Tuần trước, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo giới thiệu hai cuốn giáo trình mới sắp được đưa vào giảng dạy. Chỉ là hai cuốn giáo trình trong nhà trường, sao lại phải tổ chức cả một cuộc họp báo trọng đại đến như vậy?

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu Trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, không giấu được hân hoan khi thông báo, từ tháng tới, sinh viên của trường sẽ chính thức tiếp cận với giáo trình ngoại nhập, được học giáo trình của sinh viên các trường đại học uy tín trên thế giới như: Yale, Harvard, Princeton, Columbia…

{keywords}

Các sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trên giảng đường sáng ngày 07/10/2014.

Câu chuyện “bước ngoặt lớn” ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho thấy những cựa quậy nhỏ nhưng cần thiết trong giáo dục đại học tại Việt Nam.

Từ những “chương trình tinh hoa”

Trong những năm qua, nhu cầu tự chủ về chương trình giảng dạy được thể hiện rất rõ ở các trường đại học. Hầu như trường nào cũng nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục theo đuổi những chương trình giảng dạy truyền thống thì đại học Việt Nam sẽ quanh quẩn như một ngoại lệ, thiếu sự liên thông với giáo dục đại học thế giới. Điều đó không chỉ hạn chế chất lượng đầu ra của đào tạo mà còn khó có thể nâng tầm vóc cho thương hiệu, uy tín nhà trường thời hội nhập.

Nhiều chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (hoặc ít ra, tiệm cận với chuẩn quốc tế) được mở ra trong các trường đại học, với nhiều tên gọi khác nhau: chương trình chất lượng cao, trung tâm xuất sắc, cử nhân tài năng…

Trên thực tế, đây là hình thức đào tạo đặc tuyển dành cho những sinh viên có năng lực cao trong học tập, có ý hướng và dự phóng trong nghiên cứu; một hình thức lớp chọn, lớp tinh hoa… để đào tạo nhân lực nghiên cứu chất lượng cao cho xã hội và bổ sung nhân sự chuyên môn cho chính nhà trường.

Tuy chưa công khai, nhưng giáo trình, dự án nghiên cứu nâng cao trong những chương trình đào tạo chất lượng cao này sẽ được tăng cường với các tiêu chuẩn mang tính tương thông với đại học trên thế giới. Có thể xem đây là những mô hình “quốc tế hóa” ngay trong chính các trường đại học tại Việt Nam.

Sinh viên từ những chương trình này có thể dễ dàng kiếm học bổng đến với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, tham gia các dự án nghiên cứu, được tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn trên toàn cầu…

Nhưng để cơ hội quốc tế hóa trên đến rộng rãi cho mọi sinh viên trong các đại học tại Việt Nam thì còn phải chờ đến ngọn đèn xanh có tên “tự chủ đại học” chính thức được bật…

Tự chủ nhưng có bắt buộc

Hai cuốn giáo trình Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô của Giáo sư N. Geogory Mankiw được NXB Cengage Learning ký hợp đồng với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức dịch và giao cho Fahasa làm đối tác phát hành. Trong tháng tới hai cuốn sách của vị giáo sư đại học Harvard chính thức là giáo trình cho sinh viên chương trình Chất lương cao của ĐH Kinh tế.

Theo TS. Hoài, thì đây là hai trong nhiều cuốn sách được nhà trường chọn “nhập khẩu” đưa vào giảng dạy trong mục tiêu quốc tế hóa chương trình đào tạo, còn gọi là chương trình đào tạo tiên tiến. Với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì từ năm 2015, chương trình đào tạo tiên tiến sẽ bắt đầu với bậc cao học và năm 2016 thì bắt đầu với bậc đào tạo đại học.

Và với sinh viên năm nhất, năm hai của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM của chương trình đào tạo tiên tiến sắp tới, thì sẽ học trực tiếp các giáo trình “ngoại nhập” được dịch sang tiếng Việt. Nhưng sang đến năm 3,4 hoặc cao học thì bắt buộc phải đọc được trực tiếp giáo trình nước ngoài bằng nguyên bản. Điều này có cơ sở, khi năm vừa qua, sinh viên thi vào đại học kinh tế theo ngành A1, tức, có ngoại ngữ chiếm 50%. Số sinh viên đảm bảo đọc được ngoại ngữ này càng cao.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mất hai năm để thực hiện đề án tự chủ chuẩn bị khảo sát các chương trình tiên tiến trên thế giới (với đại học lấy tốp 500, cao học lấy tốp 200), chọn lọc và quyết định dịch những chương trình phù hợp làm giáo trình.

Theo TS. Hoài: “Về căn bản sự thay đổi chương trình giảng dạy sẽ là thay đổi toàn diện, tiệm cận với các chương trình đào tạo của các đại học trên thế giới. Có hai bước trường làm căn cứ để đưa giáo dục đại học tiên tiến vào “đại trà”; thứ nhất, chiến lượng đổi mới toàn diện đại học của Chính phủ, trong đó có nội dung trường chủ động trong đào tạo đại học; thứ hai, trường cũng đã xin tự chủ, Thủ tướng vừa ra quyết định trường là một trong năm trường tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính và tự chủ nội dung đào tạo”.

Khi sử dụng hệ thống giáo trình nhập nhẩu từ nước ngoài, đồng nghĩa với việc học phí sinh viên sẽ tăng? TS. Hoài cho biết: “Học phí sẽ tăng ở mức hợp lý. Tức là khi tự chủ tài chính, vẫn có một mức trần học phí do bộ quản lý chứ không thể muốn tăng bao nhiêu cũng được!”

Nếu coi quyền tự chủ tài chính có thể được thực hiện như một đột phá về cơ chế quan trọng trong quản trị đại học công lập, thì với người học, có lẽ điều mà họ chờ đợi nhất là nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có sự chọn lọc và tự chủ về nội dung giảng dạy, nghiên cứu một cách triệt để.

TS. Hoài cho rằng: “Không cách nào khác, không thể chậm trễ, việc quốc tế hóa chương trình giảng dạy là để sản phẩm đào tạo của mình được quốc tế công nhận, tương thông với các đại học tiên tiến trên thế giới và đáp ứng yêu cầu chất lương nhân lực theo tiêu chuẩn chung trong thời toàn cầu hóa. Đặc biệt, việc thay đổi toàn diện nội dung đào tạo sẽ tạo ra nguồn nhân lực tốt khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015”.

Giá sách sẽ giảm

Ông Lương Duy Anh, Giám đốc đại diện NXB Cengage Learning tại Việt Nam:

- Dĩ nhiên, khi các trường bắt đầu sử dụng cách nước ngoài làm giáo trình giảng dạy thì những nhà xuất bản kinh doanh sách giáo dục nước ngoài tại Việt Nam sẽ có lợi vì dịch sách, sử dụng sách có bản quyền, hợp pháp trong giáo dục sẽ là một thị trường tốt. Nói thế bởi vì bấy lâu nay việc dịch sách nước ngoài làm giáo trình hoặc tham khảo trong đại học vẫn chưa thực sự công khia rõ ràng. Và Chắc chắn, điều đó cũng có lợi cho trường đại học vì họ có thể yên tâm cập nhật những tri thức mới bên ngoài vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu mà vẫn đảm bảo tính đặc thù. Ví dụ, sách giáo dục của NXB Cengage Learning phát hành trên toàn cầu, cho mọi quốc gia nhưng ở từng khu vực sẽ có một phiên bản riêng, với nhưng ví dụ, dẫn chứng, điển hình riêng phù hợp và gần gũi với môi trường giáo dục ở đó có thể sử dụng.

- Giá sách hiện nay vẫn hơi cao do chúng tôi phải in tại Singapore để đảm bảo kiểm soát về bản quyền trong khâu in ấn và chất lượng kỹ thuật, Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc với luật sư để tìm đối tác tin cậy ở Việt Nam có thể in ấn và phát hành trong nước. Như thế giá thành sách sẽ giảm khi sách của chúng tôi được chọn làm giáo trình cho đa số các sinh viên.

(Theo Nguyễn Huệ Nghi/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn)