Trong thời gian không đến trường vì dịch Covid-19, có 2-3% học sinh Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương không có điện thoại thông minh, ở vùng không có internet và điện lưới quốc gia. Vì vậy mà hàng ngày, đúng 8h sáng, sau khi đến được chỗ có sóng liên lạc, học sinh sẽ gọi điện cho thầy cô để trao đổi bài…

{keywords}
Nữ sinh Lường Thị Thắm (dân tộc Thái) ở bản Bản Nát - Quài Cang, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) hằng ngày vừa chăn bò, cắt cỏ, vừa tranh thủ học tập trong những ngày phải nghỉ học trên lớp vì dịch Covid-19 hồi đầu năm

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, nhận định việc học trực tuyến nếu được đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là ở những địa phương vùng sâu vùng xa.

Điều kiện đảm bảo mà ông Thành đề cập tới ở đây chính là cơ sở vật chất phải có và đồng bộ, khi đó mới có thể triển khai rộng rãi.

Do đó, cần phải huy động nhiều nguồn lực để học sinh vùng khó khăn có phương tiện máy tính, điện thoại thì mới có thể học tập được.

 “Trong thời gian qua, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở Nghệ An chiếm khoảng 80%. Đối với 20% còn lại chủ yếu là những học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng Internet chưa đến được và học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hướng giải quyết của Nghệ An là đẩy mạnh học tập thông qua truyền hình. Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh cũng có gắng huy động nguồn lực xã hội hóa, trang bị những chiếc điện thoại cũ nhưng có khả năng kết nối Internet để tặng miễn phí để học sinh dùng.

Bên cạnh đó, VNPT và Viettel vẫn đang nỗ lực đưa đường truyền mạng đến tận các thôn bản để mọi học sinh có thể tiếp cận với việc học trực tuyến” – ông Thành cho biết.

Cũng từ góc độ người quản lý, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, lại có sự băn khoăn về phương tiện để thầy cô sử dụng khi dạy học trực tuyến.

Theo cô Thủy, chi phí cho mỗi giáo viên mua bản quyền của Microsoft là 900.000 đồng. Như vậy, để đầu tư cho 120 giáo viên, trường phải mất 100 triệu đồng để mua tài khoản.

Ngoài ra, cô Thủy cho hay theo khảo sát của nhà trường về thiết bị học trực tuyến với 1.900 học sinh có khoảng 95% học sinh có máy tính, điện thoại thông minh có nối mạng. Do vậy, nếu cần học trực tuyến, trường có thể hỗ trợ 5% học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cũng cho rằng khi dạy học trực tuyến, khó nhất là phương tiện để thầy cô sử dụng, bởi không phải giáo viên nào cũng có máy tính.

Về phần mềm dạy học, ông Phú cho rằng để thầy cô sử dụng thành thạo cần tập huấn và có thời gian nhất định. Chi phí bản quyền phần mềm không quá đắt, nhưng ai sẽ là người trả tiền?”...

Đủ điều kiện đảm bảo, dạy học trực tuyến mới hiệu quả 

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) chia sẻ quan điểm của ông Thành về việc tổ chức được một hoạt động dạy học trực tuyến có hiệu quả.

“Chúng ta phải có những điều kiện đảm bảo. Những điều kiện đảm bảo đó gồm hạ tầng công nghệ thông tin, các trang thiết bị đầu cuối để có thể dạy học trực tuyến, giáo viên và học sinh phải có máy tính hoặc các thiết bị kết nối mạng...

Cùng đó, giáo viên cũng phải được huấn luyện sử dụng phương pháp dạy học thành thạo trong môi trường trực tuyến. Học sinh cũng phải được hướng dẫn các cách thức tham gia, các tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến của nhà trường.

{keywords}
Giáo viên phải được huấn luyện sử dụng phương pháp dạy học thành thạo trong môi trường trực tuyến

Ngoài ra, còn phải được hướng dẫn quy trình tổ chức dạy học, kiếm tra đánh giá và công nhận kết quả dạy học trực tuyến ra sao.

Những điều kiện đảm bảo cần có này phải được thực hiện đồng bộ thì công tác dạy học trực tuyến mới có hiệu quả”.

Ông Hải cho biết trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi, huy động các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghệ thông tin cả trong và ngoài nước chung tay với ngành giáo dục, hỗ trợ, tài trợ về hạ tầng công nghệ, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, đường truyền internet.

Nhờ những hỗ trợ đó mà ngành giáo dục đã triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến có hiệu quả hơn. Trong thời gian vừa qua, đã có khoảng hơn 80% các trường triển khai dạy học trực tuyến với nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đường truyền internet ở địa phương.

Thời gian tới, để giải quyết vấn đề, những điều kiện đảm bảo liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đối với học sinh vùng khó, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện chính sách để tổ chức quản lý dạy học trực tuyến. Điều đó làm hành lang pháp lý cho các nhà trường tăng cường áp dụng, ngoài ra huy động được các nguồn lực từ xã hội.

“Hiện nay cũng đã có một số tổ chức đã có đề nghị về việc này và Bộ GD-ĐT đang tiếp tục làm việc. Tôi tin rằng khi chúng ta có chính sách và nhu cầu chính đáng thì xã hội sẽ chung tay” – ông Hải nói.

Phương Chi

Người thầy 'chuyển đổi số' và sự bất biến của đạo nghĩa thầy - trò

Người thầy 'chuyển đổi số' và sự bất biến của đạo nghĩa thầy - trò

Kể từ khi người thầy được xem là chuẩn mực và giữ vị thế “độc tôn”, đến nay, nghề dạy học đã có những thay đổi lớn.