Hành trình thay đổi bản thân và những điều chàng trai ấy rút ra được sau những nỗ lực đã đi vào bài luận và giúp cậu trúng tuyển vào 8 trường đại học ở Mỹ.

Bài luận đi từ những trải nghiệm của bản thân

Ban đầu, Hoàng Bách không có ý định đưa câu chuyện của mình vào trong bài luận. “Cũng giống như nhiều bạn khác luôn cố tìm kiếm những đề tài mà mình nghĩ cán bộ tuyển sinh sẽ thích đọc, em cũng nghĩ tới một số đề tài nghe rất “cao siêu”. Nhưng sau khi thử, em nhận ra rằng những điều đó thật giả tạo. Vì thế em đã quyết định nói về chính những trải nghiệm của bản thân”, Hoàng Bách nói.

Trong bài luận này, cậu viết về việc mình từng bị béo phì và nặng tới 105 kg. Ở thời điểm đó, số cân nặng này khiến cậu không có cơ hội tham gia vào bất cứ môn thể thao nào của nhà trường.

“Khi ấy, em khá tự ti về bản thân. Mỗi lần xuất hiện trong một tập thể, em giống như người “pha trò” cho mọi người”.

Cảm thấy mình “khác biệt so với những người xung quanh” bắt đầu được Bách nhận thức kể từ cuối những năm cấp 2. Vì thế, đến đầu năm cấp 3, Bách quyết tâm phải thay đổi.

“Với một người chưa từng chạy bộ hay cầm quả tạ lên, việc tạo ra thói quen tập thể dục thật khó khăn”. Nhưng trong suốt một năm trời, Bách đã nỗ lực “vượt qua sức ì” và giảm được tới 20 kg.

{keywords}

Hết cấp 2, Bách bắt đầu nghiêm túc hơn với giấc mơ Mỹ của mình. Sau khi tìm hiểu hệ thống cấp 3 tại Mỹ, Bách nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường nội trú tại Mỹ bởi những điều kiện thuận lợi mà nó mang lại khi nộp hồ sơ đại học sau này.

Hè năm lớp 10, Bách quyết định theo học tại trường Worcester Academy (Mỹ), cũng là nơi đã tạo động lực để Bách thay đổi bản thân rất nhiều. Lần đầu tiên, cậu mạnh dạn đăng ký vào đội bóng bầu dục của trường và thử sức với môn bơi.

“Đây là một ngôi trường nội trú và rất kỷ luật. Mỗi ngày, em thường tan học lúc 4 giờ chiều, sau đó sẽ đi học bơi tới 6 giờ. Sau khoảng thời gian ăn tối, học sinh sẽ có 2,5 tiếng để ngồi học bài và không được sử dụng điện thoại hay máy tính để làm việc riêng. Cán bộ quản lý ký túc xá sẽ thường xuyên đi kiểm tra việc học của học sinh.

Sau khi học xong đến 9 giờ, em thường tới phòng gym 2 tiếng. Tới 12 giờ đêm, trường sẽ tắt toàn bộ wifi và hạn chế việc sử dụng điện thoại.

Lịch trình đó dần dần đã đưa em vào “khuôn khổ” và trở thành thói quen. Vì thế giờ đây, dù ốm em cũng luôn cố gắng đi tới phòng tập”.

Suốt 1 năm như thế, Bách đã giảm xuống còn 65kg.

Trong bài luận của mình, Bách nói về việc luyện tập thể thao, dù mình có cố gắng chạy 100 km trong 1 ngày cũng không thể hiệu quả bằng việc đều đặn hàng ngày rèn luyện chạy 5km.

Điều này cũng giống như việc, học sinh có thể dành cả đêm trước ngày thi để học cật lực, nhưng cũng không thể hiệu quả bằng việc chia nhỏ mục tiêu và trau dồi kiến thức mỗi ngày.

{keywords}
Hình ảnh của Bách trước và sau khi giảm cân

Sự thể hiện chân thành, sâu sắc thông qua bài luận, theo Bách, đó chính là màu sắc riêng giúp trường đại học Mỹ nhận ra tiềm năng của ứng viên.

Vì thế, trong một bài luận khác, khi được hỏi “Điều gì ảnh hưởng đến em nhất”, Bách đã viết về đôi đũa và chuyện ăn cơm trong gia đình mình.

“Bố em là một người rất nghiêm khắc. Trên mâm cơm, bố không cho phép các con gắp thức ăn và đưa thẳng lên miệng hay cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy đôi đũa, nó đã nhắc nhớ em rất nhiều về các quy tắc trên bàn ăn.

Cho đến khi sang Mỹ, em cũng mang theo đũa, đôi khi dùng để gắp miếng bơ hay gắp bít tết thay cho dĩa. Điều đó luôn nhắc em nhớ tới việc mình là ai và mình đến từ đâu”, Hoàng Bách nói.

Thể hiện bản thân phù hợp với tiêu chí trường tìm kiếm

Để thuyết phục được các trường đại học Mỹ, ngoài bài luận, Bách cho rằng ứng viên cần phải thể hiện cho hội đồng tuyển sinh thấy bản thân phù hợp với các tiêu chí mà trường tìm kiếm.

Không tham gia thi SAT, điểm IELTS đạt 7.5, Bách cho rằng hồ sơ của mình không quá mạnh so với nhiều ứng viên khác, nhưng cậu luôn cố gắng thể hiện hết tiềm năng của bản thân khi có thể.

"Và sự thật là em có quen 2 người bạn, đều không cần học bổng, điểm SAT trên 1500/1600 và đều bị loại bởi Trường ĐH Skidmore. Em có thể không phải là người có hồ sơ học thuật xuất sắc, vì thế em tập trung làm nổi bật bản thân mình qua niềm đam mê với ngành học và những hoạt động xã hội mang tính chất cộng đồng ”.

{keywords}

Yêu thích ngành Truyền thông Marketing và mong muốn theo đuổi ngành học này ở bậc đại học, trong hồ sơ của mình, Bách đã nhắc đến việc cậu từng nhiều năm tham gia làm trợ giảng, sau đó là người quản lý trại hè được tổ chức hàng năm dành cho cho các em học sinh ở độ tuổi từ 5 – 15.

Đây cũng là ước mơ được cậu ấp ủ kể từ năm lớp 5, khi nhìn các anh chị tình nguyện viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Việc phải sâu sát tới từng em đã giúp cho Bách học được tính tỉ mỉ. Ngoài ra, khi thiết kế một trò chơi cho học sinh, việc đầu tiên cần tính tới không phải trò chơi đó có vui hay không mà là nó có an toàn hay không, sau đó là những điều các em sẽ học được thông qua hoạt động tập thể ấy. 

“Mỗi hoạt động đưa vào hồ sơ, em đều cố gắng nêu ra những bài học và kinh nghiệm. Những hoạt động ngoại khóa em nêu ra tuy không nhiều, nhưng đó đều là những thứ em thực sự thích và đã làm hết mình.

{keywords}

Em nghĩ rằng, trường đại học Mỹ không quan trọng mình đến từ một cái hồ to hay một cái hồ bé. Nếu mình là một con cá lớn trong cái hồ bé thì vẫn sẽ tốt hơn một con cá bé trong một cái hồ cực kỳ lớn.

Do đó, ứng viên phải thể hiện được những điều ngôi trường đó mong muốn tìm kiếm, ví dụ khả năng lãnh đạo, tính tỉ mỉ, sự quan sát, cách suy nghĩ, ý tưởng, sự linh hoạt và tự tin,…”.

Một yếu tố khác Bách cho rằng đã khiến các trường đại học Mỹ chọn mình, là bất cứ khi nào có cơ hội, cậu đều xin các trường cho tham gia phỏng vấn.

“Giữa hàng nghìn thí sinh, việc học sinh đạt trên 1.500/1.600 điểm SAT không hiếm. Vì thế thông qua phỏng vấn, hội đồng tuyển sinh sẽ nhận ra ngay học sinh này có tự tin và tiềm năng hay không.

Và, sẽ là một điểm cộng nếu ứng viên sẵn sàng đặt câu hỏi cho hội đồng tuyển sinh. Câu hỏi đó không phải thể hiện rằng bạn là một người thiếu hiểu biết hay kém cỏi mà sẽ cho thấy rằng bạn có phải là người hứng thú với ngôi trường này và có đam mê hay không.

Nói một cách ví von, em nghĩ rằng, với một người đam mê đạp xe, người ta không tuyển họ vì chuyện người đó đạp xe giỏi mà vì họ có đam mê và dám theo đuổi đam mê ấy”.

8 trường ĐH mà Hoàng Bách trúng tuyển:
1. Gettysburg College (Học bổng 65% học phí)
2. Pennsylvania State University
3. Skidmore College (Học bổng 65% học phí)
4. Fordham University (Học bổng 25% học phí)
5. DePauw University (Học bổng 60% học phí)
6. Southern Methodist University
7. Fairfield University (Học bổng 43% học phí)
8. Drexel University (Học bổng 35% học phí)

Thúy Nga

'Siêu nhân trường Ams' trúng tuyển trường công nghệ số 1 thế giới

'Siêu nhân trường Ams' trúng tuyển trường công nghệ số 1 thế giới

Là thủ khoa đầu vào khối chuyên Toán, Hóa của các trường THPT chuyên tại Hà Nội, liên tục giành giải thưởng trong các cuộc thi quốc tế, đạt 1600/1600 SAT và 8.0 IELTS, Nguyễn Mạnh Quân được nhiều người gọi bằng cái tên “Siêu nhân trường Ams”.

Nghiên cứu sông Tô Lịch giúp cô gái 22 tuổi vào thẳng tiến sĩ tại Mỹ

Nghiên cứu sông Tô Lịch giúp cô gái 22 tuổi vào thẳng tiến sĩ tại Mỹ

Chưa tốt nghiệp đại học nhưng Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1999) đã được Trường ĐH California, Berkeley cấp học bổng toàn phần cho 5 năm theo học tiến sĩ.