Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho hay, cử tri phản ánh giá sách giáo khoa (SGK) mới ở mức khá cao. Ví dụ, 1 bộ sách Cánh Diều bao gồm cả bài học và bài tập là khoảng hơn 400 nghìn đồng. Điều này gây khó khăn cho các gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình có mức thu nhập thấp có con em đang đi học.

Do đó, cử tri đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm giảm giá SGK cho phù hợp hơn trong thời gian tới.

Cùng chung nhận định, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, nhiều gia đình nghèo gặp khó khăn không đủ tiền mua sách.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cùng với Bộ GD-ĐT kiểm soát chặt chẽ về giá sách do các nhà xuất bản, phát hành SGK đưa ra để tất cả học sinh lớp 1 học theo chương trình mới mua được sách, đảm bảo quyền học tập của các cháu”, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này nêu.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ xem xét, kiểm soát chặt chẽ về giá sách. Từ đó, làm cơ sở cho việc triển khai biên soạn, thẩm định, xuất bản và áp dụng các bộ SGK các lớp, cấp học khác.

{keywords}
Học sinh lớp 1 học sách giáo khoa mới. Ảnh: Thanh Hùng

Về điều này, trên Cổng thông tin điện tử của mình, Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định của Luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá), theo đó doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.

Trong thời gian vừa qua, để tránh tình trạng giá SGK tăng quá cao, ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát phương án kê khai giá SGK lớp 1 của các nhà xuất bản. Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất để giảm tối đa giá SGK và không tăng giá nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người học theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ GD-ĐT, sau 5-6 lần thực hiện rà soát, phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản gửi Bộ Tài chính đã giảm so với lần đầu từ 5-18% theo giá bìa từng cuốn, nhưng vẫn cao hơn so với bộ sách cũ, do một số nguyên nhân khách quan như: (1) số đầu sách nhiều hơn so với bộ SGK cũ, cụ thể bộ sách mới thêm 5 môn học bắt buộc (Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm); (2) việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết 88 nên các nhà xuất bản phải tính các các chi phí biên soạn, biên tập bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu... vào giá SGK, trong khi bộ sách cũ không bao gồm các chi phí này, do được ngân sách nhà nước hỗ trợ; (3) về quy cách chất lượng có thay đổi so với SGK hiện hành (khổ sách lớn hơn, in màu nhiều hơn...).

Bộ GD-ĐT cho hay cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh hộ nghèo và cận nghèo đảm bảo tất cả học sinh có đầy đủ SGK đến trường.

{keywords}
 

Bộ GD-ĐT nhìn nhận, do SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá. Vì vậy, Bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa và tháng 7/2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ thực hiện đánh giá toàn diện, cụ thể những tác động của chính sách đề xuất để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 9021/VPCP-KTTH ngày 29/10/2020, hiện Bộ đang tổng kết quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1, đánh giá những tác động về chủ trương xã hội hóa, về quản lý nhà nước trong quản lý, giá SGK theo chức năng của Bộ, từ đó đề xuất phương án quản lý SGK trong thời gian tới cho phù hợp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, sửa đổi Luật Giá.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn SGK thực hiện các nội dung sau: tinh giản nội dung phù hợp để giảm số trang SGK, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối SGK (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành SGK; quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK); khuyến khích học sinh giữ gìn SGK, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; tiếp tục có chính sách hỗ trợ SGK cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Quý Hải

Lý do chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’

Lý do chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’

Chưa kịp vui mừng vì được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhiều giáo viên tiếp tục lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.