- Ngoài phòng thi THPT quốc gia những phụ huynh kiên nhẫn ngồi dưới cái nắng gay gắt đợi con.  Một người anh dặn cậu em: Chỉ khi thật sự đủ tự tin rằng mình có tài năng và bản lĩnh khác thường thì mới nên nghĩ đến việc vào học ngay ở "trường đại học lớn - trường đời".

1. Chiều 1/7, bên ngoài điểm thi Học viện Báo chí – Tuyên truyền thuộc cụm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự đa phần là những phụ huynh nông dân đến từ các vùng quê thuộc huyện Quốc Oai, Đan Phượng thuộc Hà Nội.

{keywords}
Phụ huynh ngồi đợi con bên ngoài điểm thi Học viện Báo chí Tuyên truyền. (Ảnh: VC).

Những ông bố, bà mẹ áo quần đã cũ, có người ống quần còn xắn cao với bàn tay thô ráp. Có người mang theo cả đồ ăn nấu sẵn cho con, người mang theo cả bức tranh thêu ngồi giết thời gian. Mọi người ngồi bệt ven hiệu sách Nguyễn Văn Cừ.

Ông Hà, quê ở Quốc Oai tuổi ngoài 40, mặt cháy nắng cho biết gia đình có nghề làm miến truyền thống nhưng giờ công việc đồng áng với nghề này đa phần do vợ lo vì thu nhập chẳng đáng kể.

Từ một thợ xây sau một vài năm làm thợ đã tích lũy kinh nghiệm, ông giờ là quản lí của một đội nhỏ các anh em phụ hồ, thợ xây quanh năm nhận các công trình lớn nhỏ ở quê.

Thu nhập cũng vào dạng khá giả ở quê, ông không tiếc tiền lo cho các con ăn học. Tính nông dân, ông thẳng thắn: Ở nhà bực mình, con mà trái lời hay hư đốn cũng cho cái bạt tai. Nhưng khi đề cập chuyện học hành ông chẳng tiếc. Cậu anh cả năm nay 19 tuổi, trước dịp thi mỗi ngày đi học thêm ở nhà thầy cô một ngày tới 4 ca. Từ sáng đến tối mịt. Tính nguyên tiền này cũng ngót 20 triệu.

Nói về con trai ông tự hào cho biết ngoài học tốt các môn tự nhiên, cháu cũng khá giỏi tiếng Anh. Nó vẫn thường xuyên lên lớp thuyết trình cho các bạn và thầy cô nghe đấy!

Cậu em không được như anh. Lần thi vào lớp 10 vừa qua em chỉ được 30 điểm, trượt vào trường THPT công lập ở quê. Cũng có người khuyên ông cho con học ở một trường tư, sau “chạy” cho vào một trường công. Nhưng tiền “chạy” nghe đâu cũng phải 50 triệu đồng.

Ông nghĩ chẳng nên. Thôi thì cứ để con học bổ túc văn hóa, vừa học vừa ôn năm sau tiếp tục giấc mơ một suất vào trường công lập. Còn bây giờ, thời gian nghỉ hè cậu em phải cùng với bố ra công trường xách vữa, phụ hồ cho thợ xây.

Ông nói vui: “Vậy là thằng em đang gánh hộ thằng anh kiếm tiền để trả nợ cho bố mẹ”.

Con có nhiều ước mơ đại học, ông không cấm. Nhưng người cha thẳng thắn: “Tôi bảo nếu nó không học được gì ra tấm ra món thì đừng đi, sau này theo bố làm học làm quản lí anh em thợ xây. Như thế thực tế hơn”.

2. Bà Tám, nhà ở Đan Phượng chắc nhiều hơn ông Hà vài ba tuổi cũng góp vui. Gia đình bà làm nghề chạy chợ, bán rau ở chợ Kim Liên, mỗi ngày thu nhập cũng được vài trăm ngàn đồng.

{keywords}
Phụ huynh đội nắng đứng đợi con. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Con gái học lực trung bình khá. Buổi sáng con bà ra khỏi phòng thi nói chắc chỉ được điểm dưới trung bình môn Toán. Môn tiếng Anh chiều nay chắc cũng khó khá khẩm hơn.

Bà chia sẻ: “Cháu cũng lượng sức mình và thấy điều kiện gia đình khó khăn nên nói với bố mẹ ước mơ muốn trở thành cô giáo mầm non. Tôi cũng hi vọng con đủ điểm học trường trung cấp mầm non. Bây giờ giáo viên các bậc khác thừa nhiều lắm, muốn vào nghe đâu cũng phải “chạy” cả trăm triệu mà thu nhập còm cõi. “Chạy” để rồi lại gánh nợ về mình, nghĩ cực lắm”.

Học giáo viên mầm non rồi cố gắng rèn thêm tiếng Anh sau ra làm ở trường tư thục, may mắn xin được vào trường quốc tế bà nghĩ tương lai con có thể tươi sáng hơn.

3. Bà Phúc, cũng giọng đặc chất Hà Tây cũ ngồi bên gương mặt buồn buồn. Con gái lớn nhà bà học cao đẳng y dược tốt nghiệp loại giỏi, sau lại học thêm ngành điều dưỡng cũng tốt nghiệp bằng giỏi mà giờ vẫn làm thêm ở một trung tâm mua sắm giữa thủ đô.

Bà bảo gia đình cũng có người thân quen ở ngành y tế một huyện của Hà Nội, cũng nộp hồ sơ xin vào bệnh viện đa khoa địa phương rồi đấy. Nhưng rồi thì cứ bặt vô âm tín, hát điệp khúc chờ đợi.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng
Giờ cậu em trai lại sắp bước qua ngưỡng cửa tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Trong lúc mọi người ngồi chờ con, thỉnh thoảng lại có một vài bạn trẻ tới phát tờ rơi tuyển sinh. Có nhiều tờ rơi quảng cáo du học kết hợp việc làm ở Nhật hứa hẹn thu nhập thật mùi tai. Nhưng những người nông dân như bà giờ cũng khó tin vào viễn cảnh ấy.

Sắp tới con trai thi xong bà sẽ định hướng cho con đi học nghề, làm để trở thành thợ tốt có việc làm đúng ngành đã học ngay khi ra trường còn tốt hơn bằng giỏi mà giờ chật vật như chị.

4.Ngồi đợi mày làm bài thi trong kia mới hiểu cảnh 7 năm về trước bố đợi tao ngoài cổng trường thi thế nào. Cũng hiểu vì sao bao nhiêu ông bố bà mẹ bất chấp nắng mưa mà ngóng vào trường thi. Tao nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất, cũng không phải là cửa vũ môn mà nếu vượt qua được mày sẽ được "hóa rồng". Nhưng thực tâm mà nói giảng đường đại học là quãng thời gian thú vị và bổ ích mà mày cũng như bất cứ ai, nên trải nghiệm.

Ở đó, dù ít, dù nhiều mày sẽ học được những điều cần thiết để trưởng thành hơn, hoặc ít nhất là những kiến thức chuyên ngành cho công việc sau này của mày.

Người ta chửi đại học cũng nhiều (tao cũng từng như vậy). Nhưng nếu không học đại học (bằng nhiều con đường khác nhau), thì liệu những năm tháng sau khi rời trường phổ thông mày sẽ làm được gì. Không cần đâu xa, hãy cứ nhìn những bạn bè đồng trang lứa với tao, với mày ở quê thì sẽ rõ. Chỉ khi thật sự đủ tự tin rằng mình có tài năng và bản lĩnh khác thường thì mới nên nghĩ đến việc vào học ngay ở "trường đại học lớn - trường đời".

Người lớn ở quê thường so sánh, học đại học xong mà ra trường kiếm tiền ko bằng bạn bè cùng trang lứa đã bỏ học từ lâu. Nhưng mày hãy để điều đó sang một bên. Hãy nghĩ đến điều lớn hơn, là mày có nhiều cơ hội để thế hệ con cái mình có cơ hội được tiếp cận tri thức sớm hơn mình ngày nhỏ. Chứ không phải sống cảnh như bố mẹ mình, suốt cuộc đời khuất sau bóng lũy tre làng. Và gần như ngày nào cũng lặp lại như ngày nào. Vì thế nên dân làng mình chỉ quẩn quanh trong việc suy trước tính sau rằng cho con học thì sau ra mất bao tiền xin việc, hay dạy con cái họ phải kiếm con nhà nào giàu giàu, có vai vế mà lấy...mà quên dạy con cái họ cách sống làm 1 người đàng hoàng.

Viết lằng nhằng thế, cũng chỉ để cho quên cái nắng thôi” – trích Facebook của người anh trai Vũ Viết Tuân gửi em trong những ngày thi.

  • Văn Chung