Học sinh chơi game (trên điện thoại và máy tính) càng nhiều thì càng học kém và càng có nhiều vấn đề hành vi cảm xúc như tăng động, giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, chống đối xã hội.

Kết luận nói trên được đưa ra trong nghiên cứu của TS Trần Thanh Nam, ĐHQG Hà Nội dựa trên việc khảo sát 266 học sinh thường xuyên chơi game được sàng lọc từ hơn 500 học sinh thuộc các khối 7,8,9 ở 2 trường THCS tại Hà Nội.

{keywords}
Trẻ em chơi game nhiều có thể học kém và có nhiều vấn đề về hành vi cảm xúc. Ảnh minh họa.

Nghiên cứu cho thấy, học sinh Việt Nam bắt đầu chơi game từ rất sớm, thậm chí từ lúc 6 tuổi.

Khảo sát cho thấy, có đến 41,4% số học sinh trong mẫu nghiên cứu chơi game từ lúc 8 tuổi hoặc sớm hơn và có đến 92,5% số học sinh trong mẫu nghiên cứu bắt đầu chơi game từ 10 tuổi hoặc sớm hơn.

Thời gian chơi game của học sinh Việt Nam trung bình là 1-2 tuần còn vào những ngày cuối tuần (thứ 7-CN), thời gian chơi game trung bình cao gấp 2 lần.

Cụ thể, hầu hết học sinh chơi game bất cứ khi nào có thời gian rảnh (chiếm 76,7%), thời gian sau khi đi học về và trước giờ ăn cơm (36,8%).

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ không nhỏ học sinh đang chơi các loại game không phù hợp với lưa tuổi. Nhiều học sinh vẫn chơi game của lứa tuổi trên 17 với những cảnh bạo lực, máu me cấp độ cao và ngôn ngữ tục tĩu.

Về mối liên quan giữa việc chơi game tới việc học hành cũng như hành vi trên lớp của học sinh, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thời gian chơi game càng nhiều thì học lực và hạnh kiểm của học sinh càng kém.

Đồng thời, học sinh càng có nhiều vấn đề hành vi cảm xúc như tăng động, giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, chống đối xã hội.

Tuổi bắt đầu chơi game càng sớm thì học sinh càng có nguy cơ mắc các vấn đề hành vi cảm xúc trên.

Thể loại game mà học sinh chơi càng không phù hợp với độ tuổi, càng mang tính bạo lực thì học sinh càng có nguy cơ mắc các vấn đề hành vi cảm xúc như giảm chú ý, không vâng lời, lo âu, hay chống đối xã hội.

Học sinh càng có xu hướng không thể duy trì quan hệ tốt với bạn bè và bị giáo viên cũng như bạn bè xung quanh có ấn tượng chung xấu về mình.

TS Trần Thành Nam, tác giả nghiên cứu cho biết, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chơi game ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế, học tập, đặc biệt là sự phát triển nhân cách của các em đang tuổi đi học.

Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chơi game đến hành vi cảm xúc của người chơi, đặc biệt là đối tượng học sinh.

Từ kết quả nghiên cứu, TS Nam cũng cho rằng, phụ huynh cần cần có ý thức tìm hiểu nội dung game mà trẻ chơi, đặc biệt cần có các biện pháp quản lý thời gian chơi game của con trẻ trong và ngoài gia đình một cách phù hợp.

Bài báo được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học, số 5/2016.

Theo báo cáo Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2, 2010) thì có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game

Theo các tác giả Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái (2013) công bố kết quả nghiên cứu trên 4.468 thanh thiếu niên Việt Nam chơi game trong độ tuổi từ 11 - 30 được chọn mẫu tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và Đà Nẵng đã cho thấy có đến 63,7% số khách thể được điều tra chơi game bạo lực.

Theo nghiên cứu của các tác giả như Hồ Thị Luấn (2007) hay Lê Minh Công (2011) thì việc dành quá nhiều thời gian chơi game có thể dẫn đến những vấn đề như: (a) Kỹ năng xã hội kém; (b) Ít có thời gian tương tác với gia đình, với công việc ở trường học và những trò giải trí lành mạnh khác; (c) Xếp thứ hạng thấp trong lớp học về thành tích học tập và có khả năng đọc kém hơn các bạn cùng trang lứa; (d) Thiếu luyện tập thể thao và dễ bị béo phì/thừa cân hơn các bạn cùng trang lứa.

Lê Văn