Khi nói tới bình đẳng, chúng ta hay nói tới vấn đề bình đẳng về thu nhập. Đây là vấn đề mà xã hội nào cũng có và ở nước Mỹ thì vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi mà 0.1% những người giàu nhất chiếm hơn 20% tổng tài sản xã hội.


Tuy vậy, người Mỹ vẫn vốn tự hào về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” – mấu chốt của nó là sự bình đẳng về cơ hội. Tất nhiên chúng ta không thể có bình đẳng tuyệt đối, nhưng chí ít Mỹ là một trong số ít nước mà người dân ít lo lắng về vấn đề bình đẳng cơ hội hơn ở những nước khác.

Trình bày của GS Putman

{keywords}

 


Nhưng theo GS Putnam, điều này đã trở thành quá khứ. Nước Mỹ những năm 2000 đã khác rất nhiều và cái gọi là Giấc mơ Mỹ có vẻ như ngày càng xa tầm tay của những người không có may mắn sinh ra trong một gia đình da trắng, giàu có, hay bố mẹ có học vấn cao.

Qua nghiên cứu nhiều năm, GS Putnam đã nhận thấy một số khác biệt rõ nét về vấn đề phân chia giai cấp và mất bình đẳng về cơ hội trong xã hội Mỹ hiện nay.

Nhìn chung, người Mỹ ngày càng phân biệt về tầng lớp xã hội rõ nét – người giàu thì có xu hướng chơi với người giàu, da trắng chơi với da trắng, người có học vấn cao thì chơi với những người cũng có học vấn cao. 

Điều đó có nghĩa rằng trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo khó thì lại chơi với các trẻ em nhà nghèo khác, chứ có rất ít cơ hội để mở rộng các mối quan hệ của mình. 

Tương tự như vậy, ông cũng thấy rằng khi phân chia theo trình độ giáo dục, gia đình nào có bố mẹ có bằng đại học hoặc cao hơn sẽ dành nhiều thời gian chơi với con hơn, bỏ nhiều tiền đầu tư giáo dục cho con hơn, và cũng dành nhiều thời gian ăn tối với con hơn khi so với các gia đình mà bố mẹ chỉ có bằng cấp 3 trở xuống. 

Các gia đình khá giả cũng đầu tư cho con tham gia các chương trình ngoại khóa như đi học piano, chơi thể thao vv…họ cũng đi nhà thờ nhiều hơn (do đó có nhiều hỗ trợ từ cộng đồng hơn) và có mức độ tin cậy xã hội  cao hơn.

Một trong những nguyên nhân đó là tình trạng “pay to play” (trả tiền để được chơi) đối với các chương trình ngoại khóa hiện nay.

 Theo Putnam, thời ông còn nhỏ thì hầu hết các hoạt động này là miễn phí nên trẻ em giàu nghèo gì cũng đều tham gia được. Còn ngày nay, đi học cái gì cũng phải trả tiền cho nên chỉ có con nhà khá giả bố mẹ có điều kiện thì mới có thể theo học piano hay chơi bóng đá. 

Đây cũng là một cuộc chạy đua giữa các bố mẹ và trong cuộc chạy đua này thì rõ ràng là các gia đình nghèo đã bị bỏ lại khá xa.

 Xã hội Mỹ ngày nay phân hóa và cá nhân hóa đến mức người ta không còn mấy quan tâm đến trẻ con hàng xóm nữa – coi như nhà nào biết nhà nấy. Không chỉ các trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo và học vấn thấp là thiệt thòi, mà đây còn là sự mất mát chung của xã hội. 

Do đó ông kêu gọi việc đầu tư trở lại các chương trình ngoại khóa miễn phí cho trẻ em, chấm dứt tình trạng “pay to play”.

GS nói vui “Một trong những quyết định quan trọng nhất đó là lựa chọn bố mẹ sinh ra mình”. Điều này nói lên rằng để thành công trong xã hội Mỹ ngày nay thì các yếu tố quan trọng không còn là sự chăm chỉ mà những yếu tố thuộc về “bạn từ đâu tới” trong đó hai yếu tố quan trọng nhất được ông nhắc đi nhắc lại là thu nhập và trình độ giáo dục của bố mẹ.

Các nhận xét này của GS Putnam có gợi ý gì cho bạn – nếu bạn là một ông bố/bà mẹ Việt sinh sống ở Mỹ; hoặc ngay cả sống ở Việt Nam?

  • Hoàng Khánh Hòa (ĐH Missouri-Columbia)-Theo Economist