- Huỳnh Ngọc Thành, 22 tuổi, tân cử nhân đại học Tài chính Marketing TP.HCM đã đạp xe suốt một ngày trời trên các đường phố Sài Gòn để “tự tiếp thị” mình.

Đạp xe treo quảng cáo tìm việc làm

Đằng trước và sau xe đạp của chàng trai đội mũ bèo có treo biển bằng bìa cac- tông ghi chữ viết tay: “Tôi cần một công việc. Tôi có bằng đại học ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ UBCKNN (uỷ ban Chứng khoán Nhà nước); biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL. Liên hệ: ...”

Chia sẻ trên Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), cử nhân ngành tài chính ngân hàng này cho biết: “Tôi ra trường vào tháng 7/2011. Từ đó đến nay đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng vẫn chưa được gọi. Có công ty đăng quảng cáo trên mạng nhưng đến nơi lại gặp môi giới đa cấp, phải đóng 100.000 đồng nhưng vẫn không có việc. Có nơi gọi phỏng vấn nhưng chưa thấy trả lời. Không thể nằm chờ mãi, tôi đã chọn hình thức tự tiếp thị cá nhân thế này để mong có nhà tuyển dụng nào đó tình cờ để mắt đến”.


Huỳnh Ngọc Thành đạp xe treo biển tìm việc. Ảnh SGTT.


Thành chia sẻ: “Kiếm được bao nhiêu tiền từ nghề gia sư, tôi dành đổ xăng để lặn vào các kho sách thư viện ĐH Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật và nhóm thư viện làng đại học ở Thủ Đức để nghiên cứu. Tôi học thêm các phần mềm lập trình, kiểm toán, phân tích dữ liệu, báo cáo để làm chủ kiến thức chuyên môn trong chương trình học”.

“Nói thật, tôi cũng hết cách mới chọn đến hình thức “tiếp thị bản thân” theo kiểu này. Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại, mặc cảm lắm. Chiến thắng được sự mặc cảm đó để bắt tay làm quả thật rất khó khăn”. Thành cũng cho biết thêm, anh đã suy nghĩ nhiều khi chọn lựa đi bằng xe đạp hay xe máy: “Xe máy vừa khó làm chủ tốc độ, vừa tốn xăng. Tôi chọn đi xe đạp sẽ gây sự chú ý cho mọi người, vì tốc độ vừa phải, người ta có thể đọc thấy kỹ thông tin, số điện thoại để nếu cần thì liên lạc. Nếu tôi không có khả năng thì chắc chắn cũng không dám chọn hình thức “tự giới thiệu” thế này đâu”, Thành nói với SGTT.

Cư dân mạng ném đá “cử nhân tìm việc”

Chỉ sau một ngày báo chí đưa tin, các mạng xã hội bình luận rôm rả về chàng sinh viên với cách tìm việc khác người này.

Rất nhiều ý kiến phản đối cách làm của Huỳnh Ngọc Thành trên khắp các diễn đàn.

Tuy nhiên, theo thành viên “David Nguyen” thì cách làm của cậu cử nhân kinh tế này khá hay ho và đáng để bạn trẻ đang tìm kiếm việc làm xem xét:

“Phương pháp của cậu này rất hay. Ít ra là cộng đồng đã biết đến cậu ấy là ai! Ở đấy có bao nhiêu người đã biết đến bạn? Phương pháp tiếp thị bằng xe đạp cũng rất ok, vừa đủ để mọi người có thể đọc được thông tin về mình, nhưng quan trọng là cậu ấy có thể đi chậm, quan sát được chuyển động của cuộc sống. Biết đâu trong những ngày đạp xe này, trong đầu cậu ấy lại nảy lên bao ý tưởng kinh doanh mới lạ. Thực tế sẽ mang lại cho chúng ta nhiều bài học hơn là sách vở.”

Thành viên “Cuong Cao” cầu chúc cho chàng trai: “Hi vọng bạn ấy sẽ tìm được công việc thích hợp, ủng hộ mọi cố gắng mang ý nghĩa tích cực!”

Một bạn gái với biệt danh“Tít Mí” (có vẻ như là đồng hương của Huỳnh Ngọc Thành) khích lệ: “Không được. Dân Khánh Hòa, mà dân Cam Ranh thì không thể như thế này được. Không kiếm được việc thì tạm thời đi dạy thêm đi, kiếm đồng ra đồng vào. Sao lại phải vất vả thế này anh ơi? Đâu phải trời tiệt đường sống đâu, cơ bản là ta có thấy đường để sống không.”

Hiện nay, tại một số diễn đàn lớn trên mạng đã thành lập topic riêng để các bạn trẻ quan tâm tới “tân cử nhân kinh tế đạp xe, treo biển xin việc” dễ dàng đóng góp ý kiến và dự báo con số bình luận vẫn không ngừng tăng lên theo cấp số nhân.

Cử nhân “đeo biển” có kiếm được việc làm?

Gọi điện tới số điện thoại Huỳnh Ngọc Thành treo trên xe đạp, Thành cho biết: “Tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của một số người phỏng vấn, tuy nhiên cũng có nhiều cuộc điện thoại chọc phá, quấy rối, nói năng khiếm nhã.”

Cũng có một vài người hứa hẹn về việc làm và nói là khi nào cần sẽ liên lạc lại.

Tuy nhiên, khi phóng viên VietNamNet nhờ một chuyên gia về phân tích định lượng trong ngân hàng phỏng vấn qua điện thoại về lĩnh vực mà Thành đang muốn làm ở ngân hàng là quản trị rủi ro hay phân tích định lượng thì chuyên gia này cho biết:

“Thành chưa có kiến thức cần thiết và định hướng nghề nghiệp rõ ràng để tiếp cận vị trí này, hỏi các chỉ số cần tính toán trong quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường hay sản phẩm phái sinh... Thành đều không trả lời được. Một vài từ chuyên môn thông dụng tiếng Anh trong lĩnh Tài Chính cũng không biết.

Nghề này cần kiến thức cơ bản thật tốt về Toán, xác suất thống kê, tài chính và tiếng Anh, nên lời khuyên cho Thành là hãy tìm một công việc nào đó vừa sức, kiếm đủ tiền sống và học thêm cho đến khi có đủ kiến thức cần thiết, không nên tự tiếp thị mình bằng cách đó khi chưa có sự chuẩn bị thật tốt cho nghề nghiệp”.

  • Thanh Mai