- Không chỉ tìm ra đủ “chiêu trò” để đối phó với các quy định của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, nhà trường và giáo viên còn nghĩ ra đủ “mẹo” để các bậc phụ huynh phải cuống cuồng tìm lớp học thêm cho con em mình.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Đủ “chiêu trò” hợp pháp hóa


Nhiều phụ huynh cho biết chỉ cần cô giáo phàn nàn là con mình “tư duy kém”, “chậm tiếp thu”… là phụ huynh không nỡ lòng nào bắt con ở nhà, mà tức tốc tìm lớp ngay cho con để bằng bạn bằng bè. Một bà mẹ ở Hà Nội có con học lớp 7 chia sẻ, khi con trai bị cô nhận xét “tư duy có vấn đề”, chị đã cho con học thêm lớp Anh văn và Toán tại nhà riêng của cô giáo mặc dù con chị đã học thêm 4 môn khác ở trường. Vậy là con chị phải đi học thêm cả tuần.

Một hiện tượng khác cũng khiến các bậc phụ huynh “sốc” khi mới vào đầu năm học, giáo viên đã công khai giới thiệu lớp dạy thêm tại nhà và gợi ý các em nên đi học thêm để “củng cố và nâng cao kiến thức”. Chuyện này xảy ra với cả học sinh lớp 1 khiến phụ huynh không khỏi bức xúc: “Con nít mới vào lớp 1 mà bổ sung rồi nâng cao kiến thức cái gì?” – một phụ huynh than thở.

Không những thế, điều làm phụ huynh này bực mình hơn là cách thức hợp pháp hóa chuyện dạy thêm của cô giáo. Tất cả đều được phát một lá đơn mẫu trong buổi họp phụ huynh, sau đó họ được đề nghị viết tay một bản khác dựa trên lá đơn mẫu này để “danh chính ngôn thuận”. Cá biệt có những lớp còn được yêu cầu ký đơn xin học thêm… tập thể. Dưới sự “giám sát” của cô giáo chủ nhiệm, không phụ huynh nào dám trái ý vì sợ con mình thành học sinh cá biệt.

Một hình thức tổ chức dạy thêm khác là “núp bóng” các trung tâm bồi dưỡng văn hóa (BDVH). Theo báo Phụ nữ TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 160 cơ sở văn hóa ngoài giờ có chức năng BDVH đang hoạt động, trong đó có hơn 60 trường THPT, THCS kiêm luôn hoạt động BDVH, ngoại ngữ, tin học cho HS trong và ngoài trường. Giáo viên tham gia giảng dạy vẫn là giáo viên của trường. Thậm chí, các trường còn có những “quy định ngầm” buộc HS phải tham gia các lớp học này.

Ngoài những hình thức “tự nguyện” mang tính ép buộc mà phụ huynh buộc phải theo, nhiều trường hợp phụ huynh thực sự muốn cho con đi học thêm, bởi lẽ bài tập trên lớp cô giao quá nhiều, quá khó, nếu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, các em sẽ không thể hoàn thành bài tập về nhà, các kỳ thi. Một phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ với báo Phụ nữ TP.HCM: ““Con tôi đang học lớp 5. Tuyển sinh lớp 6 được xét bằng kết quả học tập ở lớp 5, nếu không học thêm làm sao đạt được!”. Một ông bố khác có con đang học lớp 12 thì cho rằng “nếu không học thêm, đến thi tốt nghiệp còn không xong, nói gì đến thi ĐH!”

Chưa trị tận gốc

Một nguyên nhân không thể phủ nhận khiến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay là do vấn đề lương giáo viên. Chia sẻ với Người Lao động, lãnh đạo một trường tiểu học ở TP.HCM thừa nhận những sai phạm trong việc dạy thêm của các GV so với quy định của Bộ (trường đã học 2 buổi nhưng có tới gần 30 GV tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường), nhưng BGH đành phải “lờ đi” để GV có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nguyên nhân sâu xa, gốc rễ là do chương trình quá nặng. GS Hoàng Xuân Sính thừa nhận một thực tế rằng kiến thức trong sách giáo khoa không đủ để HS giải quyết những bài toán nâng cao xuất hiện ngay trong đề thi của Sở, Bộ. Bà đưa dẫn chứng bằng câu chuyện cô cháu gái lớp 7 phải giải một bài toán mà kiến thức trong sách giáo khoa chỉ nói rất sơ lược, mang tính giới thiệu.

Trao đổi với báo Lao động, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng “chương trình SGK ở nước ta chẳng giống nước nào cả! Vừa nặng lại vừa thấp. Em nào định thi vào sinh, vào y, vào dược thì đi tìm sách đại học để đọc thêm, vì phải cạnh tranh rất cao, trong khi sách phổ thông quá sơ lược...”

PGS-TS Đặng Danh Ánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn KHCN đưa ý kiến cần kiên quyết cắt bỏ những kiến thức không cần thiết và kiến thức vượt quá sức lứa tuổi học sinh, giảm nhẹ nội dung chuyên môn, rèn luyện toàn diện, phát huy tính chủ động sáng tạo trong học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh học tập thoải mái... thì mới tiến tới xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm được.

Một giáo viên cho rằng chương trình hiện nay dù đã giảm tải nhưng vẫn nặng nề, nếu không học thêm, HS không thể theo kịp. Chưa kể, nhiều phụ huynh muốn con em thi vào trường chuyên, lớp chọn, nếu không học thêm, khó có thể đỗ.

Thực hiện nghiêm túc là cá biệt

Tính tới thời điểm hiện tại, Thông tư 17 (ngày 16/5/2012) về việc quản lý dạy thêm – học thêm, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2012 của Bộ GD-ĐT dường như mang lại rất ít hiệu quả.

Theo Tuổi trẻ, cá biệt, một số tỉnh đã có thái độ dứt khoát và nghiêm túc trong việc thực hiện thông tư này, như tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường tạm dừng việc dạy thêm, học thêm kể từ ngày 1/11 do tất cả giấy phép dạy thêm học thêm do sở và các phòng GD-ĐT cấp đã hết hạn.

Sở GD-ĐT Phú Yên cũng yêu cầu hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) kiểm điểm, xem xét kỷ luật một giáo viên do vi phạm quy định về dạy thêm – học thêm. Trước đó, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo cấm các hoạt động dạy thêm học thêm tại nhà riêng giáo viên trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 20-10.

Hay như tỉnh Quảng Bình ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài trường phải chi trả 15% cho công tác quản lý.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)