Theo các chuyên gia giáo dục, Chương trình Giáo dục Phổ thông mới mang tính đột phá khi cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa môn học, hướng nghiệp sớm.

Tự chọn môn học trên 3 cơ sở

Chị Vũ Thị Kim Anh (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, cháu lớn nhà chị học lớp 9, cháu bé học lớp 7, chỉ còn thời gian ngắn nữa là các con sẽ bước vào bậc học phổ thông trung học. Khi biết rằng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, các con sẽ được tự lựa chọn môn học, vợ chồng chị vừa mừng, vừa lo. Mừng vì các con có thể đi theo niềm đam mê của mình từ rất sớm nhưng lo hơn đó là sợ con “chưa đủ lớn” để đưa ra quyết định cho mình.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, ĐHQG Hà Nội cũng chia sẻ, bản thân ông cũng đang có con theo học THCS và ông cũng có nỗi lo lắng như bao phụ huynh khác.

{keywords}

GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, ĐHQG Hà Nội

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố là mô hình hay, đột phá khi cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa môn học, hướng nghiệp sớm.

Điểm đột phá này được kỳ vọng là “luồng gió mới” thay đổi nền giáo dục nước nhà, là “mệnh lệnh của thời đại”, khiến chúng ta bắt nhịp và hội nhập với xu thế Giáo dục Quốc tế hơn.

Vì thế, GS.TS Phạm Hồng Tung hi vọng, nếu chúng ta tích cực, chủ động hơn, thì thời gian bắt nhịp với cái mới sẽ ngắn hơn.

Được biết, tư tưởng giáo dục tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản (Tiểu học và THCS) và giai đoạn giáo dục phân hoá (THPT) đã có trong Nghị quyết 29/NQ- TW khoá XI về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Ở giai đoạn giáo dục phân hóa (THPT), việc phân hoá giáo dục sẽ dựa trên ba cơ sở.

Thứ nhất: Dựa vào thực tiễn khách quan mức độ năng lực, xu hướng năng lực của học sinh. Ở cấp này, có em thiên về khoa học xã hội, có em thiên về khoa học tự nhiên nhưng cũng có em thiên về năng lực nghệ thuật.

Thứ hai: Dựa trên sở nguyện của học sinh. Ở bậc THPT, có em thích con đường làm khoa học, có em thích đi khắp nơi, chu du thiên hạ, khám phá vùng đất mới, có em thích kiếm tiền, có em thích nghệ thuật, có em thích học nghề… các em có sở nguyện khác nhau sẽ lựa chọn hướng nghiệp khác nhau.

Thứ 3: Cơ sở khách quan nhất chính là thị trường việc làm. Các thị trường khác nhau đòi hỏi những nhóm năng lực khác nhau. Trước đây, nghề nghiệp chỉ có nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp thì hiện nay, thời đại công nghiệp 4.0 sẽ khiến thị trường việc làm biến đổi và có tính phân hoá cao. Chính vì thế, giai đoạn giáo dục phân hoá sẽ tạo cơ hội giúp các em đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

Số môn học giảm một nửa

Theo dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, các môn học bắt buộc gồm có: Toán - Văn - Ngoại ngữ - Giáo dục Công dân - Giáo dục Quốc phòng; còn các môn học khác được chia làm 3 nhóm môn học lựa chọn, bao gồm: Nhóm các môn Khoa học Tự nhiên, nhóm các môn Khoa học Xã hội và nhóm Năng khiếu (như hội hoạ, mỹ thuật…)

Theo đó, học sinh được chọn ít nhất 5 môn học. Với các nhóm môn học không thuộc sở trường, học sinh chỉ phải lựa chọn tham gia 1 môn học trong nhóm đó.

Chẳng hạn, một học sinh dự kiến theo đuổi nghề Y sẽ chọn học Toán, Hóa học, Sinh học; bên cạnh đó, có thể chọn thêm Ngoại ngữ, Mỹ thuật (vẽ, điêu khắc, thời trang,…) là những môn học sinh đó yêu thích hoặc có năng khiếu nhất định.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, theo giải pháp này, đối với mỗi học sinh, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa; các em vừa có điều kiện học sâu hơn, vừa có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, vừa có điều kiện phát triển một số năng lực khác.

{keywords}

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới

Ngoài ra, vì được chọn ít nhất 5 môn nên các em cũng có điều kiện chuyển sang định hướng khác, nếu thấy định hướng nghề nghiệp ban đầu chưa thật phù hợp với mình.

Cần có sự phối hợp của gia đình - nhà trường

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, quyền lựa chọn môn học của học sinh nên dựa trên cơ sở tham vấn của giáo viên, nhà trường và bạn bè và gia đình. Đặc biệt, vai trò của gia đình không hề nhỏ trong sự lựa chọn của các con. Gia đình phải nói chuyện với các con để cùng con tìm thiên hướng phù hợp nhất với con, làm sao để bắt kịp xã hội trong khả năng có thể nhất.

Đồng thời, Nhà trường phải có tổ chức chuyên nghiệp hoạt động tư vấn, lựa chọn, định hướng cho các con, giúp các con có lựa chọn duy lý, không lựa chọn cảm tính. Bởi nếu các con chọn theo cảm tính thì việc chọn lại sẽ vô cùng khó.

Về việc lựa chọn môn học, sẽ xảy ra tình trạng có năm các con chọn các môn tự nhiên nhiều và ngược lại nhưng điều đó hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, những môn học có ít học sinh lựa chọn sẽ khiến từ người viết chương trình đến người đứng lớp phải xem xét lại khả năng đáp ứng thị trường của môn học, khả năng truyền đạt của người đứng lớp… từ đó điều chỉnh cho hợp lí hơn.

Tóm lại, việc học sinh tự chọn môn học trong dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới với mục đích lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng tối đa sở nguyện của học sinh. Nhà trường và hệ thống giáo dục là người cung cấp các khả năng lựa chọn và phải lấy việc đáp ứng yêu cầu lựa chọn của học sinh làm mục đích hoạt động của mình.

Phương Thúy