- Theo lãnh đạo Bộ GD- ĐT, so với dự thảo đề án trình Hội nghị Trung ương 6, dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung. Ban soạn thảo đã thể hiện sự thẳng thắn, đúng mức hơn trong đánh giá thực trạng, nguyên nhân; làm rõ hơn mối liên hệ về nội dung giữa các phần của đề án.

Hai phương án đổi mới

Vớiquan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế… Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án:

  {keywords}
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Phương án 1: Đổi mới theo quan điểm giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu. Mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực công dân, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển giáo dục đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc, phù hợp quy luật phát triển khách quan, những tiến bộ khoa học và công nghệ. Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục. Chủ động, tích cực hội nhậpquốc tế.

Phương án 2: Để tiến hành thành công đổi mới cần quán triệt quan điểm Giáo dục là một nhân tố giữ vai trò quyết định để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang mục tiêu vừa nâng cao chất lượng hiệu quả vừa đáp ứng yêu cầu số lượng. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở. Phát triển hài hòa, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục các vùng, miền. Phát triển giáo dục phù hợp cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế...

9 nhiệm vụ và giải pháp

Có 9 nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra trong đề án để thực hiện đổi mới.

Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục.

Thứ hai là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Nhiệm vụ và giải pháp thứ ba nhằm xây dựng hệ thống đánh giá kết quả giáo dục một cách khoa học, hiệu quả, góp phần tạo ra một nền giáo dục thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Các nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục,đảm bảo dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và tách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Quản lý tốt là tiền đề căn bản để dạy tốt và học tốt.

Đề án cũng đưa ra giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với mục tiêu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về trách nhiệm nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.

Bên cạnh đó là các giải pháp đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt khoa học giáo dục và khoa học quản lý cũng như việc chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo…

Theo Ban soạn thảo, trong các nhiệm vụ, giải pháp nói trên, có thể coi “đổi mới tư duy giáo dục”, “đổi mới quản lý giáo dục’, trong đó có “đổi mới chính sách, cơ chế tài chính” và “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” làcác giải pháp đột phá then chốt, “đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá” là khâu đột phá.

Ban soạn thảo xin ý kiến Trung ương một số vấn đề để hoàn thiện bản đề án.

  • Chi Mai