Nhân đọc bài “Đưa con đi học thêm, sao tôi hèn thế này” của phụ huynh Minh An, tôi nhớ chuyện của con mình cách đây 5 năm.

Đầu năm học 2012 – 2013, con tôi vào lớp 7. Một tuần sau khi khai giảng là buổi họp phụ huynh đầu tiên. Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi dạy môn Văn.

ến phần nhận xét chất lượng học sinh, cô giáo tuyên bố: “Tôi chưa thấy lớp nào mà trình độ các em tệ đến như vậy. Kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm (môn Toán và Văn), lớp có 42 em nhưng chỉ có một em đạt điểm 7 môn Văn. Vài em điểm 6, còn lại dưới 5 điểm. Thậm chí có em chỉ 2 điểm môn Văn. Môn Toán cũng không khá hơn bao nhiêu”.

Tất cả phụ huynh bắt đầu lao xao chừng như không hiểu chuyện gì.

{keywords}
Ảnh chỉ mang tinh minh họa (Đinh Quang Tuấn)

Cô giáo bắt đầu công bố điểm kiểm tra chất lượng của từng em. Sau khi biết điểm của con mình, phụ huynh càng băn khoăn và lo lắng. Con mình sao vậy nè, chỉ hai tháng nghỉ hè mà thành ra nông nổi này sao, hay cô giáo ra đề bài khó quá ?

Tôi có hai đứa con học lớp đó. Điểm của chúng không hơn 6 ở môn Văn và 5 điểm Toán. Tôi thật sự lo sợ, vì từ lớp 6 trở về trước chúng luôn đạt học sinh giỏi.

Cô giáo nói bài kiểm tra hoàn toàn trong chương trình sách giáo khoa, không phải là đề khó, ngoài sách, ngoài chương trình phổ thông. Rõ ràng các em đã mất căn bản cho nên mới có kết quả thấp như vậy.

Chợt một phụ huynh giơ tay muốn phát biểu. Được cô giáo đồng ý, vị ấy nói luôn, vẻ bực bội: “Tôi không biết tại sao, năm nào tôi đi họp phụ huynh đầu năm cũng đều nghe giáo viên chủ nhiệm nói là lớp này học sinh yếu quá, nhưng đến cuối năm, phần lớn học sinh đều đạt loại giỏi”.

Cô giáo trả lời: “Kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm nói lên trình độ học sinh”.

Năm trước tôi không đi họp nên không biết cô giáo chủ nhiệm lớp 6 có nói vậy không? Nhưng điều cô giáo nói tiếp mới thực sự gây choáng, đó là: Sách đang dạy trong chương trình chính khoá được soạn cho học sinh cả nước, bao gồm học sinh ở thành thị, nông thôn, miền núi và cả hải đảo. "Học sinh ở từng vùng thì trình độ khác nhau. Con em của quý vị đang ở thành phố (Nha Trang), nếu chỉ học trong sách giáo khoa thì con em của quý vị trình độ ngang bằng các cùng bạn trang lứa ở huyện miền núi".

Đến đây tôi và những phụ huynh khác đơ người, hoang mang cực độ. Cô nói đúng quá! Làm sao chúng tôi chịu được khi con của mình học ngang trình độ với các em ở miền núi!?

Rồi cô chuyển sang phần bầu Hội phu huynh, học phí, gây quỹ lớp… Trong khi mọi người lục tục rút ví đóng các loại tiền, cô giáo thông báo là sẽ giúp các em nếu phụ huynh nào thấy thực sự cần. Nhà cô ở đó, cô ghi địa chỉ trên bảng, nhưng cô chỉ nhận dạ kèm có giới hạn chứ không được nhiều.

Trước kia, khi con tôi chưa đi học, tôi từng tuyên bố không cho đi học thêm. Nhưng rồi chỉ đến lớp 3 là tôi phải cho con học thêm. Nhưng cũng sau vài lần cằn nhằn vợ và tự dằn vặt mình tôi mới quyết định cho con đến nhà cô.

Lần này, tôi không thể chờ về đến nhà để cằn nhằn ai hay nói trước với con, thay vào đó tôi lặng lẽ đến bàn ghi danh và thỏ thẻ với cô là hãy cho hai con tôi đến nhà của cô. Như sợ nếu chậm sẽ không còn chỗ.

Ra khỏi buổi họp, trên đường về, tôi bình tĩnh lại và thấy có cái gì đó khác thường đã xảy ra mà tôi không nhận biết kịp thời.

Hôm sau, tôi đến công ty và nói với cậu nhân viên làm marketing: “Nếu em có mặt trong buổi họp phụ huynh của con của anh ngày hôm qua thì tốt quá”. Ừ thì, cậu nhân viên ấy đã “học thêm” được từ cô giáo chủ nhiệm bí quyết hữu ích cho công việc của mình.

Cuối năm đó phần lớn học sinh lớp của con tôi đều đạt học sinh giỏi. Con tôi cũng là học sinh giỏi.

Thưa phụ huynh Minh An, tôi không thể nói tôi hèn như bạn nhưng tôi thấy mình là kẻ nhát gan nhất trần đời khi cho con đi học thêm.

Phụ huynh Tiến Nguyễn