Vì "mấy hôm này ồn ào chuyện trường này trường kia", mà anh Phạm Mạnh Tuân (Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, hiện sống tại Bắc Ninh), quyết định chia sẻ những nguyên tắc dạy con mà anh đã và đang áp dụng.

Theo anh Tuân, ừng xâm phạm tuổi thơ của trẻ bằng nhân danh giáo dục, đừng mong dạy con thành siêu nhân và ép chúng học những gì ta thích, khi con cái mắc khuyết điểm đừng nhìn sự việc theo chiều hướng xấu, hãy nhớ đến tuổi thơ và những lần mình mắc lỗi lầm...".

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh Phạm Mạnh Tuân.

Người Pháp dạy con tôn trọng, người Việt dạy con vâng lời

{keywords}

"Trẻ không cần giáo dục, chúng luôn mở to mắt nhìn người lớn và học theo..."

1. Đừng xâm phạm tuổi thơ của trẻ bằng nhân danh giáo dục

Trẻ em là một thực thể độc lập, và có thế giới quan riêng của chúng, để chúng khám phá xung quanh bằng tư duy của chúng, trò chơi của chúng, ăn uống theo cách của chúng đứa trẻ sẽ tự học bài học của mình. 

Cha, mẹ nên là huấn luyện viên là bạn đi cùng tuổi thơ của trẻ, dành ra ít thời gian để cho con bạn, đừng sợ khi chúng nghịch làm bẩn bộ đồ đẹp bạn mặc cho chúng, đừng bực bội khi trẻ bốc thức ăn bằng tay, hoặc nhặt đồ ăn từ đất đưa lên miệng bởi bản năng có trước giáo dục có sau. 

Và nên nhớ trẻ con là hay nghịch bẩn, điều đó tự nhiên (nghịch bẩn là theo cách nhìn của người lớn, còn trẻ không nghĩ giống chúng ta).

2. Để trẻ tự biết chọn điều chúng cần, và tránh những điều chúng phải tránh

Đây là điều khó nhất với cha mẹ, bởi ban phải để con mình tự do, trong khi các vấn đề giáo dục gần như là áp đặt, rất mâu thuẫn phải không? Nhưng hãy nhớ: trẻ con không cần giáo dục, chúng luôn mở to mắt nhìn người lớn và học theo. Hiểu điều ấy để người lớn tự giáo dục chính mình trước đi. 

Có bạn hỏi "Đứa trẻ ra ngoài xã hội học những điều ta không muốn thì sao?". Để tránh điều ấy, cha mẹ nên là rada nhưng đừng là cảnh sát, để mắt và tâm sự, chia sẻ sẽ giúp trẻ nhận diện nguy cơ với chúng.

3. Tôn trọng và cởi mở

Đứa trẻ cần được tôn trọng, đừng bao giờ kiểm soát con bằng cách lục lọi đồ, xem trộm thư từ nhật ký hoặc tin nhắn của chúng. 

Tôn trọng các bạn của con cái, bởi khi chúng chọn ai đó làm bạn hẳn chúng phải có lý do cho lựa chọn đó. 

Hãy để chúng tự mở cửa tâm hồn với cha mẹ. Nếu con bạn tâm sự với bạn về thế giới quan của chúng thì bạn có thể yên tâm. 

4. Trọng thầy

"Không thầy đố mày làm nên", ở mỗi giai đoạn của đời người ai cũng có dấu ấn của những người thầy. Nhiều người nhờ sự dẫn dắt của các thầy cô đã thay đổi vận mệnh. 

Dạy con biết trọng thầy và chính phụ huynh cũng phải có sự biết ơn những người dạy dỗ con em mình, giúp hình thành nhân cách của trẻ. 

Viết đến đây tự nhiên nhớ đến một stt được rất nhiều like và chia sẻ của một faceboker viết rằng: "Việc tôn trọng thầy kiểu “nhất tự vi sư" sẽ bóp chết sự phản biện”. 

Cá nhân tôi cho rằng những kẻ đi học mà không trọng thầy đều là những kẻ vô hạnh. Xã hội tiêu cực nhiều và ngành giáo dục có nhiều bê bối. Trong hoàn cảnh đó, người thầy chịu quá nhiều áp lực, họ chật vật với đồng lương ít ỏi và day dứt với cuộc chiến từ tâm thức giữa gìn giữ lương tâm, nhân cách, hình ảnh với cơm áo. Đặc thù nghề nghiệp làm các nhà giáo vất vả hơn để giữ gìn hình ảnh. Hãy chia sẻ với họ gánh nặng ấy, và nhớ câu: "Trâu vàng lặn đáy hồ Tây/ Công cha cũng nặng nghĩa thầy cũng sâu".

5. Muốn trẻ có tư duy phản biện hãy dạy chúng đọc sách, và hướng dẫn chúng biết cách diễn giải ý kiến riêng ôn hoà và tôn trọng người tranh luận

Đọc sách sẽ giúp con cái chúng ta giàu kiến thức, từ đó giúp chúng có cách nhìn cuộc sống đa chiều. 

Thường xuyên trò chuyện với con về một vài vấn đề xã hội, âm nhạc, thời trang, tệ nạn... liên quan đến lứa tuổi của chúng, và đặt câu hỏi để chúng nói ra ý kiến của mình. Nếu bạn khuyến khích được chúng viết ra những bình luận của chúng thì bạn đã làm tốt.

{keywords}
"Trâu vàng lặn đáy hồ Tây/ Công cha cũng nặng nghĩa thầy cũng sâu"

Ngày con gái tôi học lớp 5, một lần đóng học phí cô giáo không có tiền lẻ nên cô hẹn cháu mai đưa lại 2.000 đồng còn thiếu. Đến giờ ra chơi hôm sau, cháu tìm gặp cô xin lại 2.000 đồng mang về trả mẹ. Ai cũng cười, chỉ bố mẹ cháu là không cười vì thấy việc đó là bình thường. 

Còn cậu thứ hai trong một năm học mắc lỗi nghỉ quá nhiều buổi. nếu nghỉ đến giới hạn quy định sẽ bị cấm thi và buộc phải học lại năm học đó. Đến một ngày, gia đình tổ chức mừng thọ bà nội của cháu 90 tuổi, tôi xin phép giáo viên chủ nhiệm cho cháu được nghỉ buổi học đó. 

Cô giáo của cháu nói "Việc mừng thọ không quan trọng để phải nghỉ một buổi học, nên cô không nhất trí lắm với gia đình. Tuy nhiên, nếu gia đình cho cháu nghỉ thì tuỳ". Tôi đã cho cháu nghỉ, dù cô giáo giận đến mức sau đó không bao giờ nghe điện thoại của tôi nữa. Còn tôi, dù rất tin tưởng và kính trọng cô giáo, nhưng tôi lại nghĩ rằng nếu như một đứa trẻ không được giáo dục về cội nguồn và sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thì dù nó có học bao nhiêu kiến thức cao siêu cũng chỉ thành đồ bỏ.  

6. Đừng mong dạy con thành siêu nhân và ép chúng học những gì ta thích

Có những đứa trẻ dày đặc lịch học thêm thật áp lực khi cha mẹ muốn con mình vừa được giải toán, văn, ngoại ngữ, lại giỏi cả âm nhạc và một mớ các thứ khác.

Có bậc phụ huynh bắt con mình học tất cả những thứ ngày xưa họ thích mà không cần quan tâm xem có hợp lý hay không. Hãy nhớ rằng, ngay cả cha mẹ chúng còn không làm được thì đừng cố ép làm gì? 

“Giỏ nhà ai quai nhà nấy”, và người ta không nhất thiết phải trở thành siêu nhân, nhưng nhất thiết phải trở thành người bình thường. 

7. Hãy bồi đắp cảm xúc cho trẻ

Việc giáo dục cảm xúc cho trẻ vô cùng quan trọng, một đứa trẻ được chăm sóc, và dạy cách chăm sóc người khác khi lớn lên sẽ không vô cảm. 

Một đứa trẻ biết rung động trước cái đẹp, biết đau nỗi đau đồng loại, khi lớn lên sẽ yêu đất nước, con người, đồng bào mình, hiếu thuận với cha mẹ mình. 

Cảm xúc giúp người ta xa bản năng, và hướng thiện nhiều hơn. Một công dân tốt là một công dân biết khóc, và biết căm giận... Đừng để con cái chúng ta khô cằn.

8. Khi con cái mắc khuyết điểm đừng nhìn sự việc theo chiều hướng xấu, hãy nhớ đến tuổi thơ và những lần mình mắc lỗi lầm

Nhiều đêm tôi lang thang tìm con khắp thành phố, trên chiếc xe đạp cũ, gió rét, đói và lo âu, lòng đầy giận dữ. Nhưng khi nhìn thấy bóng nó đi về, trái tim tôi như dịu lại. Bởi tôi nhớ lại những điều cuốn hút tôi đến mức vượt qua cả sự cấm đoán nghiêm khắc của cha mình khi còn nhỏ.

Tôi hiểu ra sự đam mê một thứ gì đó không phải là mất dạy hay bất hiếu như khi chúng ta lỡ nóng giận trút xuống con cái mình. 

{keywords}

"Đừng đem tư duy người lớn áp đặt cho con trẻ..."

Trẻ muôn đời là trẻ, và sự cám dỗ bao giờ cũng hấp dẫn cả với chúng ta là những người lớn. Vì vậy, đừng vội trừng phạt chúng, hãy kiên nhẫn để kiếm giải pháp dung hòa, giúp chúng và cả chúng ta thoát ra.

Trong trường hợp này, khi quá bực tôi hay nghĩ câu mẹ tôi nói: "Choại chân dễ chữa, choại miệng khó chữa" để tự kiềm chế.

9. Quản lý con cái tiêu tiền chặt chẽ và đừng làm mất tự do của chúng

Mấy cha con tôi chỉ có một tài khoản, trong đó tôi giữ thẻ chính có báo biến động số dư, còn các con giữ thẻ phụ có thể rút số tiền theo hạn mức. 

Hàng ngày, khi cần chúng có thể tiêu bằng thẻ. Trong túi mỗi đứa đều có ít tiền mặt phòng khi hỏng xe hay chỗ không rút được tiền. 

Cách làm này cho trẻ thấy chúng được tôn trọng, được tin cậy và có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Chưa bao giờ số dư của tôi bị thay đổi bất thường và tôi bị phiền lòng về cách chi tiêu của con mình. Có lẽ tại tôi ít tiền nên chúng không dám tiêu gì ngoài nhu cầu cần thiết tối thiểu.

10. Giáo dục hay nhất chính là không giáo dục

Đúng thế đấy, hãy trả mọi thứ về đúng trật tự của nó, đừng đem tư duy người lớn áp đặt cho trẻ con và đừng đem những điều ta muốn gán cho chúng.

11. Những lúc cần thiết phải biết nói “Không!” một cách dứt khoát 

Có những khi bạn phải nói không với con mình thật dứt khoát. Đó là điều thật khó khăn nhưng vẫn phải lựa chọn nếu cần. 

Ngày con gái tôi học lớp 3, cháu xin tôi cho theo một tôn giáo mà cháu tin. Khi ấy, tôi buộc phải nói không, với câu hẹn: "Chúng ta sẽ nói về điều này khi con 18 tuổi". Và khi cháu 18, tôi nhắc lại lựa chọn để cháu quyết định. Cháu đã không chọn nữa. 

Thật khó khăn khi tôi nói “không” với con bé. Và 10 năm sau, câu “không” ấy được chứng thực.

12. Những điều tôi không thích

Điều tôi ghét cay ghét đắng ở nhà trường là việc đuổi học học sinh của mình, bởi chính những đứa bị đuổi học lại cần đươc giáo dục nhất.

Việc đuổi học cũng thể hiện sự bất lực, trình độ kém cỏi của người dạy.

Tôi chứng kiến nhiều đưa trẻ bị đuổi học ở trường này, khi sang trường khác, gặp thầy khác lại thành con ngoan trò giỏi. Và nhiều trẻ bị đuổi học trở thành lưu manh khi lớn lên.

Hãy yêu thương nếu bạn là người thầy. Và tôi luôn tin trái tim người thầy là trái tim nhân hậu nhất.

Phạm Mạnh Tuân