- Từ ngày 1/2/2016, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ xử lí người đi bộ vi phạm giao thông. Vậy phản ứng của sinh viên-những người thường xuyên tham gia giao thông bằng hình thức đi bộ như thế nào?

Đinh Tuấn Hoàng, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, 1 trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu 2016:Mình rất sợ đi bộ qua đường

Ở khu vực gần nhà mình, vỉa hè vẫn còn chỗ cho người đi bộ nên không có lí do gì lại đi xuống lòng đường. Mẹ mình là người rất sợ qua đường. Bà luôn nhắc nhở các con phải đi đúng phần đường và đúng luật. Bản thân mình cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn giao thông đối với người đi bộ.

{keywords}
Đinh Tuấn Hoàng (Ảnh: GDTĐ)

Tuy nhiên ở khu vực phố Tôn Thất Tùng nơi có Trường ĐH Y Hà Nội và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội tình trạng người đi bộ không theo luật, không đi vào kẻ vạch là điều không hiếm gặp.

Không chỉ người đi bộ mà người điều khiển ô tô, xe máy nhiều khi đi cũng rất nhanh, không đúng quy định. Ví dụ như đèn đỏ vẫn vượt, chưa đến đèn xanh đã lao lên. Mặc dù đi đúng kẻ vạch cho người đi bộ nhưng không ít lần mình suýt bị va chạm vì xe máy vượt lên quá nhanh.

Việc tăng cường giải thích, nhắc nhở và xử lí người đi bộ vi phạm giao thông sẽ đánh động mọi người, giúp chúng ta có ý thức tốt hơn khi ra đường.

Phương Linh, sinh viên K33 Khoa Quan hệ công chúng&Quảng cáo, HV Báo chí-Tuyên truyền:Ủng hộ nhưng còn băn khoăn

Ở những khu vực như nút giao thông Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) và không ít địa điểm tập trung người đi bộ qua đường, việc vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến.

{keywords}
Phương Linh, SV Học viện Báo chí-Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Mọi người thường ngại vì sợ mất thêm chút thời gian nên băng qua lối tắt, cốt sao cho được việc mình mà bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến.

Song ở VN, các phương tiện tham gia giao thông nhất là xe máy thường đi lắt léo, lấn cả phần đường, kẻ vạch cho người đi bộ nên nhiều khi đi bộ qua đường đúng là cực hình.

Thậm chí như báo chí phản ánh nhiều nút bấm đèn tín hiệu dành cho người đi bộ qua đường gần như bị lãng quên. Người ta không nhớ hoặc có dùng cũng chẳng tác dụng vì đèn cứ xanh và xe cứ vượt.

Cá nhân mình ủng hộ việc truyền thông, xử lí người đi bộ vi phạm giao thông.

Tuy nhiên ở nhiều tuyến phố, nhất là khu phố cổ hầu hết vỉa hè đều bị chiếm dụng hoặc không có vỉa hè. Người đi bộ hoặc phải men theo bên đường hoặc đành phải đi xuống lòng đường. Xử phạt trong trường hợp này cũng cần cân nhắc.

Hoàng Hạnh Chi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Để người dân ủng hộ hơn

Theo quan sát chủ quan thì việc đi bộ qua đường của một bộ phận người dân nói chung và sinh viên nói riêng khá tùy tiện và không theo pháp luật: đi qua đường ở chỗ nào cảm thấy thuận lợi nhất, nơi không có vạch kẻ đường, thậm chí cả đường cao tốc…

{keywords}
Hạnh Chi, SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Giống như nhiều sinh viên ưu tiên khá nhiều về mặt thời gian nên cũng có lần mình đi không đúng quy định.

Theo mình trước khi thi hành các quy định về xử phạt người đi bộ cần truyền thông cho người dân trước về quy định này cũng như ý thức về việc đi bộ. Việc đi bộ trái với quy định đặc biệt là qua đường có lợi ích trước mắt rất lớn nên để thay đổi hành vi trong một thời gian ngắn chỉ bằng xử phạt là khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất đi kèm (cầu vượt, hầm đi bộ…) cần được tính toán và quản lí kĩ lưỡng hơn (không để các điểm này trở thành nơi tụ tập họp chợ, nghiện hút…) để người dân có nhiều động lực để sử dụng thay vì đi qua đường. Việc xử phạt sẽ thuyết phục và được người dân hiểu và ủng hộ.

Về phía sinh viên việc có ý thức hơn về sự an toàn của bản thân cũng như trách nhiệm với giao thông chung là điều cần thiết trước khi nghĩ đến cái lợi trước mắt về thời gian.

Sinh viên không chỉ tự thay đổi nhận thức của mình mà cần là những người nên tiên phong truyền thông cho những người dân khác.

  • Văn Chung (ghi)