn

Năm nào gần đến 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, các phương tiện truyền thông cũng đồng loạt phát những đi những bài hát, những đoạn thơ, những chương trình ca ngợi, tôn vinh nghề dạy học. Không ít những  lời chúc tụng, ngợi ca được dùng quen như điển tích: nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, người lái đò vĩ đại, vinh quang thay công việc trồng người…

Bản thân tôi thì đủ tỉnh táo để không dám tự nhận rằng nghề của mình cao quý hơn những nghề khác.

Nghề nào thì cũng vậy thôi, bỏ sức lao động ra mà làm việc, nhận được lương để nuôi sống bản thân, gia đình và ít nhiều gì trong lĩnh vực của mình có những đóng góp nhất định cho xã hội. Chẳng có nghề nào cao quý hơn nghề nào cả.

Tôi lại tự nhận rằng nghề của mình là nghề may mắn. Bởi cũng gọi là thầy (thầy thuốc) nhưng với các bác sĩ, đối tượng của họ là bệnh nhân. Trong khi đối tượng của mình là học sinh – những con người trẻ trung, năng động và đầy sức sống. Như thế là may mắn chứ còn gì nữa.

Hơn nữa làm thầy thì được nói, được truyền đạt những gì mình hiểu, mình biết cho thế hệ sau, nâng đỡ tâm hồn cho các em. Rồi dù sau này, dù già yếu thế nào, dù không còn làm việc nữa vẫn luôn được gọi là thầy, luôn được học sinh hỏi han, thăm viếng. Còn gì vui bằng. Tôi luôn cảm thấy yêu nghề cũng vì lẽ ấy.

Tôi cũng không bi quan về nghề như nhiều bạn đồng nghiệp của tôi khi mà nghề dạy học – ai cũng biết – là một nghề không hứa hẹn gì nhiều về khả năng kinh tế cũng như nhiều thứ khác; khi mà xã hội bày ra nhan nhản những chuyện buồn về sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo học: chuyện phụ huynh đánh thầy, chuyện học sinh chửi thầy, chuyện thầy cô giáo thiếu đạo đức, chuyện bạo lực học đường… Những chuyện như vậy khiến không ít người có tâm lí hoài vọng về quá khứ, xem quá khứ là vàng son để rồi chán nản, bi quan về hiện tại.

"Thời ấy ông thầy sao mà sang thế, oai thế, đĩnh đạc thế còn bây giờ thì… chưa bao giờ vị thế, hình ảnh ông thầy thảm hại như lúc này" - những câu đại loại như vậy xuất hiện thường xuyên trong những câu chuyện trà dư tửu hậu của nhiều người.  

Tôi thì không nghĩ như vậy. Thời nào cũng vậy thôi, có cái xấu cũng có cái tốt, có cái cao thượng cũng có cái thấp hèn, đan xen trong muôn vàn chiều kích.

Sự bền vững của đạo học phải xuất phát từ hai phía

Đạo thầy trò ở Việt Nam là một truyền thống đẹp. Dẫu bị cuốn trong vòng xoáy ngầu đục của cuộc đời, dẫu trải qua bao thăng trầm dời đổi, vẻ đẹp ấy vẫn không thể mất. Chỉ có điều, mỗi thời có một vẻ đẹp riêng.

Thời nào có giá trị riêng của thời ấy. Không phải ngày xưa không có chuyện xấu. Cũng không phải ngày nay không có chuyện tốt về đạo thầy trò. Chỉ có điều bây giờ thông tin phát triển mạnh quá, facebook, twitter… và bao nhiêu ứng dụng khác. Một cái ho ngay lập tức cũng khiến cả thế giới biết thì nói gì đến đến những chuyện xấu xa trong ngành giáo dục. Mà thói thường, những chuyện xấu thường có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với những chuyện tốt. Nó đủ sức để làm lu mờ những điều tươi sáng nhất. 

Trong một thế giới phẳng với tốc độ phát triển đến chóng mặt như hiện nay, những quan niệm về đạo thầy trò, những giá trị về giáo dục cũng khác đi nhiều so với trước.

Ngày xưa, giữa thầy và trò là một khoảng cách khá xa. Trong mắt trò, thầy là những đấng, những bậc tôn nghiêm, phải ngưỡng mộ, phải răm rắp nghe theo, lời của thầy là khuôn vàng thước ngọc, chỉ được lắng nghe, không được nghi ngờ hay phản biện. Hình ảnh người thầy vì thế mà cũng trở nên đạo mạo, trang nghiêm.

Quan hệ thầy trò hiện nay gần gũi, dân chủ, cởi mở hơn rất nhiều. Thầy trò cùng nhau trao đổi, lắng nghe lẫn nhau. Không chỉ trò học thầy mà thầy cũng cũng phải học trò. Trò thương thầy, kính thầy nhưng thầy nói sai thì trò có quyền phản biện. Chính sự dân chủ này dễ khiến nhiều người có cảm giác học sinh leo lên đầu lên cổ thầy, cảm giác hình ảnh người thầy trở nên nhếch nhác, vị thế người thầy trở nên xuống dốc đến thảm hại.

Từ những trải nghiệm trong quá trình dạy học của mình, tôi cho rằng dù ở thời đại nào thì sự bền vững của đạo học và vị thế người thầy đều phải xuất phát từ hai phía: cả thầy lẫn trò.

Chúng ta không thể yêu cầu học sinh phải yêu thương, kính trọng ta trong khi ta thờ ơ, lãnh đạm với các em. Chúng ta không thể yêu cầu xã hội phải tôn vinh ta khi mà ta bỏ qua đạo đức nhà giáo để sống bằng lọc lừa, trí trá. Cuộc đời này tựa một chiếc gương soi, soi vào tròn sẽ nhận được ảnh tròn, soi vào méo sẽ nhận được ảnh méo. Trước khi oán trách cuộc đời, oán trách học sinh cũng nên thử một lần cố gắng nhìn lại mình một chút.

Bạn đọc có lẽ sẽ nghĩ tôi lạc quan thái quá. Không phải tôi không nhìn thấy những xấu xa, đen tối bày ra nhan nhản trong ngành giáo dục. Tôi từng nhiều lần rất đau lòng khi chứng kiến bao nhiêu chuyện tác tệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế người thầy trong lòng xã hội.

Nhưng tôi cũng nhìn thấy không ít những trong trẻo, thuần khiết từ tấm gương của biết bao thầy cô giáo, nhìn thấy bao nhiêu yêu thương, trân trọng mà các em học sinh dành cho thầy cô giáo của mình.

Chừng nào người Việt còn trân trọng tri thức, còn biết lo nghĩ cho tương lai của con cháu mình cũng như tương lai dân tộc thì chừng ấy người thầy vẫn còn được trọng vọng, vị thế của người thầy trong xã hội vẫn được đề cao. Tôi luôn tin vào điều đó và vẫn luôn nghĩ nghề của mình là nghề may mắn. Và nếu như được chọn lại, tôi vẫn chọn cái nghiệp làm thầy.  

Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên)

Thầy cô còn phải bươn chải kiếm sống, sự tôn kính rất xa vời?

Thầy cô còn phải bươn chải kiếm sống, sự tôn kính rất xa vời?

“Lương thấp” dường như là nhìn nhận điển hình về nghề giáo hiện nay. Tuy nhiên, thấp đến mức độ nào thì chưa nhiều người thấy rõ.  

Khi ai cũng có thể ‘ra tay’ với người thầy

Khi ai cũng có thể ‘ra tay’ với người thầy

Giáo viên bị tổn thương bởi không chỉ bị phụ huynh, học sinh mà nhiều khi bị chính những đồng nghiệp của mình coi nhẹ.

Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo

Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo

Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.