- Một hội thảo với câu hỏi súc tích và không gì có thể cập nhật hơn vừa được tổ chức tại Paris (Pháp): thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng muốn khám phá để hiểu về những thực trạng giáo dục của  châu Á, một châu lục đa dạng và quan trọng trên bản đồ thế giới bằng điểm nhìn của năm 2014.

Dưới đây là bài viết cuả bà Nguyễn Thụy Phương, tiến sĩ Giáo dục học, ĐH Paris Descartes về sự kiện này.

{keywords}
Các đại biểu tại hội thảo
“Giáo dục tại Á châu năm 2014: Đâu là những thách thức mang tầm quốc tế ?” là hội thảo quốc tế đầu tiên về giáo dục châu Á do Pháp đứng ra tổ chức ở tầm quốc gia, với sự bảo trợ của hai bộ, Bộ Giáo dục quốc gia và Bộ Đại học và Nghiên cứu. Hai Bộ này giao cho cơ quan chuyên trách là Trung tâm hợp tác giáo dục quốc tế của Pháp (CIEP) đứng ra tổ chức, trùng với sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Giáo dục quốc tế (RIES) của Pháp.

Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ 12 đến 14/6 tại Sèvres, ngoại ô Paris, với sự tham gia của 120 diễn giả, là các giáo sư đại học, nhà nghiên cứu, chuyên gia cấp cao quốc gia và quốc tế về nhiều lĩnh vực (giáo dục, kinh tế, triết học, xã hội học, chính trị học, lịch sử) đến từ châu Á, châu Âu và các tổ chức quốc tế (UNESCO, OECD, Văn phòng Giáo dục quốc tế (BIE)...

Những nước châu Á sau xuất hiện trong hội thảo với tư cách là đối tượng nghiên cứu và có đại diện đến trình bày nghiên cứu: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Indonesia, Lào, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Sri-Lanka, Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ đề của hội thảo là một câu hỏi súc tích và không gì có thể cập nhật hơn: thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng muốn khám phá để hiểu về những thực trạng giáo dục của một châu lục đa dạng và quan trọng trên bản đồ thế giới bằng điểm nhìn của năm 2014. Một đại lục quan trọng bởi sức nặng về dân số, kinh tế và địa chính trị đang diễn ra trên bàn cờ thế giới nhưng tiếc thay đến thời điểm này, nền giáo dục Á châu lại ít được châu Âu biết đến.

 

{keywords}

Những thao tác "giải mã"

Muốn hiểu về châu lục này thì có lẽ một trong những thao tác đầu tiên là phải thoát khỏi những quan sát phiến diện và cổ lỗ, bắt nguồn từ những định kiến và hiểu lầm, về những hiện trạng như : vai trò và tác động của các triết lý hay học thuyết truyền thống lên giáo dục, hoặc sự phát triển theo cấp số nhân của một thứ “giáo dục trong bóng tối” (tức tình trạng học thêm) hay giả thuyết cho rằng bảng xếp hạng cao của một số quốc gia châu Á là do ghanh đua thái quá giữa các học sinh.

Thao tác tiếp theo là đặt ra những câu hỏi mang tầm phổ quát, để cho giáo dục của châu Á không còn nằm ở ngoại biên, như: các quốc gia châu Á, trên phương diện giáo dục, tham dự vào tiến trình đa cực hóa hay nhất thể hóa của thế giới ? Đâu sẽ là tầm ảnh hưởng quốc tế của châu Á? Châu Á sẽ giải quyết như thế nào giữa một bên là đào tạo ra giới tinh hoa trong các lĩnh vực khoa học và tài chính và bên kia là đại trà hóa giáo dục vì nguy cơ nhãn tiền là sự mất cân bằng trong tính cố kết của xã hội?

Vì vậy, hội thảo cũng là cơ hội để suy ngẫm về những lời giải đáp của các nước châu Á trước những thách thức về giáo dục trong chính đất nước của họ, qua đó, đem lại những đối chiếu với các châu lục khác. Những câu hỏi đặt ra cho các hệ thống giáo dục châu Á cũng là những câu hỏi mà các nhà giáo dục học so sánh đặt ra ở những châu lục khác.

Nhưng điều đáng để nghiên cứu sâu hơn trong giáo dục Á châu chính là mối liên kết chặt chẽ của ba yếu tố: giáo dục, truyền thống và văn minh.

Câu hỏi được nêu lên là: ngày nay, truyền thống và văn minh ảnh hưởng như thế nào đối với sự tiếp nhận tri thức, với cách thức thực thi chính sách của Nhà nước, hay với tôn giáo và học thuyết ? Nếu như các nền giáo dục của châu Á được bắt nguồn từ hai mô hình thuộc hai nền văn minh lớn, Trung Hoa và Ấn Độ, thì những truyền thống giáo dục khác, ít đặc trưng hơn, như giáo dục Hồi giáo cũng được hội thảo bàn đến.

Và hội thảo cũng chú trọng đến tiến trình lịch sử, đặc trưng chính trị và tư tưởng ở các quốc gia châu Á khác nhau làm sản sinh ra nền giáo dục của nước mình.

Ba chủ điểm

Bằng phương pháp so sánh và đa ngành, ba chủ điểm sau được tìm hiểu và phân tích trong cuộc hội thảo này. Nhà trường trong các hệ thống giáo dục, là chủ điểm thứ nhất, được soi xét dưới nhiều góc độ: kiến thức dạy và học, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm, vị trí của học sinh trong nhà trường hiện tại và trong xã hội tương lai.

Chủ điểm thứ hai đặt nhà trường như một thiết chế của xã hội : thay đổi trong tổ chức và cơ chế nhà trường trước sự biến đổi trong xã hội, những thách thức và cách thức đầu tư tài chính vào giáo dục, nhà trường và xã hội – thử thách của lòng tin.

Chủ điểm cuối cùng kết nối giáo dục châu Á và thế giới để trả lời được những câu hỏi sau: liệu thế giới sẽ đi theo các mô hình châu Á, theo hướng cạnh tranh hay hợp tác?, đâu sẽ là các mô hình giáo dục ngoại quốc ảnh hưởng mạnh tại châu Á trong tương lai?, chúng ta sẽ đi đến sự đối chiếu các mô hình hay đối thoại giữa các nền văn minh, hướng đến sự đa dạng hay đồng hóa các mô hình? Mục tiêu hội thảo đặt ra là dự phóng tương lai về sự phát triển của các hệ thống giáo dục châu Á dưới góc nhìn của những châu lục khác: Âu, Phi, Mỹ, Úc.

 Tại sao châu Âu và Pháp quan tâm tới giáo dục châu Á?

{keywords}

Ông Roger-François Gauthier

Chúng tôi được biết ông là người khởi xướng ý tưởng cho cuộc hội thảo này. Điều gì dẫn dắt ông dựng nên dự án đầy tham vọng và mới mẻ này?

Ông Roger-François Gauthier, Tổng thanh tra Bộ Giáo dục Pháp, Thành viên Hội đồng chương trình cấp cao: Những hội thảo quốc tế trước đây do Tạp chí giáo dục quốc tế (RIES) tổ chức chọn cách đặt vấn đề mang tính toàn cầu và theo lát cắt ngang như "Một thế giới duy nhất, một nhà trường duy nhất?". 

Điểm mới lần này là nhắm đến một vùng đất rộng lớn trên quả địa cầu: châu Á! Đây là  "nhiều" châu Á đa dạng về lịch sử, tôn giáo và các mô hình giáo dục.

Việc giúp cho công chúng châu Âu khám phá sự đa dạng này và suy ngẫm về chủ đề này tự thân đã là cách góp phần hiểu biết, học hỏi lẫn nhau.

Đây là lần đầu tiên Pháp tổ chức một hội thảo về châu Á ở tầm cỡ này. Tại sao đây là lúc châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng quan tâm đến giáo dục châu Á ?

Trước hết, chỗ đứng của châu Á hiện nay trên thế giới, sự phong phú của các nền văn hóa cũng như sự đa dạng của các hệ thống và hiện trạng giáo dục tại đây hoàn toàn thuyết phục được những ai muốn quan tâm.

Dường như chúng ta, sống ở mỗi châu lục, vẫn có xu hướng cho là cách đặt vấn đề trong một nền giáo dục tương đồng với kinh nghiệm và đặc tính của nền giáo dục đó. Thế nhưng, chúng ta phải đi tìm hiểu những khác biệt ở nơi khác để hiểu về chính mình. Hiện nay, thế giới đang bị ám ảnh bởi các con số thành tích hay bảng xếp hạng, khiến chúng ta tưởng là có thể xếp hạng được các hệ thống giáo dục hay quy chiếu về cùng một mô hình.

Mục đích của chúng tôi trong hội thảo là sự phong phú của các mô hình, hệ thống, hiện trạng hay tư duy, ý tưởng trong giáo dục.

Ông và đồng nghiệp đã dựng ý tưởng hội thảo như thế nào?

Đó phải là một ý tưởng thích đáng và phải mời được những nhà nghiên cứu có tầm về và tại châu Á cũng như trên toàn thế giới. Người đầu tiên thông đường mở lối là giáo sư Lê Thành Khôi, sau đó là một vài giáo sư đại học châu Á.

Đây không phải là cuộc hội thảo ở bậc đại học và mang tính chuyên ngành mà ở tầm quốc gia và đa ngành. Những gì thu lượm được từ hội thảo quan trọng này sẽ được thu lại trong số đặc biệt kỷ niệm 20 năm ra đời Tạp chí giáo dục quốc tế (RIES).

Xin chân thành cảm ơn ông!

  • Nguyễn Thụy Phương - TS Giáo dục học, ĐH Paris Descartes, Pháp