Số khóa học trực tuyến tăng chóng mặt

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, theo ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, tháng 4.2019 nhà trường thành lập trung tâm dạy học ảo (UTEx) để tổ chức các khóa học trực tuyến hoàn toàn (Online Courses) trong môi trường mạng internet. Các khóa học này được cung cấp cho sinh viên và cựu sinh viên.

Giảng viên tham gia hoạt động dạy học online của UTEx có khả năng sử dụng công cụ dạy học số để tìm kiếm và cung cấp tư liệu học số cho lớp học, giao bài tập trực tuyến cũng như giao tiếp cơ bản với sinh viên trực tuyến.

Trong trường có các khóa dạy học trực tuyến kết hợp và học tập trực tuyến hoàn toàn theo mô hình 70:20:10 – UTEx.

Ở các lớp dạy học trực tuyến kết hợp, giảng viên biên soạn phim bài giảng, giao bài tập, kiểm tra trực tuyến và vấn để quản lý lớp học trực tuyến với mức độ trực tuyến lên đến tối đa 80% các hoạt động.

Hoạt động học tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên được lên kế hoạch triển khai trực tuyến một phần. Sinh viên chủ động hơn, được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu học tập hơn và có thể tự đánh giá kết quả học tập qua công cụ dạy học số.

{keywords}
Số lượng giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM qua các năm

Còn trong các khóa học tập trực tuyến hoàn toàn theo mô hình 70:20:10 – UTEx, những kiến thức học tập phải được xem xét sao cho 70% nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động thực tế, giải quyết một vấn đề thực tế gặp phải khi làm việc sau khi tốt nghiệp. Nội dung học tập được chia nhỏ thành từng phần, có hướng dẫn học tập và có kiểm tra đánh giá từng nội dung.

20% thời gian học tập, sinh viên thảo luận, trao đổi với giảng viên và bạn cùng học để tăng cường hiệu quả tự học. Cuối cùng, 10% còn lại sinh viên thao tác trên nền tảng và các công cụ dạy học số.

Năm ngoái, trường có 6 khóa học online hoàn toàn, năm nay có 160 khóa.

Khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong giáo dục, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ nhà trường đã chủ động thay đổi hình thức dạy và học, kết hợp giữa hình thức Online và cả hình thức Blended learning. Trường cũng đã đưa học phần “Năng lực số” - “Digital Literacy” vào chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý thông tin.

Còn theo TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) thì việc thay đổi thói quen là một trong những khó khăn nhất định khi thực hiện chuyển đổi số.

Ông Thủy nhắc lại câu chuyện từ hồi đầu năm, sau Tết nguyên đán: khi dịch Covid-19 bùng phát, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã khẩn trương triển khai học trực tuyến cho sinh viên.

Điều khá bất ngờ là khi đó, nhiều sinh viên còn… chưa sợ dịch, nên các em phản đối vì muốn tới trường, tới lớp gặp bạn bè.

Theo nguyện vọng của sinh viên, trường đã phải thực hiện xen kẽ việc học trực tuyến và trực tiếp.

Đến học kỳ II, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, dù kiểm soát được, trường vẫn thực hiện “bình thường hóa” để cho các em đến trường. Tuy nhiên khi đó, sinh viên lại đề nghị cho học online vì thấy hiệu quả và tiện hơn nhiều. Chỉ sau gần nửa năm, thói quen cũng như tư duy của sinh viên nhà trường đã có sự thay đổi rất rõ. Đến đầu tháng 8, một cuộc khảo sát trên toàn trường cho thấy 55% ý kiến sinh viên đề nghị được học trực tuyến.

Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số

Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng cho biết hiệu quả có thể nhìn thấy rõ của việc chuyển đổi số với sinh viên chính là trong mùa Covid-19 vừa qua, việc học của sinh viên nhà trường đã không hề bị gián đoạn.

Con số ấn tượng nhất là sự tương tác của sinh viên và giảng viên: gần như 100% sinh viên, giảng viên nhà trường sử dụng nền tảng và các công cụ dạy học số.

“Giảm thời gian học trên lớp, tăng thời gian học online. Sinh viên quen dần với việc tự học. Khi lên lớp, giáo viên chỉ hỗ trợ giải quyết các vấn đề gặp khi học online và thực hành các kỹ năng. Nhà trường đang hướng tới mục tiêu chỉ 10% nội dung học trên lớp, còn lại sinh viên tự học, tự trao đổi trên nền tảng số” – ông Hồng cho biết...

Cách đây hơn 2 tháng, tại Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19” ngày 18/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang tập hợp các video clip được thực hiện bởi giáo viên trong thời gian qua để tạo thành một kho tài liệu số trực tuyến.

Ông Nhạ cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.

Nói thêm về nội dung này, ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định ngành giáo dục đào tạo xác định sẽ biến nguy cơ từ dịch Covid-19 thành các cơ hội. Cơ hội ở đây là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tiến trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục đào tạo nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Sở dĩ ngành giáo dục coi đây là “cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục” bởi trước khi có dịch Covid-19, ngành cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, kiểm tra, đánh giá, trong đó có dạy học trực tuyến.

Ở bậc giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cụ thể là, hướng dẫn các điều kiện để triển khai, đào tạo bằng hình thức trực tuyến nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong giáo dục phổ thông, Bộ cũng đã đẩy mạnh phong trào xây dựng bài giảng e-learning thông qua các cuộc thi. Đến nay đã có 4 cuộc thi quốc gia về thiết kế bài giảng e-learning và có hàng chục nghìn lượt giáo viên đã tham gia xây dựng bài giảng và đóng góp hơn 5.000 bài giảng có chất lượng để làm kho dữ liệu chia sẻ trực tuyến...

Vì vậy, tới giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, ngành giáo dục đã có thể nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình dạy học trực tiếp trên lớp sang ứng dụng công nghệ, đặc biệt là dạy học trực tuyến.

“Qua chiến dịch dạy học trực tuyến vừa rồi, ngành đã tập hợp được hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. Bộ GD-ĐT đang kết hợp với hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ sẽ tập trung xây dựng một kho học liệu trực tuyến. Qua đó, thu thập các học liệu được giáo viên, nhà trường xây dựng, sử dụng trong thời gian vừa qua thành một kho học liệu số quốc gia để phục vụ giáo viên, học sinh trong các hoạt động dạy học trực tuyến...” – ông Sơn Hải khẳng định.

Phương Chi

Cần một đề án chiến lược cho chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam

Cần một đề án chiến lược cho chuyển đổi số giáo dục ở Việt Nam

Sự thành công của chuyển đổi số ngành giáo dục sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.