- Tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 sáng nay 29/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giới thiệu dự thảo các phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia theo hai hình thức thi: Thi theo môn hoặc thi theo bài.

Cập nhật:

{keywords}
Sau khi đọc xong báo cáo tổng kết năm học 2013 - 2014, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giới thiệu dự thảo các phương án của "một kỳ thi quốc gia" với các đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các nhà quản lý giáo dục ở 63 tỉnh, thành.

Tổ chức tháng 6, thi theo cụm ở tỉnh

Theo dự thảo này thì kì thi THPT quốc gia được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm. Địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi là các thành viên cán bộ, giáo viên của Sở GD-ĐT và cán bộ, giáo viên của các trường ĐH,CĐ. Lãnh đạo các Hội đồng chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và lãnh đạo Sở GD-ĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi quốc gia.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đảm nhiệm việc tổ chức ra đề thi. Trong tương lai, việc này sẽ do Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận.

Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).

{keywords}

Đối chiếu hình ảnh của thí sinh dự thi ĐH, tại kỳ thi tuyển sinh năm 2014. Ảnh: Văn Chung

Ba phương án thi theo môn và thi theo bài

Về môn thi Bô GD-ĐT dự kiến 3 phương án thi theo môn và thi theo bài.

Phương án 1: Thi theo môn

Thi 8 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Theo lộ trình đổi mới, các môn thi sẽ chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao.

Phương án 2: Thi theo 5 bài

Trong kì thi, 8 môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: bài thi Toán, bài thi Ngữ văn, bài thi Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học), bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý).

Phương án 3: Thi theo 4 bài

 11 môn học sẽ được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (Gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ.

Khó khăn của phương án thi theo bài là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý. Nếu thực hiện từ năm 2015 thì đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Đối với môn thi Ngoại ngữ thi Bộ GD-ĐT dự kiến không bắt buộc, chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án (gồm hai môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn).

Xét tuyển THPT và tuyển sinh vào ĐH ra sao?

Điểm thi của thí sinh trong kì thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả kì thi quốc gia.

Các trường ĐH, CĐ công bố phương thức tuyển sinh (có môn thi/bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường (gọi là các môn thi/bài thi xét tuyển) và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm (nếu có) trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường.

Trên cơ sở kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, tùy thuộc tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung,... 

MỜI ĐỘC GIẢ XEM CHI TIẾT DỰ THẢO CÁC PHƯƠNG ÁN TẠI ĐÂY.

{keywords}

Khi nào thực hiện?

Bộ GD-ĐT mong nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục, đào tạo và của toàn xã hội để hoàn thiện phương án. Trong trường hợp có sự đồng thuận cao, ngành giáo dục dự kiến công bố phương án tổ chức thi chính thức trong tháng 9/2014 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

  • Kiều Oanh - Văn Chung