- Huyện Mường Lát, Thanh Hóa được coi là vùng đất nghèo nhất tỉnh. Đói nghèo, khắc nghiệt, nhưng người Mông trên này được tiếng "đẻ rất giỏi". Họ xem sinh con là cách thoát nghèo vì có thêm người đi nương, đi gánh nước chứ chẳng mấy khi lo được chuyện ăn uống, học hành....

Những đứa trẻ vùng cao chỉ mới lên 5 đã là lao động chính

5 tuổi đã là lao động chính

Từ trung tâm Thị trấn Mường Lát, chúng tôi phải đi mất hàng giờ đồng hồ mới vào được xã Mường Lý. Mường Lý là nơi tận cùng của huyện, đường sá khó khăn đến nỗi cán bộ tỉnh, huyện lên thăm phải hành quân bằng xe máy qua con đường “độc đạo” mới có thể vào được trung tâm xã. Chính vì vậy người dân ở đây thường gọi Mường Lý là vùng đất khó. 

Vừa thấy có người lạ, hàng chục con mắt hiếu kỳ của người dân bản xứ “săm soi” chúng tôi một cách ngạc nhiên. Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý gặp chúng tôi cũng ngán ngẩm nói: Ở đây chẳng mấy khi có người lạ đến thăm. Xa xôi đến nỗi năm thì mười hoạ mới thấy cán bộ huyện ghé bản. 

Ở 16 thôn bản xã Mường Lý có 869 hộ nhưng lên tới 4.664 khẩu. Tức bình quân mỗi hộ người Mông có 5-6 thành viên, nhà nhiều lên đến cả chục người.

Khó khăn, thiếu thốn đủ đường

Ông Đại lấy độ tuổi đi học mầm non ở dưới xuôi để làm mốc đánh dấu tuổi “trưởng thành” của những đứa trẻ người Mông trên địa bàn xã mình. Ông Đại bảo: Ở đây trẻ em 4-5 tuổi đã có thể tính như một lao động của gia đình. Chúng cũng vất vả, nhiều việc lắm. Nhẹ thì trông em, nặng thì đi cắt cỏ, lấy củi, thậm chí có nhiều đứa ở tuổi ấy đã theo bố mẹ lên nương. 

Trẻ con vùng cao như đất đá, như cây cỏ chẳng mấy ai quan tâm. Đói thì tự tìm cái mà ăn, rét thì tự nhóm bếp lên mà sưởi. Mùa đông ở Mường Lý cũng là mùa trẻ em dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Ông Đại bảo: Bệnh tật thường xuyên nhưng ở đây đứa nào khỏi được thì khỏi, không khỏi cũng phải chịu chứ chẳng mấy khi thấy bà con đưa chúng đến trạm y tế cả.

Trên đường vào bản Sài Khao, chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em đi nương, đi gùi nước, đi khuân đá về làm hàng rào. Nhìn chúng hì hục gùi ngô, khuân đá xem chừng đã dạn dày lắm rồi. Vậy mà khi đưa máy ảnh lên chụp nhiều đứa còn khóc thét vì sợ hãi. 

7 đứa con nhà Vàng A Giàn, đứa đầu cách đứa út chỉ có 10 tuổi mà thôi. Ngoại trừ đứa nhỏ nhất mới biết đi thì 6 đứa còn lại đứa nào cũng được tính là lao động của gia đình rồi. Rét căm căm nhưng khi gọi cả 7 đứa đứng cạnh nhau thì trên người gom lại chưa được 5 bộ quần áo. Đứa có quần thì không có áo, đứa có áo thì cũng rách lỗ chỗ vì phải mặc lại từ 2-3 “đời” anh chị của mình. Chúng giống nhau như đúc: bẩn, đói, rét và gầy như que củi. 

Vàng Thị Xi, đứa thứ 5 nhà Giàn đang bị ốm. Nước mũi chảy lòng thòng nên được bố mẹ “ưu tiên” không phải đi nương mà ở nhà trông em. Hỏi sao không đưa con đi khám, Giàn thản nhiên: Xa quá. Vợ chồng Giàn sợ nhất là con mình phải đi học. Cứ tưởng ông bố bà mẹ này thương con mình phải cuốc bộ đường núi đá gần 20 km ra trường ở trung tâm xã, nhưng không. Giàn sợ chúng đi học thì không có ai trông em, không có ai đi lấy nước, đi gùi ngô cả. 

Mấy lần cán bộ Đại và giáo viên cắm bản vào vận động, khảo sát học sinh đi học ở bản, Giàn uống rượu vào rồi cãi lý: Học không làm ra ngô, học không lấy được nước về uống thì học làm gì. Cán bộ thương thì đừng bắt con tôi đi học nữa. Cũng vì “trưởng thành” quá sớm nên trẻ em vùng cao nguyên đá chẳng thích đến trường.

Ông Đại bảo rằng vì địa hình trắc trở thế này nên mấy năm trước trẻ em trong bản chỉ học cách đi lấy nước dưới khe mó dưới tận chân núi, học cách lên nương trồng ngô chứ chẳng bao giờ biết đến cái chữ. 

Thân trong lớp, hồn trên nương

1, 2 tuổi đã biết ở nhà trông nhà cho bố mẹ lên nương

Mấy năm nay, mô hình trường học bán trú dân nuôi đã kéo được nhiều hơn trẻ em vùng cao đến lớp. Đi khắp các xã vùng xa xôi của huyện Mường Lát hầu như xã nào cũng có mô hình trường học bán trú. 

Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý chia sẻ như thấu hiểu nỗi khổ của các em. Tối nào thầy Dũng và giáo viên cũng lên thăm các em ăn ngủ tại các lều lán. Hiện nay nhà trường đã được xây 2 nhà bán trú với 20 phòng học, mỗi phòng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết số học sinh của nhà trường. Ngoài các phòng bán trú, học sinh còn phải dựng gần 100 lều trên các sườn đồi làm chỗ ở.

Thầy Dũng tâm sự, nhìn các em nhiều lúc tôi rơi nước mắt. Đồ đạc của các em chỉ vỏn vẹn mấy cuốn sách, vài ba bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, chiếc chăn chiên mỏng treo lủng lẳng bên vách lều để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt của vùng sơn cước. 

Ông Đại cho biết, xã Mường Lý có tỷ lệ đói nghèo cao nhất tỉnh 605/869 hộ chiếm hơn 70%. 

Một góc xã Mường Lý

Học lớp 6, Hàng Thị Vàng là một trong số ít trẻ em người Mông “học cao” ở bản Ún. Một tuần Vàng đi bộ gần 5 tiếng đồng hồ để về nhà giúp bố mẹ lên nương, đi lấy nước. Nhiều hôm Vàng về như thế nhưng đầu tuần chẳng thấy ra học nữa. Thầy giáo phải chạy vào tận bản để tìm thì thấy Vàng đang đi nương với gia đình. 

Hỏi ra mới biết, học xong lớp 5 gia đình không muốn cho Vàng lên lớp 6. “Suất” ấy phải để dành cho những đứa em, còn Vàng học lên đến đó là tốt lắm rồi. Vàng ham học lắm, nhưng cũng không hẳn là vì mê con chữ. Nếu đến trường, Vàng sẽ đỡ phải đi nương, đỡ phải ăn cơm độn…

  • Lê Anh – Duy Tuấn