- “Sự kiện” nghệ sĩ Trọng Tấn bỏ nhạc viện ra ngoài không còn là chuyện riêng của anh. Sau sự kiện này, nhiều câu hỏi được đặt ra như nghề dạy nhạc vất vả đến thế nào mà Trọng Tấn phải bỏ cuộc? Những người không bỏ và chưa bỏ, là do đâu?...

Không hề thiếu về số lượng

Tại Học viện Âm nhạc quốc gia, đông học viên nhất là Khoa Thanh nhạc với số lượng sinh viên là 120, học sinh là 115. Khoa có 20 giảng viên biên chế, 10 giảng viên hợp đồng và các cộng tác viên.

Khoa Piano, một trong 3 khoa có số lượng sinh viên đông nhất với 27 sinh viên đại học, 194 học sinh trung cấp. Số lượng giảng viên trong biên chế là 23, cộng tác viên là 13.

{keywords}
Thí sinh dự thi vào khoa Piano. Ảnh: Hương Giang

Khoa Dây là một trong 3 khoa có số lượng học viên đông – với 150 học viên – cũng có 28 giảng viên biên chế và hợp đồng, 8 cộng tác viên.

Khoa Kèn – Gõ có 22 GV biên chế và hợp đồng, 7 cộng tác viên với hơn 80 học sinh sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào, Khoa Kèn - Gõ hiện đang đào tạo 9 chuyên ngành kèn gõ từ bậc trung học, đại học tới sau đại học.

Khoa Accordeon - Guitare - Organ – Jazz có 12 giảng viên biên chế, 9 giảng viên hợp đồng, 9 cộng tác viên.

Khoa Nhạc cụ Truyền thống có tới 33 biên chế, 8 hợp đồng, 10 cộng tác viên.

Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ  huy có 10 giảng viên và 23 cộng tác viên  có trình độ và uy tín cao về chuyên môn.

Khoa Kiến thức Âm nhạc có 16 giảng viên và 11 cộng tác viên…

Với số lượng giảng viên như  vậy, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh đại học mỗi năm của học viện chưa đầy 200.

Năm 2013, học viện chỉ tuyển 150 sinh viên cho tất cả các ngành đào tạo đại học là Âm nhạc học, sáng tác âm nhạc, chỉ huy âm nhạc, thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, piano, nhạc jazz, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Nhìn vào số lượng học viên và  giảng viên, có thể thấy nếu tính tỉ lệ giảng viên/ sinh viên như quy định chung của Bộ GDĐT, thì học viện là một trong những trường dẫn đầu với số lượng giảng viên khá thoải mái.

Ông Phạm Quốc Chung, trưởng khoa Kèn – Gõ cũng cho biết khoa có khoảng 80 học viên. Những thầy trẻ dạy khoảng 2 học viên, thầy có kinh nghiệm, học hàm học vị cao hơn sẽ dạy nhiều hơn, từ 6 – 10 em.

Ông Quốc Hưng, phó trưởng khoa Thanh nhạc cho biết chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm căn cứ theo số lượng giảng viên. Giảng viên trẻ dạy khoảng 8 tiết một tuần. Những giảng viên chính như cô Thu Lan, thầy Quốc Hưng, cô Ngọc Lan dạy tới 20 học viên nên thời gian làm việc nhiều hơn.

Dạy học không vì  lương?

“Tôi không để ý đến lương”  – ông Bùi Công Duy, trưởng khoa Dây khẳng định.

Các nghệ sĩ – giảng viên của học viện đang hưởng mức lương theo thang bậc chung của Nhà nước. Theo đó, một giảng viên trẻ mới được ký hợp đồng lương tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng. Các giảng viên biên chế cũng tuần tự lên lương theo quy định.

Giảng viên khoa thanh nhạc thu nhập chỉ có lương cơ bản và phụ cấp giờ dạy theo quy định. Tuy nhiên giảng viên ở trường hầu hết là nghệ sĩ tên tuổi, nên còn đi biểu diễn, thu thanh nhiều nơi.

“Lương thấp nhưng các thầy cô trong khoa sống ổn, vì hiện nay nhu cầu của người dân cho con học thêm là khá nhiều” – ông Duy cho biết.

Và trước câu hỏi lương thấp sao các thầy vẫn ở lại, ông Phạm Quốc Chung, trưởng khoa Kèn – Gõ cho rằng “Điều này quả thật khó lý giải”. Theo ông Chung, ngoài chuyện có một tình yêu đặc biệt với nghề, thì có thể việc ở lại trường còn là thói quen. “Một người theo học ở trường từ lúc 5, 6 tuổi đến khi học xong cũng đã ngoài 20 tuổi. Cắt nghĩa ra thì rất khó, vẫn đang cố gắng, nỗ lực với nghề nhưng ai cũng giống nhau thôi, ai cũng có tâm trạng. Có thể đôi khi tâm tư, tình cảm lại trỗi dậy, nhưng rồi lại nguôi ngoai đi. Hơn nữa, nhiều khi mọi người cũng cần một nơi để sinh hoạt đoàn thể. Và học viện là một môi trường rất ‘lành””.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Chung, “còn là cảm xúc của người nghệ sĩ. Giảng viên cũng là nghệ sĩ, cũng đi biểu diễn, và những phút giây đứng trên sân khấu đủ bù đắp cho những trăn trở ngoài đời. “Ngoài Việt Nam, tôi đã từng đi biểu diễn ở Nhật Bản, Đức, Pháp… Những giây phút đó đáng để trả giá”.

“Còn nếu bạn hỏi với đồng lương đó sống kiểu gì, thì mọi người vẫn phải sống thôi. Có những giảng viên trẻ hay sinh viên ở tình xa gặp nhiều khó khăn, thì ngoài việc đi biểu diễn ở các dàn nhạc còn chấp nhận biểu diễn ở các quán bar với các loại nhạc cụ khác”.

Thời gian biểu của một giảng viên như thầy Quốc Hưng – phó trưởng khoa Thanh nhạc - là buổi sáng từ 8 rưỡi – 12 rưỡi, chiều thường từ 2 giờ - 4 rưỡi. Mỗi buổi làm việc với 5 học viên.

“Ngày hai buổi lên lớp, hướng dẫn sư phạm, thị phạm, hát mẫu cho các em, đánh mẫu luyện thanh, chỉnh sửa cho từng em… Chỉ những khi gia đình có việc quan trọng tôi mới nghỉ dạy. các chuyến đi công tác thậm chí tôi cũng thường sắp xếp vào cuối tuần. Là giảng viên nhưng còn làm công tác quản lý nên tôi thường xuyên có mặt ở trường. Tuy nhiên, với nhiều thầy cô khác thì giáo viên chủ động giờ dạy, việc chuyển buổi, đổi giờ các thầy cô được tự do sắp xếp, sao cho đảm bảo mỗi tuần mỗi em có 2 buổi chuyên ngành. Chúng tôi tạo điều kiện hết sức thoải mái để các thầy cô có thể thu xếp được giữa việc giảng dạy và biểu diễn”.

  • Chi Mai

Bài 2: Người trẻ khó lên, người già … lơ lửng