Bà đồng thời cũng là tư vấn trưởng Dự án của Quỹ Đối tác Giáo dục Toàn cầu, hỗ trợ Bộ GD-ĐT trong phát triển chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

{keywords}

Bà Dominique Altner, Chuyên gia Chương trình Cao cấp tại Viện chiến lược giáo dục UNESCO.

Theo Bà, giai đoạn 5 năm vừa qua, giáo dục Việt Nam đã có những thành quả nổi bật nào?

5 năm qua đã có rất nhiều thay đổi diễn ra. Việt Nam đã rất chú trọng đến các vấn đề xã hội liên quan đến giáo dục, đặc biệt là việc mở rộng hệ thống ở bậc mầm non và các bậc học cao hơn, chẳng hạn như đặt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non và trung học cơ sở.

Nếu nhìn vào số lượng và tỉ lệ trẻ ở Việt Nam không đến trường trong độ tuổi đi học, chúng ta sẽ thấy con số rất nhỏ. Đây là một bước tiến vượt bậc so với nhiều nước trên thế giới, theo quan sát của tôi.

Tuy nhiên, điều làm tôi ấn tượng hơn cả là hệ thống giáo dục Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng mà còn đi lên về chất lượng. Các bạn đang đưa vào triển khai một chương trình giáo dục phổ thông mới, đi kèm với đó là những đổi mới căn bản trong phương pháp đánh giá học sinh, phương pháp và tài liệu giảng dạy, đặc biệt là thay đổi trong tiêu chí đánh giá giáo viên. Tất cả những nỗ lực này thể hiện quyết tâm cao và cam kết cải thiện chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Đâu là động lực để tạo nên thành tựu này, thưa Bà?

Đó là sự kết hợp giữa quá trình nỗ lực hoàn thiện mô hình và cách tiếp cận riêng của Việt Nam. Cùng với đó là sự mở cửa hội nhập sâu rộng, tiếp thu và vận dụng linh hoạt kinh nghiệm quốc tế.  

Khác với các nước OECD đã có hàng thế kỉ để phát triển và hoàn thiện hệ thống, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với nhu cầu mở rộng hệ thống và nâng cao chất lượng đào tạo đến từ tiêu chuẩn của thị trường lao động thay đổi hàng ngày.

Sự gia tăng của các trung tâm tin học và ngoại ngữ trong vài năm trở lại đây là minh chứng rõ rệt cho sự linh hoạt, khuyến khích và huy động vai trò của khối ngoài nhà nước đóng góp vào hệ thống giáo dục.

Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của Bộ GD-ĐT trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là chất lượng giáo dục bậc THCS trong 10 năm qua, từ đó nâng cấp về hệ thống và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.

Khi triển khai chương trình mới theo định hướng tiếp cận phát triển năng lực, Việt Nam có thể đối mặt với sự thiếu hụt giáo viên. Làm thế nào để khắc phục vấn đề này?

Quá trình đô thị hoá và sự gia tăng chú trọng vào các ngành nghề dịch vụ và công nghiệp sẽ khiến ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giáo viên như là hệ quả tất yếu.

Ở tầm nhìn dài hạn trong vòng vài chục năm nữa khi Việt Nam gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao, tốc độ gia tăng dân số sẽ sụt giảm. Điều này có nghĩa là số học sinh ở các bậc học thấp cũng sẽ giảm so với hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề di cư và đô thị hoá cũng khiến cho sự phân bổ giáo viên không đồng đều giữa các vùng kinh tế. Có nơi sẽ là thiếu hụt giáo viên so với số học sinh (như vùng ngoại ô các đô thị lớn), nhưng có nơi sẽ đối mặt với tình trạng thiếu học sinh so với số giáo viên (các vùng sâu, vùng xa và kinh tế khó khăn).

Có lẽ phương án hợp lí hơn về dài hạn để khắc phục những vấn đề có thể lường trước được này là tập trung phát triển hạ tầng khoa học kĩ thuật và thúc đẩy giáo dục trực tuyến. Cách làm này vừa giảm thiểu áp lực lên giáo viên, vừa giúp gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và cá nhân hoá việc học cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của từng đối tượng người học.

Trong giai đoạn tới, Bà có cho rằng ngành giáo dục cần nhận được sự đầu tư cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu đã đề ra?

Theo như tôi được biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang làm suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng riêng Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng dương năm vừa qua và giữ vững mức ổn định chung. Như vậy nếu giữ nguyên tỉ trọng chi cho giáo dục như hiện nay, tổng mức đầu tư cho ngành giáo dục vẫn sẽ tăng qua từng năm.

Điều tôi quan tâm hơn là làm sao quản lí được nguồn tài nguyên để phục vụ cho những thay đổi to lớn sắp tới, về nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chuẩn giáo viên, cải tiến cách thức dạy và học, phát triển hệ thống tài liệu giáo dục và đảm bảo liên thông chuyển tiếp giữa các bậc học, từ đó thúc đẩy cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục ở mọi bậc học.

Như vậy cũng có nghĩa là thách thức thực sự nằm ở vấn đề quản lí và phân bổ nguồn đầu tư, hơn là tổng mức đầu tư.

Bà có những khuyến nghị nào cho giáo dục Việt Nam trong 5 -10 năm tới?

Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam đã và đang xác định rất chuẩn xác các khía cạnh cần tập trung chú trọng và đang trên đà phát triển đúng hướng.

Có lẽ trong giai đoạn tới, chúng ta nên nhấn mạnh hơn nữa việc đa dạng hoá các lộ trình tiếp cận giáo dục sau THCS, bên cạnh học THPT, nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở bậc này và sau phổ thông để đáp ứng nhu cầu từ thị trường lao động.

Ngoài ra, xây dựng các phương án chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai về chuyển dịch cơ cấu dân số, quốc tế hoá giáo dục và kéo theo sau là vấn nạn chảy máu chất xám... Nhưng đây là vấn đề dài hạn hơn cho quãng thời gian khoảng 10 năm.

Bà Dominique Altner là Chuyên gia Chương trình Cao cấp tại Viện chiến lược giáo dục UNESCO (IIEP). Bà Altner hiện chịu trách nhiệm nghiên cứu chính sách hoạt động và các dự án phát triển năng lực nhằm củng cố các cơ sở đào tạo trong nước và khu vực trong việc lập kế hoạch và quản lý giáo dục. Bà thiết kế và cung cấp các khóa đào tạo phát triển chuyên môn ở cấp quốc gia, tập trung vào các phương pháp tiếp cận toàn diện trong phân tích và lập kế hoạch ngành, bao gồm các mô hình mô phỏng và phân tích các chức năng quản lý Giáo dục của các Bộ.

Đông Hà

Tiến sĩ Việt dạy đại học ở Úc: 'Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục'

Tiến sĩ Việt dạy đại học ở Úc: 'Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục'

Dù đang là giảng viên tại Đại học Deakin (Úc), các nghiên cứu của GS.TS Trần Thị Lý phần nhiều vẫn hướng về Việt Nam.