{keywords}
Nguyễn Thị Khánh Huyền sẽ du học thạc sĩ với học bổng toàn phần của Chính phủ Bỉ

Khi còn là học sinh phổ thông, cô học trò đất Bắc Giang – Nguyễn Thị Khánh Huyền (SN 1996) từng giành được một số giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Vì vậy, Huyền từng nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi các chuyên ngành khoa học tự nhiên trong tương lai.

Tuy vậy, cuối cùng, Thống kê y học lại là chuyên ngành mà Huyền lựa chọn theo đuổi. Sau 4 năm đại học và gần 3 năm đi làm, mình nhận thấy đây là một quyết định đúng đắn vì mình được ứng dụng kiến thức Toán học vào các nghiên cứu, là nền tảng tạo ra các bằng chứng có giá trị trong y học”.

Ngay từ khi tốt nghiệp Trường ĐH Y tế Công cộng Hà Nội vào năm 2018, Huyền đã tự đặt câu hỏi “Làm thế nào để trở thành một ứng viên tiềm năng cho các học bổng danh giá?”.

Cô nhận ra đây là những học bổng rất cạnh tranh và để trở thành một ứng viên tiềm năng, cần có những thành tích nổi bật để thể hiện được khả năng học thuật, nghiên cứu và kinh nghiệm làm việc.

“Việc đầu tiên mình làm là rà soát lại hồ sơ của mình để tìm ra các điểm mạnh và điểm yếu, từ đó lên kế hoạch khắc phục các điểm yếu trong hồ sơ thông qua kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu, các khóa học ngắn hạn và các hoạt động xã hội” – Huyền chia sẻ kinh nghiệm.

Để chuẩn bị các kiến thức liên quan tới chuyên ngành cho chương trình thạc sỹ, Huyền đã ứng tuyển một số chương trình học tập, trao đổi ngắn hạn. Hai chương trình nổi bật trong số đó là Khóa học về đo lường gánh nặng bệnh tật tại ĐH John Hopkins (Mỹ) và Dịch tễ học tại Viện Y học nhiệt đới Antwerp (Bỉ).

“Kinh nghiệm của mình là hội đồng xét duyệt học bổng thường thích những ứng viên đã có các kinh nghiệm học tập trao đổi tại nước ngoài. Vì vậy, mình khuyến khích các bạn ứng viên hãy mạnh dạn tìm kiếm và apply các chương trình này”.

{keywords}
Khánh Huyền và các bạn sinh viên quốc tế tham quan Tam Đảo trong chương trình IHP 2020

Ngoài ra, trong thời gian 3 năm qua, Huyền cũng tham gia các nghiên cứu cùng giảng viên đại học và các anh chị tại Viện nghiên cứu mà mình đang làm việc. Việc này không chỉ giúp cô nắm vững kiến thức học thuật mà còn giúp rèn luyện kỹ năng nghiên cứu như là kỹ năng viết học thuật, phân tích số liệu. Trước khi nhận được học bổng, Huyền đã có một số công bố khoa học tại các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế.

Để hồ sơ “thuyết phục và không bị lẫn với bất kỳ ai khác”

Trong năm vừa qua, Khánh Huyền nộp hồ sơ vào 5 học bổng và đã trúng tuyển 3 chương trình là: Erasmus Mundus (do Liên minh Châu Âu tài trợ) ngành Public health in Disaster (Y tế công cộng trong thảm họa) tại Đại học Oviedo, Tây Ban Nha và học viện Karolinska, Thụy Điển; Học bổng VLIR-UOS Bỉ, ngành Epidemiology (Dịch tễ học) tại Đại học Antwerp; Học bổng ARES được cấp bởi Cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ - ngành Public Health methodology (Phương pháp nghiên cứu y tế công cộng) tại Đại học Brussels, Bỉ.

Nhìn nhận lại hành trình “tìm đường vượt biển”, Huyền nói đó là một hành trình đầy gian nan từ việc tập tành làm nghiên cứu đến xuất bản những bài báo quốc tế đầu tiên, không ngừng nâng cao kỹ năng làm việc và cân đối thời gian để tham gia các hoạt động xã hội.

{keywords}
Khánh Huyền và bạn tham gia Trường hè khoa học Việt Nam 

Điều khiến cô tích cực duy trì các hoạt động này, theo Huyền, bởi cô luôn tin rằng những trải nghiệm quý giá đó chính là chìa khóa để xây dựng được một bộ hồ sơ thật thuyết phục và không hề bị lẫn với một ai khác.

“Theo mình, mẹo chung để xây dựng được một bộ hồ sơ “thuyết phục và không bị lẫn với bất kỳ ai khác” đó là bạn phải viết được một thư trình bày động lực (Letter of Motivation) tốt. Tuy nhiên, những chất liệu để viết lên nó cần được thu thập từ chính những trải nghiệm thực tế của bạn trong quá trình học tập và làm việc một cách nhất quán”.

Hiểu được nguyên tắc này nên trong gần 3 năm đi làm, Huyền hình thành thói quen ghi chép lại những trải nghiệm đáng nhớ để có ý tưởng viết bài luận sau này.

Chẳng hạn, khi tham gia đánh giá hiệu quả triển khai Đề án quốc gia về chăm sóc người mắc bệnh tâm thần nặng, Huyền đã đi thực địa tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, thực hiện nghiên cứu đánh giá bài bản cùng với các chuyên gia Tâm lý học hàng đầu trong nước và quốc tế.

{keywords}
Khánh Huyền và bạn trong khóa học ngắn hạn tại Trường ĐH John Hopkins

Sau khi cân nhắc, Huyền đã lựa chọn học bổng VLIR-UOS Bỉ, chương trình thạc sĩ 2 năm ngành Dịch tễ học.

Cô cho biết sự lựa chọn này là vì niềm yêu thích đối với dịch tễ học và đây cũng là “xương sống” trong ngành y tế công cộng, giúp những nhà hoạch định chính sách có những bằng chứng tin cậy để phát triển hệ thống y tế.

“Trong lĩnh vực dịch tễ học, mình bị thu hút bởi những nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng, giúp đánh giá hiệu quả của những liệu pháp chữa trị lâm sàng trong các quần thể bệnh nhân khác nhau”.

Ngoài ra, Trường Đại học Antwerp cũng là nằm trong nhóm những trường đào tạo ngành Y Dược hàng đầu tại châu Âu và thế giới về đào tạo chuyên ngành Y Dược.

Đầu tháng 9 tới, Khánh Huyền sẽ lên đường du học. Huyền chia sẻ sau khi hoàn thành chương trình, cô muốn làm việc tại các trường đại học, bệnh viện hoặc viên nghiên cứu y học lâm sàng để có thể áp dụng những kiến thức học được góp sức giúp hệ thống y tế Việt Nam tìm ra những liệu pháp chữa trị tối ưu nhất cho quần thể bệnh nhân người Việt Nam.

Ngoài nghiên cứu và tham gia hoạt động xã hội, Huyền thích chụp ảnh và làm video. 

“Hiện tại, mình đang tham gia hỗ trợ làm các sản phẩm truyền thông cho một nhóm thiện nguyện giúp cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo ở Hà Giang. Mình mong rằng 2 năm tới, mình có thể dựng những video thú vị về cuộc sống ở châu Âu để chia sẻ với mọi người”.

Phương Chi

Cô gái Việt đỗ học bổng bác sĩ toàn phần ở Johns Hopkins

Cô gái Việt đỗ học bổng bác sĩ toàn phần ở Johns Hopkins

Trịnh Mai Chi (1998) tốt nghiệp xuất sắc ngành Hoá sinh, ĐH Wellesley College. Với thành tích học tập cao, kinh nghiệm nghiên cứu ấn tượng, cô vừa giành học bổng toàn phần học bác sĩ tại Johns Hopkins - Trường Y khoa hàng đầu thế giới.