“Ngày đầu tựu trường nhưng tôi không thấy trống giong cờ mở, không thấy trẻ em xếp hàng tuyên thệ dưới cờ, hô khẩu hiệu xin hứa trên bục danh dự. Trong lớp không khẩu hiệu chính trị, không ảnh lãnh tụ đảng phái. Tất cả chỉ là các giáo cụ trực quan và hình ảnh vui mắt nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các thầy trò”.

{keywords}

Phụ huynh cùng con trong ngày tựu trường

Mấy ngày gần đây tôi được nghe và đọc rất nhiều ý kiến, bài viết về chủ đề giáo dục ở Viêt Nam. Các quan điểm đa dạng, mang nhiều tầm vóc, từ vi mô tới vĩ mô, và đều toát lên tinh thần trách nhiệm, mong được đóng góp chút tâm sức cho sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà, vì tương lai con em chúng ta.

Nhân đây, cũng xin được có chia sẻ về thực tế giáo dục tiểu học tại Úc, đất nước nơi tôi đang sinh sống. Trong phạm vi một bài viết nhỏ, chỉ xin đề cập tới những trải nghiệm thực tiễn mà chính tôi đã chứng kiến và trải qua, để độc giả và bạn hữu tham khảo và cùng suy ngẫm.

Ở Úc chương trình giáo dục theo bậc 12 năm, nhưng các em có một năm để rèn luyện và tập thói quen chuẩn bị bước chân vào hành trình dài này. Năm học đó như bên ta vẫn hay gọi là lớp vỡ lòng.

Năm nay khởi đầu chặng đường học vấn, con trai tôi bắt đầu làm quen với lớp vỡ lòng. Ngay những ngày đầu tiên đưa cháu đến trường, tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Ngày đầu hội nhập

Ngạc nhiên đầu tiên là ngày đầu tựu trường nhưng tôi không thấy trống giong cờ mở, không thấy trẻ em xếp hàng tuyên thệ dưới cờ, hô khẩu hiệu xin hứa trên bục danh dự. Đơn giản, các cô giáo ai phụ trách lớp nào đứng trước cửa lớp đó tươi cười chờ đợi. Các phụ huynh tíu tít dắt con ra bảng danh sách dán trước cửa lớp, tìm tên con em mình, rồi lại tíu tít vào lớp tự tìm bàn ghế, nơi đã ghi sẵn tên từng cháu trên từng vị trí để ổn định chỗ ngối.

{keywords}

Ngày đầu tiên đi học...

Bố mẹ túm tụm ngồi bên các con đang e dè, ngượng nghịu, âu yếm vỗ về các cô cậu trò tí hon. Trong lớp không khẩu hiệu chính trị, không ảnh lãnh tụ đảng phái. Tất cả chỉ là các giáo cụ trực quan và hình ảnh vui mắt nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các thầy trò.

Vì là vỡ lòng nên khắp nơi trong lớp thấy đầy các bộ đồ chơi, cái bầy ngoài bàn, cái xếp trong hộp các tông đặt quanh tường lớp. Các trò vừa vào lớp là sà vào đồ chơi, em thì chơi, em thì vẽ, em thì được một trong hai cô giáo phụ trách lớp đưa ra góc lớp ngồi đọc truyện cho nghe.

Tóm lại, mọi chuyện diễn ra đều quá bình yên, cảm giác các em đến chỉ để vui chơi, không để học. Các em mạnh dạn thì hòa vào nhau chơi chung. Các em nhút nhát thì ngồi yên vị bên bàn, bố mẹ ngồi cạnh vỗ về, động viên.

Tất cả đều quá yên ả và bình lặng. Không có gì là nghiêm trọng, là sức ép học hành đối với trò, là lo toan của bố mẹ khi nhận ra con đang bắt đầu bước vào một chặng đường mới cam go, chặng đường của phấn đấu và nỗ lực hết mình vì kiên thức và học vấn.

Hoàn toàn không có những hoạt động ồn ào nhằm tạo dấu ấn trong lòng những ai tham dự cái ngày gọi là “ngày đầu tiên tiên đi học” như tôi đã từng được chứng kiến và tạo cảm xúc bởi người lớn ở quê nhà dạo ấy truyền cho.

Tất cả quá đỗi nhẹ nhàng, giản dị, thư giãn, cho đến khi điều bất ngờ tiếp theo đến với tôi.

Kỳ kiểm tra chất lượng đầu đời

Ngồi với con chừng nửa tiếng cho con an tâm và quen với lớp, các vị phụ huynh lần lượt chia tay con để ra về cho cô giáo làm quen với các trò. Và điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra đúng vào lúc này, khi tôi tưởng nhiệm vụ của mình dẫn con đến trường để... chơi đã xong.

Trước khi chia tay với cô giáo, cô đã không quên dặn từng phụ huynh trong đó có tôi: “Trong tháng đầu tiên các trò sẽ được nghỉ học vào các thứ Tư hàng tuần để tránh học nhiều căng thẳng.

Tuy nhiên các phụ huynh sẽ đưa con em mình đến trường kiểm tra chất lượng đầu năm vào những ngày nghỉ này. Ngoài cửa lớp có bảng danh sách các em, mời các phụ huynh điền vào cột trống theo chỉ dẫn, chọn xem ngày thứ Tư nào thuận tiện cho mình thì đăng ký đưa con tới trường”.

Tôi ngỡ ngàng khi nghe thông tin này. Con trai lớn sang Úc khi cháu đã vào lớp một nên tôi không hề có khái niệm kiểm tra chất lượng đầu vào đối với trẻ vỡ lòng. Vậy là, lại có kiểm tra sao, nghiêm trọng thế cơ à, tôi băn khoăn suy nghĩ.

Tôi chủ động chọn cho con trường làng, chả lớp chọn trường chuyên như ở Việt Nam, cũng chỉ cốt con không bị áp lực học hành ít nhất trong bậc tiểu học. Vậy mà, vừa ngày đầu tới lớp vỡ lòng đã “nghe tin sét đánh ngang tai” - yêu cầu dắt con đi kiểm tra chất lượng.

Test trình độ học vấn của các em nhỏ lơ ngơ như tờ giấy trắng tại một nước có nền giáo dục tiên tiến, được coi là không mắc bệnh thành tích và bằng cấp này sao? Với một người vốn không ưa điểm số và thi cử như tôi, trong lòng bỗng cảm thấy ngột ngạt.

Chọn xong ngày cho con đi kiểm tra chất lượng, tôi trở về nhà và không khỏi thắc mắc, tò mò, ngóng đợi cái ngày nọ.

Và ngày ấy đã đến. Tôi cùng con đến sớm trước giờ hẹn cả 15 phút, sẵn sàng lâm trận. Mặt mẹ chắc còn nghiêm trọng hơn con trai trong khi chờ chiến đấu. Rồi cô giáo xuất hiện, đọc tên con trai tôi.

Cứ tưởng sẽ ngồi ngoài thấp thỏm đợi chờ, để con một mình vào đương đầu với cuộc chiến học vấn, nào ngờ cô nhỏ nhẹ mời cả hai mẹ con vào. Tuy bất ngờ nhưng tôi cảm thấy yên tâm cho con vì dù sao cuộc chiến đầu tiên này, con có mình kề cận, sẻ chia ít nhất về mặt tinh thần.

Cùng con vào trận

Lớp học rộng 50-60m2, giờ chỉ có mình cô giáo và hai mẹ con ngồi trước bàn đối diện nhau khiến tim tôi bỗng đập lên chộn rộn. Hóa ra mỗi học trò được kiểm tra riêng biệt trong vòng một tiếng chứ không phải tất cả các em kiểm tra cùng nhau như tôi đã tưởng.

Tim tôi bỗng đập hối hả. Cảm giác như áp lực lúc kiểm tra thi cử từng khiến tôi choáng váng một thời cắp sách thuở nào dường như sống dậy trong tôi. Tuy nhiên nhìn sang con trai, thấy cu cậu hoàn toàn vô tư, hớn hở, tôi tự trách mình mắc chứng hoang tưởng, cứ sợ hãi không đâu, tự để chứng bệnh sợ thi cử, khiếp điểm số năm xưa tái phát.

Cô giáo cất giọng niềm nở phá tan bầu không khí yên tĩnh của lớp học rộng chỉ có ba người ngồi, kéo tôi trở về với thực tại: “Như cô đã biết, hôm nay tôi mời cô đưa cháu đến đây để kiểm tra trình độ nhận thức, kiến thức hiểu biết hiện thời của cháu.

Việc các phụ huynh cũng có mặt tại buổi kiểm tra này là một yếu tố vô cùng quan trọng, giúp cả hai chúng ta hiểu rõ không chỉ là trình độ mà cả tầm nhận thức và khả năng đặc biệt của từng em. Để chúng ta có thể cùng nhau hợp tác, giúp đỡ cháu học tốt cả ở nhà lẫn ở trường, giúp các cháu học tập đúng khả năng và phát huy những thiên hướng đặc biệt của mình nếu có từ sớm.

Vậy cô cứ ngồi theo dõi và lắng nghe những trao đổi của hai thầy trò chúng tôi. Nhưng đừng tham gia ý kiến. Hãy để cháu tự trả lời các câu hỏi bằng chính kiến thức cháu có.

Với những gì cô nhận thấy, bao gồm cả những điểm mạnh hay yếu của con, cô sẽ tìm được cách tốt nhất để giúp cháu học tập tiến bộ và hỗ trợ nhà trường trong quá trình giáo dục, dạy dỗ con em mình”.

(Còn tiếp)

(Theo Bích Châu/ Nhịp Cầu Thế Giới)