Những ngày cuối năm, các trí thức Việt kiều đã chia sẻ với chúng tôi chuyện hồi hương của họ.

Mong muốn tạo ra thế hệ sinh viên có đam mê

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo (giảng viên trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát của phụ nữ Hà thành xưa, khác hẳn sự hình dung thông thường về một nhà khoa học.

{keywords}

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo đang miệt mài với công việc nghiên cứu

Chị là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học phân tử trên đối tượng thực vật tại Việt Nam. Chị vừa được Nhà nước phong PGS năm 2015 với nhiều công trình trên các tạp chí của Việt Nam và hơn 20 công trình trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đạt được học bổng toàn phần của chính phủ Nhật và học một lèo 5 năm để tốt nghiệp xong thạc sĩ rồi TS tại Viện Khoa học và Công nghệ NARA về ngành Di truyền phân tử thực vật. Đặt chân sang Nhật, niềm hứng khởi khi được học tập tại một trong những viện nghiên cứu mạnh nhất của Nhật chưa được bao lâu, chị Thảo bị sốc bởi môi trường giáo dục nơi đây.

“Ở đây có các GS đầu ngành và những cộng sự rất giỏi để giúp bạn đứng trên vai người khổng lồ mà phát triển. Nhưng đây cũng là một trong những nơi thường xuyên có người tự tử vì áp lực học tập, nghiên cứu rất lớn. 3-4 giờ sáng, các phòng lab đều sáng đèn, nghiên cứu viên làm việc như không có khái niệm thời gian. Lúc mới sang, ngày nào tôi cũng khóc vì không có người thân, khác biệt văn hóa, áp lực học quá căng. Nhưng may mắn, tôi đã gặp được cố GS Shimamoto, một trong những GS đầu ngành của thế giới trong lĩnh vực sinh học. Ông như người cha tinh thần, luôn thúc đẩy để tôi phát triển và có những cơ hội phát triển tốt, nhưng đó cũng là nỗi băn khoăn khi tôi quyết định từ bỏ để quay về nước”, chị nhớ lại.

Lúc tốt nghiệp TS, ba mẹ muốn Thảo quay về VN làm việc vì gia đình chỉ có hai người con mà em gái Thảo đã quyết định chưa về. GS Shimamoto kiên quyết giữ cô học trò Việt Nam lại ở viện để nghiên cứu sau TS. Mặt khác, chị đã được ĐH Yale ở Mỹ gật đầu để chị về giảng dạy và nghiên cứu tiếp.

“Nhiều hướng đi ở trước mặt rất khó để đưa ra lựa chọn. Cán cân của lý trí nghiêng theo những cơ hội tốt hơn, đó là ở lại, nhưng có một cán cân khác trong lòng tôi nghiêng theo chiều ngược lại. Khi tôi quyết định sẽ trở về, GS Shimamoto đã sang VN hai lần để tìm hiểu môi trường tôi sẽ công tác, đến nhà cha mẹ tôi thuyết phục hãy cho tôi ở lại Nhật hoặc đi đâu cũng được, miễn đừng trở về”, chị Phương Thảo bộc bạch.

Nữ TS trẻ trở lại Hà Nội, sau đó đầu quân về ĐH Quốc tế với rất nhiều lý lẽ và hoài bão. Chị thừa nhận: “Tận hưởng những khoảnh khắc bên gia đình là giá trị thiêng liêng nhất mà không gì sánh được. Mỗi buổi sá ng thức dậy được gặp người thân, được nghe tiếng Việt thân thuộc - ai đã từng xa quê mới hiểu nó quý như thế nào. Phụ nữ thì càng nên trở về. Hơn nữa, chúng ta có cơ hội được đi ra ngoài để nhìn ngắm thế giới thì nên quay về, mang kiến thức về đóng góp cho đất nước”.

Chị kể, quá trình học tập ở Nhật của mình khá thành công với nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí nghiên cứu uy tín hàng đầu về nghiên cứu thực vật (Plant Cell, Plant Physiology và Cell Press). Do vậy, vào thời điểm đó, chị rất tin vào khả năng nghiên cứu khoa học của mình và nghĩ rằng mình có thể bắt đầu xây dựng một nhóm nghiên cứu tương tự ở ĐH Quốc tế.

Lúc bắt tay vào thực hiện, chị mới nhận thấy rằng để vận hành một nhóm nghiên cứu, kỹ năng làm thí nghiệm chỉ là một phần nhỏ: “Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi được nâng đỡ trên vai những người khổng lồ nên mọi chuyện thuận lợi và đơn giản hơn rất nhiều.

Công việc của một trưởng nhóm nghiên cứu đòi hỏi cả sự quyết đoán khi theo đuổi các đề tài khoa học, kỹ năng viết bài, sự độc lập, và nhất là cần có cơ sở vật chất tốt. Vào thời điểm tôi bắt đầu, các dụng cụ thí nghiệm tại ĐH Quốc tế còn rất sơ khai và quỹ nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam cũng khan hiếm”.

Để vượt qua được những thử thách, chị phải học cách sử dụng và quản lý nguồn kinh phí cũng như quỹ thời gian một cách hiệu quả hơn. May mắn là ở ĐH Quốc tế, việc giảng dạy được đề cao và nghiên cứu được đầu tư rất tốt. Ngoài cơ chế thoáng, có đến 149/160 giảng viên của trường từ nước ngoài trở về nên môi trường nghiên cứu ở đây rất thuận lợi.

“Khi ở Nhật, tôi nghĩ mình chỉ thích duy nhất công việc trong phòng thí nghiệm. Vậy mà sau bả y năm đi dạy, tôi nhận ra được nhiều giá trị đáng quý của công việc này, và rất yêu thích những giờ phút được tiếp xúc và truyền cảm hứng, truyền niềm yêu thích đến các bạn SV.

Sự trẻ trung và vui vẻ của các em cũng lan truyền qua tôi. Cũng có lúc tôi lăn tăn suy tính nhưng cái lớn hơn là tôi đã yêu thích công việc nghiên cứu và SV của mình. Tôi tin các em sẽ là thế hệ có đủ sự năng động và tri thức để giúp phát triển đất nước”, PGS Nguyễn Phương Thảo tâm sự.

Tối muốn "Tây" phải qua mình học

Đó là một trong những mục tiêu mới của GS Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann (JVN - thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) đang thực hiện cho phân khúc đào tạo sau đại học của viện.

{keywords}
GS Dương Nguyên Vũ đang giảng bài cho sinh viên 

Khi thấy chúng tôi có vẻ “sốc” trước thông tin này, GS Vũ khẳng định: “Không viển vông đâu, mỗi năm luôn có bốn-năm “ông Tây” sang đây học. Những học viên này chọn sang viện học không phải vì chi phí rẻ, mà vì thích môi trường học thuật ở viện, chương trình học toàn bộ bằng tiếng Anh và được các trường ĐH lớn ở các nước Tây Âu công nhận, có thể chọn lấy bằng đôi”.

Theo GS Vũ, việc kết nối đưa SV ra nước ngoài học tập nghiên cứu để tiếp cận sự phát triển của nền khoa học thế giới rất cần thiết, nhưng chúng ta nên nghĩ đến việc tạo ra nhu cầu ngược lại, đó là tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu quốc tế cho SV VN và đủ sức thu hút du học sinh các nước vào VN du học.

Vài năm trước, GS Dương Nguyên Vũ từng là tâm điểm của giới nghiên cứu trong nước khi trở về VN ở hẳn để công tác trong lúc đang là giám đốc nghiên cứu, cố vấn khoa học cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu hàng không châu Âu (Eurocontrol) - đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu đảm bảo an toàn không lưu cho châu Âu.

Trước đó, chỉ là những chuyến đi đi về về để giảng dạy và hướng dẫn đề tài cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ông quyết định ở lại VN từ năm 2010 khi ĐHQG TP.HCM thành lập Viện JVN để phát triển đào tạo bậc sau đại học, nghiên cứu khoa học.

“Nhiều người hỏi tôi sao ở lại VN, có khó khăn khi lựa chọn? Tôi nghĩ mọi thứ rất tự nhiên, đã là tình yêu thì không có sự so đo lợi-hại. Tôi mong muốn được đóng góp cho giáo dục VN bởi SV VN rất có tiềm lực và khả năng cạnh tranh, các em chỉ thiếu điều kiện và môi trường để khai phá”, GS Dương Nguyên Vũ chia sẻ.

Ông dẫn chúng tôi tham quan Viện JVN, môi trường rất khác với các cơ sở đào tạo khác bởi quan niệm tạo ra môi trường không chỉ là cơ sở vật chất mà phải tạo được không gian khoa học, tinh thần thoải mái, được tự do học thuật để thu hút người nghiên cứu.

Giảng viên và học viên không có khoảng cách vai vế, thậm chí học viên mới là trung tâm ở nơi này. Phòng lab, phòng học mở suốt 24 giờ để học viên có thể vào nghiên cứu, học tập, thậm chí tổ chức… tiệc. Đặc biệt, tất cả nghiên cứu sinh tại đây còn được trả lương…

“Không nhất thiết phải về ở hẳn VN mới là cống hiến, tôi chọn cách kết nối với các trí thức thành công ở nước ngoài cống hiến cho viện theo kiểu vừa ở vừa về. Họ ở nước ngoài công tác nhưng vẫn có thể tham gia giảng dạy, hướng dẫn đề tài cho học viên, cùng tham gia đề tài nghiên cứu khoa học trong nước”.

Không khó để bắt gặp rất nhiều lớp học chỉ có học viên, còn giảng viên thì đang ngồi giảng ở tận Pháp, Mỹ, Úc… Hiện Viện JVN thu hút khoảng 50 nhà khoa học người Việt xuất sắc trên khắp thế giới tham gia nghiên cứu và giảng dạy thường xuyên như GS-TS Vũ Hà Văn (GS toán của ĐH Yale - Mỹ, từng đoạt các giải thưởng George Polya, NSF Career, Fulkerson), GS-TS Phạm Xuân Huyên (GS toán kinh tế - ĐH Paris 7), GS-TS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Nhật Bản), GS Phạm Hi Đức (GS đầu ngành về tài chính của ECE Paris Graduate School of Engineering, Pháp)…

Đặc biệt, Viện JVN thu hút rất nhiều tài năng trẻ về toán, công nghệ thông tin trở thành giảng viên của viện như PGS-TS Ngô Quang Hưng - giải nhất Olympic toán học năm 1990, giải thưởng NSF Career 2004-2009; TS Vũ Duy Thức - tốt nghiệp Trường ĐH Stanford và hiện đang làm việc tại Google..

Theo GS Vũ, “Vẫn còn những cái khó như cơ chế tài chính, SV chưa dám thoát ra khỏi vỏ kén an toàn… nhưng chúng tôi đang làm thay đổi điều đó từng ngày”.

Đã và sẽ còn nhiều nhà khoa học, trí thức Việt kiều quay về. Chúng ta có quyền tin rằng những mong muốn cống hiến của họ cho nền khoa học - giáo dục VN thành hiện thực bởi có rất nhiều đơn vị như Viện JVN, ĐH Quốc tế, ĐH Khoa học Tự nhiên… đã tự cởi trói, tạo cơ chế làm việc và tài chính tốt, thu hút các nhà khoa học Việt kiều về nước công tác.

(Theo Tiêu Hà - Phụ nữ TP.HCM)