- Sáng 8/11, hội thảo “Tiếng Đức – Ngôn ngữ và việc làm” đã được Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp – Trung tâm tư vấn du học IVES tổ chức với sự tham gia của các bạn trẻ quan tâm tới du học nghề tại Đức và các giảng viên tới từ quốc gia này.

Ông Nguyễn Anh Quân – Phó Viện trưởng IVES chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và đây là thế mạnh của nước ta trong thời kỳ đổi mới. Ông cho biết, mục đích của IVES là chuyển giao các chương trình dạy nghề tiên tiến về Việt Nam, trong đó hiện IVES đang làm việc nhiều nhất với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức.

Dạy nghề ở Đức được đào tạo theo 2 hình thức: tại trường và tại doanh nghiệp. Hình thức đào tạo kép – kết hợp học lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp – được nhiều học viên chọn lựa. Hệ thống dạy nghề của Đức có khoảng 450 mã nghề khác nhau. Điều kiện để học viên có thể tham gia học nghề tại Đức: độ tuổi 18-28 tuổi, đã tốt nghiệp THPT và theo quy định mới học viên phải đạt trình độ tiếng Đức B1/ B2, thời gian học tập kéo dài từ 3-3,5 năm.

Trong số các điều kiện nhập học thì ngôn ngữ có thể nói là yếu tố quan trọng nhất và khó khăn nhất với các học viên. Đây cũng là một trong số những lý do IVES tổ chức hội thảo tiếng Đức để các học viên có cơ hội trình bày những thắc mắc, lắng nghe chia sẻ từ phía các chuyên gia tới từ ĐH Ngôn ngữ SDI Munic (Cộng hòa Liên bang Đức).

{keywords}

GS.TS Regina Freudenfeld tới từ ĐH Ngôn ngữ Munic (Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ với các bạn trẻ về kỹ năng học tiếng Đức.

Tại hội thảo, GS.TS Regina Freudenfeld đã chia sẻ với các học viên về kỹ năng học tiếng Đức. Bà cho rằng, cũng như các ngoại ngữ khác, cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết đều quan trọng với những người học tiếng Đức. “Tuy nhiên, cá nhân tôi đề cao khả năng giao tiếp, vì đó là mục đích cuối cùng trong việc học ngôn ngữ” – bà nói.

Bà cũng thừa nhận ngữ pháp tiếng Đức rất khó. Việc học viên hoàn thành trình độ B1 ở Việt Nam, và sang Đức để học trình độ B2 là rất tốt. Bởi vì yêu cầu của trình độ B2 không chỉ có kiến thức học trong sách, mà còn có rất nhiều văn hóa Đức được đưa vào đó.

Trả lời câu hỏi của một học viên “làm thế nào để cải thiện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng Nghe tiếng Đức?”, bà Freudenfeld cho rằng, hiện có rất nhiều nguồn học tiếng Đức online, các bạn có thể học từ nhiều kênh khác nhau và đặc biệt cần nghe chủ động để nhận được kết quả tốt.

Ngoài nội dung trao đổi về kỹ năng học tiếng Đức, hội thảo cũng giới thiệu bản thảo từ điển Y khoa Việt – Đức, Đức – Việt do IVES biên soạn, hiện chỉ lưu hành nội bộ cho các học viên có ý định học nghề điều dưỡng tại Đức.

  • Nguyễn Thảo