{keywords}

“Hành trang của em còn thiếu nhiều thứ, nhưng UC Berkeley đã chọn em, có lẽ vì họ thấy được sự đam mê và bền bỉ khi em dám làm những gì mình muốn”, cô gái sinh năm 1999 nói.

{keywords}

Sinh ra trong gia đình có mẹ là Phó Giáo sư, chủ nhiệm Khoa Giải phẫu tại Học viện Quân y, còn chị gái hơn 8 tuổi từng là thủ khoa đầu ra của ĐH Quốc gia Hà Nội và đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, Bảo Ngọc nói mình có xuất phát điểm với khá nhiều lợi thế.

Mọi thứ sẽ rất thuận lợi nếu Ngọc chọn đi theo con đường đã được gia đình định hướng. Nhưng vì lo sợ bản thân “lười biếng trong việc đi tìm đam mê”, Ngọc quyết định thử sức ở một số lĩnh vực mới. Năm lớp 12, nữ sinh chuyên Toán “bén duyên” với cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Năm đó, đề tài về “Nghiên cứu và tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất” của Ngọc và một người bạn cùng trường đã giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Nhờ vậy, cả hai có cơ hội tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế và giành giải Ba chung cuộc lĩnh vực Khoa học Môi Trường.

{keywords}

“Đó là lần đầu tiên em được đứng trước một căn phòng rộng lớn có treo tới hơn 500 poster giới thiệu về các công trình nghiên cứu, nhưng không phải của các nhà khoa học mà là sản phẩm nghiên cứu đến từ các học sinh bằng tuổi em ở khắp mọi nơi trên thế giới”.

Lần sang Mỹ này cũng giúp Ngọc nhận thấy, ở Mỹ, những ý tưởng khoa học dù “điên rồ” tới đâu cũng sẽ có cơ hội được phát triển. Vì thế, sau cuộc thi, Ngọc biết mình sẽ phải đặt chân đến nước Mỹ.

Nhen nhóm quyết tâm đó, Ngọc “apply” vào một số trường đại học của Mỹ. Nữ sinh Hà Nội quyết định lựa chọn vào học tại khoa Khoa học môi trường của Trường ĐH Denver - một ngôi trường đại học nghiên cứu mà cô cho rằng, ở đó mình sẽ được khai thác hết tiềm năng của bản thân và tìm thấy đam mê của chính mình.

{keywords}

Quả thực, môi trường này đã mở ra cho Ngọc rất nhiều cơ hội. Ngay năm đầu tiên tại Mỹ, Ngọc đã bắt đầu lên kế hoạch, viết đề cương nghiên cứu và tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho những dự án mà mình ấp ủ.

“Giai đoạn năm thứ nhất, năm thứ hai, chỗ nào có thể xin quỹ đầu tư, em đều viết đơn đăng ký”, Ngọc nói.

Năm đầu tiên, Ngọc đăng ký tham gia vào chương trình Lãnh đạo trẻ của trường và được lựa chọn. Với mong muốn mang cơ hội học tập tới tất cả những người không có cơ hội, nữ sinh cùng 5 người bạn khác trong lớp đã lập ra một dự án dạy khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS trong khu vực.

“Thời gian mới đến Mỹ, em luôn có suy nghĩ, hẳn chương trình giáo dục phổ thông tại đây đã được chuẩn hóa và bình đẳng giữa các khu vực. Nhưng em khá bất ngờ khi biết, ở nhiều vùng có tỷ lệ học sinh gốc Mê-xi-cô hay gốc Á khá cao nhưng chất lượng giáo dục không đồng đều khiến những học sinh này không được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến”.

Vì thế, trong dự án của mình, Ngọc đã phát triển một giáo trình dạy khoa học tích hợp ngay trong các môn học như Toán, Lý, Sinh,... Trong suốt 3 tháng đó, cô cũng truyền cho những đứa trẻ năng lượng tích cực, tư duy sáng tạo và giúp chúng hiểu được rằng, công nghệ chính là bàn đạp để mở cánh cửa tương lai.

{keywords}

Đến năm thứ 2, khi thấy Trường ĐH Denver sẵn sàng cấp 3.500 USD học bổng cho các dự án nghiên cứu của sinh viên, Ngọc cũng đăng ký tham gia. Hè năm 2019, cô sinh viên người Việt bắt tay vào thực hiện dự án đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trên sông Tô Lịch. Đây là một đề tài đầy thách thức, bởi lẽ trong 20 năm qua, rất hiếm nghiên cứu quốc tế nhắc tới về vấn đề này.

Vượt qua nhiều ứng viên, dự án của Ngọc là dự án duy nhất của học sinh quốc tế và người da màu được nhận 3.500 USD để thực hiện đề tài.

Khảo sát từ những nghiên cứu trước đây, Ngọc nhận thấy, những người đi trước mới chỉ lấy được 8 mẫu thử, thậm chí là 3 – 5 mẫu thử. Cô cho rằng, con số này quá ít đối với một dòng sông dài đến hàng chục cây số.

{keywords}

Vì thế, Ngọc quyết định đi dọc con sông Tô Lịch để đo nồng độ ô nhiễm kim loại nặng trong nước và trầm tích tại 19 điểm mẫu. Ngoài ra, cô cũng tính được 165 điểm ô nhiễm tại các ống xả nước thải dọc sông Tô Lịch. Từ những kết quả thu thập, Ngọc đã thể hiện lên biểu đồ thông qua màu sắc đậm nhạt để biểu thị mức độ ô nhiễm, giúp người nhìn có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của con sông.

Chẳng hạn, sông Tô Lịch đã có hàm lượng kim loại nặng ô nhiễm vượt mức cho phép cho sinh vật trong suốt 20 năm gần đây. Trong đó, ô nhiễm nặng nhất là Kẽm (Zn) và Cadmium, có một số điểm ô nhiễm nặng hơn các điểm khác với tất cả các loại kim loại nặng như số C19 (Cầu Tó), C9 (cầu Cống Mọc) và C14 (điểm ở 241 Vũ Tông Phan)...

Ngọc cũng chỉ ra rằng, nguồn ô nhiễm kim loại nặng trên sông Tô Lịch chủ yếu từ nhà máy lân cận.

{keywords}

Lên ý tưởng từ giữa năm thứ hai, sau 2 năm, dự án đã hoàn thành. Ngọc đem những kết quả này viết thành một bài báo khoa học và chuẩn bị gửi tới các tạp chí quốc tế. Hiện, cô cũng xây dựng một website nhằm giải đáp thắc mắc về sông Tô Lịch và trưng bày các kết quả nghiên cứu của mình.

{keywords}

Ở Mỹ, 2 năm qua Ngọc còn là thành viên ban giám khảo của cuộc thi Khoa học Kỹ thuật bang Colorado. Dành nhiều thời gian cho các dự án, đưa ra phản hồi về các đề tài của học sinh khối phổ thông, Ngọc nhìn nhận, có rất nhiều ý tưởng xuất phát từ học sinh khá gần gũi, nhưng cũng có những đề tài “vượt ra ngoài sức tưởng tượng” của ban giám khảo.

Nhưng dù là đề tài đơn giản hay phức tạp, theo Ngọc, một điểm chung là các thí sinh đều rất giỏi.

“Có những đề tài cần đến rất nhiều sự giúp đỡ của người lớn. Nhưng để hiểu được một đề tài lớn và thuyết trình được vấn đề mình nghiên cứu, em nghĩ các bạn cũng đã có một niềm đam mê và nỗ lực thực sự lớn”.

“Em cho rằng, quan trọng là sau cuộc thi đó, học sinh được truyền niềm đam mê trong nghiên cứu và nắm bắt được các bước để thực hiện một đề tài khoa học. Đó mới là điều có giá trị chứ không nhất thiết học sinh phải là người đưa ra ý tưởng hay đề tài ban đầu”.

Thử thách bản thân thông qua hàng loạt các dự án cá nhân, đầu tháng 9/2020, Ngọc “liều lĩnh” nộp hồ sơ học tiến sĩ tại Trường ĐH California, Berkeley.

{keywords}

“Với những ngôi trường top đầu, ứng viên nào có nhiều bài báo công bố và đã có bằng thạc sĩ sẽ là một lợi thế. Nhưng cho đến thời điểm này, em vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Em chỉ có thể chứng minh bản thân thông qua những nỗ lực tìm kiếm quỹ và khả năng tự nghiên cứu một cách độc lập”.

Vì thế, trong bài luận của mình, thay vì chỉ liệt kê các giải thưởng và kinh nghiệm nghiên cứu, Ngọc lại tập trung nói về những điều mình đã học được sau mỗi dự án cá nhân, đặc biệt là với dự án đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trên sông Tô Lịch.

“Tự mò mẫm từng bước kể từ khi bắt đầu cho đến lúc hoàn thành đã giúp em hiểu được những khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Cũng trên hành trình ấy, em đã học được rất nhiều điều. Em biết mình muốn gì và có sự cam kết cho hướng đi mà mình đã lựa chọn”.

“Ví dụ, hồi mới sang Mỹ, việc đầu tiên em làm là tìm chỗ thực tập. Chị gái của em vốn cũng từng học ngành Khoa học Môi trường, thế nên, không quá khó để chị có thể tìm cho em một môi trường nghiên cứu phù hợp”.

Khi ấy, chị xin cho em vào làm tại một dự án được cấp toàn bộ chi phí bởi Hiệp hội Khoa học Quốc gia. Công việc của em tại đây là giúp đỡ các anh chị trong lab làm nghiên cứu, chứ không được phát triển theo ý tưởng của bản thân.

Vì thế, em đã quyết định tự đi theo con đường riêng mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai nữa. Cũng nhờ việc tự đi, em bắt đầu khám phá được nhiều thứ hơn ở bản thân mình hơn, hiểu mình thích gì và biết mình mạnh ở điểm nào”.

{keywords}

Gần 4 năm học tập tại Mỹ, Ngọc nói, quãng thời gian này đã cho cô những trải nghiệm tuổi trẻ không hề hoài phí. Cũng nhờ vậy, Ngọc biết mình muốn đi dài hơn trên con đường làm nghiên cứu khoa học.

“Em mong muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đang theo đuổi. Do đó, việc học lên tiến sĩ - đây mới chỉ là điểm bắt đầu”.

Không để bản thân ngơi nghỉ, ngay khi nhận được thư đồng ý từ Trường ĐH California, Berkeley, Ngọc đã chủ động liên hệ và gặp giáo sư sẽ hướng dẫn mình trong 5 năm tiếp theo để trao đổi về các tài liệu, dự án.

Cô cũng vừa hoàn thành cuộc phỏng vấn cho vị trí thực tập sinh tại Cục nước của Denver và trong một chương trình thực tập của NASA về việc sử dụng ảnh vệ tinh mô tả biểu đồ ô nhiễm tảo trong hồ ở bang Texas.

“Đây đều là những cơ hội hiếm có em phải nắm bắt. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, em sẽ có 2 tháng để trải nghiệm tại những nơi này trước khi chính thức bước vào giai đoạn học lên tiến sĩ”, Ngọc nói.

Trong tương lai, Ngọc cho biết sẽ nghiên cứu sâu về chủ đề biến đổi khí hậu và vòng chu trình cacbon. Cô gái sinh năm 1999 mong muốn trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực Khoa học Môi trường và có thể xử lý vấn đề nóng lên toàn cầu.

Thúy Nga - Phương Thu - Hữu Chánh