Giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan chủ quản

Trong Luật GDĐH 2012 hầu như không quy định về “cơ quan chủ quản” ngoài 1 quy định về “đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học” là thành viên đương nhiên của hội đồng trường (Điều 16). Do vậy, Luật số 34 cũng hầu như không quy định về “bỏ cơ quan chủ quản”.

Tuy nhiên, với chủ trương mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH thì Luật số 34 giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan Nhà nước đến tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Điều đó có nghĩa là sẽ thay đổi phương thức quản lý Nhà nước từ chỗ nhiều nội dung quản lý còn sử dụng phương thức hành chính trực tiếp, nay chuyển sang phương thức quản lý thông qua pháp luật, với hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng… để các trường được phát huy tính năng động, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển.

Chuyển vai giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường 

Theo Luật số 34, hội đồng trường (HĐT) là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu là nhà nước (đối với trường công) hoặc nhà đầu tư (đối với trường tư) và các bên có lợi ích liên quan. Có thể nói HĐT theo đúng tiêu chuẩn, thành phần như Luật quy định, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao là HĐT đủ năng lực.

Quy định của Luật được xem như quy định khung, với các tiêu chuẩn tối thiểu để các trường thiết lập được HĐT có đủ năng lực quản trị cơ sở GDĐH. Để biết được HĐT có năng lực đến đâu thì cần xem xét vị thế, uy tín, kinh nghiệm làm việc… của các thành viên và chủ tịch HĐT, các thiết chế giúp việc của HĐT…

Đặc biệt là sự tác động của HĐT đến các hoạt động và sự phát triển của nhà trường thông qua việc: xác định mục tiêu chiến lược và cách thức thực hiện mục tiêu, thu hút nhân tài, lựa chọn hiệu trưởng, huy động nguồn lực phát triển trường, xây dựng và ban hành được quy chế tổ chức và hoạt động của trường cũng như các quy định nội bộ liên quan để vận hành bộ máy, thực hiện mục tiêu chiến lược, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa quyền, trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan trong và ngoài nhà trường… để đoàn kết, cạnh tranh và phát triển.

Đối với các trường công lập, Hiệu trưởng do HĐT quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Theo Luật 34, hiệu trưởng sẽ là người thực thi các quyết định của Hội đồng trường thay vì có toàn quyền như trước đây.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mặc dù Hiệu trưởng do HĐT quyết định nhưng việc bổ nhiệm này phải tuân theo quy trình bổ nhiệm cán bộ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, ứng viên phải thỏa mãn các điều kiện khác như: cần lựa chọn người có tâm, tầm, tài để cùng HĐT xác định mục tiêu chiến lược phát triển trường, có khả năng tổ chức thực hiện các quyết nghị của HĐT… chứ không phải đơn giản chỉ là “người làm thuê".

Việc bãi nhiệm hiệu trưởng của bất cứ HĐT nào, công hay tư cũng đều phải có căn cứ, theo thủ tục Luật định và quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường.

Làm rõ mối quan hệ giữa 3 thiết chế Đảng ủy (ĐU), Hội đồng trường (HĐT) và Ban Giám hiệu (BGH)

Theo quy định, Đảng lãnh đạo bằng đường lối và nghị quyết để các cá nhân, đơn vị trong cơ sở GDĐH triển khai thực hiện. HĐT của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; có trách nhiệm và quyền hạn trong việc: Quyết định về mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển trường; ban hành quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ cơ sở; quyết định về cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt, chính sách huy động nguồn lực, chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học… Các quyết định của HĐT phải phù hợp với pháp luật, nghị quyết của đảng và quy chế, quy định của nhà trường.

Đối với 2 thiết chế trên, Nghị quyết 19 của Đảng đã chủ trương Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch HĐT để thống nhất cơ chế lãnh đạo và quản trị trong trường ĐH công lập. Nội dung này sẽ được Tổ chức Đảng hướng dẫn thực hiện.

Hiệu trưởng trường ĐH công lập do HĐT lựa chọn, làm việc trong nhiệm kỳ của HĐT.

Đòi hỏi cao hơn về quản trị đại học

Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi cách thức tổ chức quản lý đối với các cơ sở GDĐH. Sau thời gian thí điểm, kết quả tổng kết kinh nghiệm đã được sử dụng để sửa đổi Luật GDĐH…

Có thể nói, so với các nước phát triển, có kinh nghiệm hàng trăm năm để thực hiện tự chủ ĐH thì chúng ta mới đi được đoạn đường đầu tiên nhưng cũng đã xác định được các điều kiện cần thiết, chuẩn bị lộ trình phù hợp, dự liệu những vấn đề phát sinh để quy định cơ chế thực hiện trong Luật (sửa đổi).

Trong cơ chế tự chủ, Luật hầu như không quy định chi tiết về các hoạt động của nhà trường mà chủ yếu là quy định về các tiêu chuẩn chất lượng, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan; cơ chế sử dụng kiểm định chất lượng và sự minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đào tạo thực tế, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp… để nhà nước, xã hội, người học… cùng giám sát; quy định về trách nhiệm giải trình của các trường đối với các hoạt động của mình; quy định cơ chế thanh tra, kiểm tra, chế tài và xử lý nghiêm đối với trường vi phạm… Vấn đề quan trọng trong quản trị đại học là cơ sở GDĐH cần xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động của của mình; trong đó, đặc biệt là thu hút, lựa chọn được những nhà quản lý giỏi, tâm huyết với mục tiêu phát triển nhà trường tham gia HĐT, bầu làm chủ tịch HĐT và chọn làm hiệu trưởng.

Tự chủ ĐH là một quá trình phát triển, cần có điều kiện, thời gian để chuyển đổi từ nhận thức, ý thức và văn hóa chất lượng trong hệ thống GDĐH và toàn XH đến hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế quản lý, quản trị…

Trong hệ thống cũng có những trường đi đầu, có những trường đi sau… Vì vậy, trong giai đoạn đầu, có thể sẽ không tránh khỏi những vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Ngay cả khi có vấn đề, cũng nên nhìn nhận sự việc trong sự phát triển tổng thể vì lợi ích chung của toàn hệ thống, xem như đó là mặt tất yếu của quá trình này, để sau khi giải quyết, cơ chế tự chủ ĐH ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn.

Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT)

***Tiêu đề do tòa soạn VietNamNet đặt 

Tổng bí thư: "Tập trung đổi mới mô hình quản trị, tự chủ đại học"

Tổng bí thư: "Tập trung đổi mới mô hình quản trị, tự chủ đại học"

Dự khai giảng sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng SV cần phải có kỹ năng để không bị robot thay thế như sáng tạo, hợp tác, phản biện.