Cách đối xử giống như trừng phạt của ĐH Oxford với những sinh viên không thể tiếp tục việc học tập bị chỉ trích là đã quá cũ kỹ giống như tuổi đời của ngôi trường này.

Tôi đã học tới năm cuối chuyên ngành tiếng Anh của ĐH Oxford. Biết rằng khối lượng bài vở sẽ rất nặng, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho cường độ của khoá học thường xuyên yêu cầu 2 bài luận mỗi tuần này.

 {keywords}

Nathalie Wright đã nghỉ ốm một năm và phải tham gia một bài thi tái hoà nhập ĐH Oxford khi quay trở lại trường

Với mỗi bài luận, chúng tôi có thể phải đọc tới 3 cuốn tiểu thuyết cùng với một lượng lớn tài liệu khác. Bạn bè và tôi chẳng thể nghĩ đến chuyện gì ngoài việc trở thành những con cú đêm suốt cả tuần.

Hàng ngày, trong bữa sáng, chúng tôi trò chuyện với nhau về nỗi thống khổ của mình – có người phải thức liền 3 ngày để đọc xong cuốn “Tội ác và trừng phạt”, người khác thì dọn đến thư viện để ăn, ngủ và đánh răng luôn ở đó.

Rồi đột nhiên, tôi lăn ra ốm trong kỳ đầu tiên của năm học cuối. Tôi bị viêm tuyến bạch cầu, và nó sẽ dẫn tới ME – một căn bệnh suy nhược kinh niên. Không thể tiếp tục khoá học, với yêu cầu của bác sĩ gia đình, tôi xin nghỉ một tuần. Nhưng đề nghị của tôi bị trường từ chối.

Bất chấp yêu cầu nghỉ ngơi của bác sĩ, tôi đành lê mình tới thư viện. Vào cái ngày tôi ngã lăn ra sân trường, tôi biết rằng mình cần phải về nhà. Lúc đó, bệnh đã nặng hơn và rõ ràng là tôi sẽ không thể sớm quay lại trường. Tôi cần một năm nghỉ ngơi.

Bệnh tật đã đủ khổ rồi, nhưng phản ứng của trường còn khiến tôi khốn đốn hơn nhiều. Một lãnh đạo của trường đã 2 lần gọi điện thuyết phục tôi quay trở lại vào kỳ học tới, như thể tôi chỉ cần bình tĩnh lại là mọi thứ sẽ tốt hơn. Tôi cảm thấy họ không tin là tôi đang ốm, như thể họ nghĩ rằng tôi được gì đó sau một năm nghỉ học, chứ không phải là một năm sống đau đớn vì bệnh.

Mặc dù tôi đã tới gặp một số bác sĩ ở Yorkshire, và một trong số họ đã gửi các giấy tờ y tế tới trường để xác nhận bệnh tình khiến tôi không thể tiếp tục học, nhưng trường vẫn nói rằng như thế là chưa đủ. Chỉ có bác sĩ của trường mới đủ thẩm quyền quyết định cho tôi nghỉ.

Sau nhiều tuần đàm phán, tôi được phép tạm ngừng việc học tập trong một năm cùng với các điều kiện kèm theo. Đó là tôi không được phép bén mảng tới khuôn viên trường, nơi mà tất cả bạn bè tôi đang sống, trong năm đó. Tệ hơn, để quay trở lại học tập sau thời gian nghỉ, tôi sẽ phải tham gia một bài thi dài 6 giờ và phải đạt tiêu chuẩn 2:1. Kỳ thi này chỉ dành cho những sinh viên nghỉ ốm.

ME là một căn bệnh mà bất kỳ sự gắng sức nào về cả thể chất và tinh thần đều khiến nó trầm trọng hơn. Do đó, việc làm thêm bài thi này sẽ khiến bệnh của tôi càng nặng hơn. Vì thế tôi đã đề nghị được quay trở lại trường mà không phải làm bài thi, nhưng người hướng dẫn nói rằng đó là thù tục cần có để chứng minh rằng tôi có thể học tiếp năm cuối. Một người nói rằng tôi cần phải “cứng rắn hơn”.

Cuối cùng, tôi thương lượng với nhà trường giảm xuống thành một bài thi dài 3 tiếng. Tôi đã mất 2 tiếng đồng hồ không biết phải viết gì, nhưng bằng cách nào đó, tôi đã vượt qua.

ĐH Oxford là một ngôi trường lâu đời và có truyền thống. Website của trường tự hào nói rằng họ là trường đại học lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh.

ĐH Oxford dùng từ “rustication” để nói về việc nghỉ học một năm. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Latin: “rus” có nghĩa là vùng quê. Từ này được sử dụng lần đầu tiên đối với những sinh viên bị trục xuất bằng cách đưa về quê nhà. Từ “suspension” mới được sử dụng gần đây, nhưng những người hướng dẫn và sinh viên vẫn gọi là “rustication”.

Và đó không chỉ là vấn đề về cách dùng từ. Nó liên quan đến một quan điểm từ cách đây nhiều thế kỷ cho rằng ốm thì nên bị phạt, và dường như những người cần nghỉ học vì lý do sức khoẻ là những sinh viên có vấn đề cần bị trục xuất, và họ cần phải chứng minh rằng mình xứng đáng trước khi được phép quay trở lại.

Những kỳ thi tái nhập học không phải là chính sách chính thức của ĐH Oxford, nhưng được thực hiện thường xuyên ở nhiều trường trực thuộc.

Năm ngoái, một sinh viên tên là Sophie Spector của Balliol College - một trường trực thuộc ĐH Oxford - khẳng định rằng cô cảm thấy mình bị buộc phải rời khỏi trường vì các loại bài thi. Luật sư nhân quyền Chris Fry miêu tả những kỳ thi này là “một trong những ví dụ cực đoan về sự phân biệt đối xử mà tôi từng chứng kiến”.

Trái với nhiều trường đại học khác, phần lớn điểm số ở ĐH Oxford dựa vào các bài thi cuối kỳ. Vào năm cuối, thời lượng làm bài thi có thể lên tới 30 giờ, và đó là một bài kiểm tra sức chịu đựng về tinh thần cũng như thể chất, các kỹ năng học thuật, kiến thức khác.

Những lập luận chống lại việc thay đổi truyền thống này luôn luôn giống nhau: Để bảo vệ sự toàn vẹn của khoá học, hay đó là sự trải nghiệm “độc nhất” ở Oxford. Tuy nhiên, sự nghiêm ngặt về trí tuệ đã bị nhầm lẫn với sự phù hợp về thể chất và tinh thần.

Tôi đã nói chuyện với một số người từng trải qua “restication”. Một người tốt nghiệp năm 2015 từng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, khiến cô tự làm mình đau. Những bức thư của trường gửi tới cô đề cập tới “hành vi” của cô vào thời điểm đó là “hành vi sai trái nghiêm trọng”. Họ nói rằng cô sẽ bị đình chỉ và không được phép sử dụng các trang thiết bị của trường như phòng học chung, phòng máy vi tính, hội trường ăn, sảnh, thư viện và khu nhà ở của trường. Bác sĩ của cô nói rằng một lãnh đạo cấp cao của trường đã miêu tả cô như một “quái vật”.

{keywords}

Wright được phép nghỉ học một năm với điều kiện không được sử dụng các trang thiết bi của trường trong năm đó, và không được đặt chân vào khuôn viên trường

Một sinh viên chuyên ngành lịch sử gần đây đã tổng kết cảm xúc của mình sau khi xin nghỉ một năm bằng từ “bị làm bẽ mặt”. Trong một bức thư, trường nói rằng cô không được phép tới trường mà không có giấy phép trong suốt quá trình nghỉ “để đảm bảo rằng những sinh viên đang học không bị gián đoạn”. Cô cũng phải chuẩn bị làm 2 bài thi và phải đạt 60% tổng số điểm để có thể quay lại học.

“Về cơ bản, toàn bộ quá trình này tôi cảm thấy như bị trừng phạt” – sinh viên này cho biết. 

Trường trực thuộc Magdalen cũng từng bị chỉ trích vì cấm những sinh viên đình chỉ học tham gia một buổi khiêu vũ của trường.

May mắn thay, cũng có nhiều sinh viên được đối xử tốt hơn. Tuy nhiên, các trường trực thuộc không đưa ra nhiều quy định riêng. 

Nhiều năm nay, sinh viên ĐH Oxford đã vận động nhà trường cải thiện việc quan tâm tới những sinh viên nghỉ ốm. Gần đây đã có một số cải cách nho nhỏ như: Sinh viên tạm ngừng học có thể mượn tài liệu từ thư viện trường trong năm họ nghỉ, và vẫn có quyền truy cập vào email của mình. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ.

Các trường đại học khác đã làm thế nào?

Trang Giáo dục của tờ Guardian đã liên hệ với 30 trường đại học để tìm hiểu về các thủ tục khi một sinh viên cần nghỉ học vì lý do y tế. Các trường thường gọi đó là “sự gián đoạn” hay “đình chỉ tạm thời”.

Từ “restication” dường như chi có ĐH Oxford, ĐH Cambridge và ĐH Durham sử dụng. Và ở hầu hết các trường, từ “đình chỉ” chỉ được dùng khi sinh viên đã phạm một số lỗi nhẹ.

Chúng tôi đặt câu hỏi, liệu sinh viên có được yêu cầu phải gặp một bác sĩ hoặc một chuyên gia chính thức của trường (ngoài bác sĩ riêng của họ) để chứng minh rằng họ bị bệnh thật không? Câu trả lời là “Không”. Tất cả các trường đều nói rằng chỉ định của bác sĩ gia đình là đủ rồi.

Hầu hết các trường đều cho biết những sinh viên đã nghỉ học đều được thoải mái sử dụng các trang thiết bị của trường, được tới thăm bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội của trường chỉ với một số ít giới hạn.

Tất cả những trường đã trả lời, ngoại trừ ĐH Cambridge, nói rằng họ không bao giờ yêu cầu sinh viên phải làm lại bài thi để kiểm tra khả năng quay trở lại trường của họ.

Phát ngôn viên của ĐH Cambridge cho biết, các kỳ thi đôi khi được đặt ra, nhưng hiếm. “Đó là vấn đề phúc lợi bởi vì chúng tôi muốn sinh viên đó được chăm sóc tốt. Chúng tôi muốn cả sinh viên và trường đều yên tâm rằng họ đã sẵn sàng quay trở lại và hoàn thành khoá học của mình”.

Nhưng việc đánh đồng thành tích trong một bài thi học thuật với sức khoẻ tâm thần, thể chất để quay lại trường liệu có ổn không? “Làm bài thi để chứng minh rằng bạn phù hợp là thứ mà tôi chưa từng nghe nói, và nếu có thì rất ít” – ông Ruth Caleb, giám đốc tư vấn của ĐH Brunel kiêm điều phối viên của tổ chức Mental Wellbeing in Higher Education (Sức khoẻ tâm thần trong giáo dục đại học) nhận định.

Có rất ít hướng dẫn cho các trường về cách chăm sóc tốt nhất những sinh viên nghỉ ốm. Tuy nhiên, hầu hết các trường, với mong muốn nhìn thấy sinh viên hoàn thành khoá học của mình, đều cung cấp những hỗ trợ cần thiết khi họ quay trở lại.

Nguyễn Thảo (Theo Guardian)