Vài câu hát, dăm ba câu chuyện cho qua giờ buổi trưa.

Nghẹn lòng với bài hát sai lời của bé Tuyết Anh.

Kỳ nghỉ hè của 3 chị em Hoài Anh, Quỳnh Anh và Tuyết Anh đã khép lại, năm học mới bắt đầu. 3 chị em gái, đứa lớn nhất năm nay lên lớp 4, đứa thứ hai học lớp 3, đứa nhỏ nhất học lớp 2, cùng Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường 4, quận 5).     

{keywords}
Cứ buổi trưa, sau giờ tan trường, 3 đứa trẻ lại tụ tập dưới tán ô ngày trước ông ngoại dùng để bán hàng nước.

Những người buôn bán và người dân trong khu chợ Bầu Sen đã quen với hình ảnh 3 đứa trẻ gầy nhom, ngồi chơi dưới tán ô ở góc chợ. Nơi ấy, ông ngoại của chúng từng có quán nước nho nhỏ, nhưng nay thì vắng tanh, thiếu chủ, bàn ghế xếp lại một đống.

{keywords}
Lũ trẻ phải băng qua đường lớn nhiều xe cộ để vào hẻm nhỏ.

Sau hồi trống tan lớp lúc 11h giờ, 3 chị em Hoài Anh cùng vài đứa bạn dắt díu nhau băng qua đường Lê Hồng Phong để đi vào con hẻm quen thuộc. Các bạn về nhà hết, chỉ có 3 chị em ngồi dưới tán ô. Cô chị cả Hoài Anh  lớn nhất, quen nhiều bạn bè trong khu, đôi lúc để lại 2 em rồi đi tìm bạn trò chuyện cho đỡ buồn.

{keywords}
Quỳnh Anh và Tuyết Anh ngoan ngoãn ngồi chơi, trong khi chị cả không chịu ngồi một chỗ bao giờ.

Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn ngồi chờ người dì mang cơm hộp tới rồi tự giác ăn uống. Dì Tuyền là chị gái của mẹ chúng, dì đang làm thuê cho một quán cơm bình dân, lương một ngày được hơn 100 nghìn. Dì Tuyền cũng đang đi ở nhà thuê, một thân nuôi 2 cô con gái, vì vậy, sức nuôi con đã khó khăn, huống hồ gì cưu mang 3 đứa cháu.

Chị Tuyền chia sẻ: “Tội bọn trẻ lắm, nhưng tôi cũng không biết làm thế nào. Ngay cả tiền học phí của con gái cũng chưa trả được, mới đây còn phải tính đến chuyện bán máu để lo đủ tiền học cho con. Vì vậy, tôi chỉ có thể bỏ công giúp đỡ bọn trẻ một lát buổi trưa, chứ không giúp được gì về tài chính”.

Những đứa trẻ cứ nhí nhẩn chơi với nhau dưới tiết trời nắng gắt. Lúc lúc, Hoài Anh chạy đi một hồi rồi lại chạy về với các em. Sài Gòn bất chợt đổ cơn mưa lớn như trút nước. Những hạt mưa tạt vào khiến chỗ mấy đứa trẻ ngồi thu hẹp lại. Chúng chịu nắng mưa như vậy đã mấy ngày nay rồi.

Ban đầu, những đứa trẻ còn e ngại trò chuyện với người lạ, dần dần, chúng thân quen hơn, bắt đầu chủ động hỏi chuyện và hát hò. Chị cả Hoài Anh có phần ương ngạnh, khó tiếp xúc hơn 2 đứa nhỏ, nhưng con bé cũng là đứa ý tứ và luôn nhường nhịn người khác, kể cả người lớn tuổi hơn.

{keywords}
Chị cả Hoài Anh trong con hẻm nhỏ ở chợ Bầu Sen. Con bé khá nhạy cảm, không thích chụp ảnh.

Hỏi Hoài Anh về mơ ước nghề nghiệp trong tương lai, con bé tần ngần: “Con sắp không được đi học nữa. Làm gì có tiền mà đi học”. Vậy rồi, trẻ con cũng nhanh quên, tôi khen đôi tay bé đẹp, có thể chơi đàn hay gõ bàn phím, con bé mừng rỡ nhờ tôi xem… bói.

Một buổi trưa ngồi cùng lũ trẻ, tôi bắt gặp một vài người trong khu đôi lúc lại hỏi han, có người cho chúng 20 nghìn, có người gọi vào nhà cho tập vở, có người qua hỏi vài câu quan tâm. Chị Phượng, một người bán thịt gà lâu năm trong chợ, chứng kiến 3 chị em “víu” áo ông ngoại mà lớn lên đến bây giờ, cũng như sự hi sinh của ông ngoại khiến chị vô cùng xúc động. “3 đứa này khổ từ nhỏ rồi, nhưng ngày còn ông ngoại, ông cũng giúp đỡ được ít nhiều, chứ nay chúng khổ quá”.

Chẳng quan tâm  đến cái nhìn của mọi người, buổi trưa của 3 chị em toàn chuyện trên trời dưới biển, chuốc chốc lại thêm vào những bài hát, trò chơi, tiếng cười lớn của bé út. Rồi cũng đến giờ trở lại trường.

Những đứa trẻ hiểu chuyện, chẳng đòi hỏi bao giờ

 

Bà Tuyết thường xuyên dặn dò các cháu phải cẩn thận khi qua đường.

Bà Trần Thị Bạch Tuyết (bà nội của 3 bé gái) cho biết, từ ngày chuyển nhà xuống Long An, cách trường gần 25km, ngày nào, 3 chị em Hoài Anh cũng phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng.

Sau khi vệ sinh cá nhân và ăn sáng, khoảng 5 rưỡi, ông nội chở 3 cháu nhỏ đi đến trường. Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, đi quãng đường hơn 1 giờ đồng hồ, ông Phú cứ nơm nớp lo cháu ngủ gật rơi khỏi xe thì nguy. Nhiều hôm lo lắng cho cháu, bà Tuyết lại cùng chồng đưa các cháu đi học. Cả 5 người ngôi trên chiếc xe máy “cà tàng” do ông ngoại lũ trẻ để lại.

{keywords}
Chiếc xe ông ngoại để lại thường xuyên bị hỏng, ông bà phải mượn xe đưa cháu đi học cho kịp giờ. 

Bà Tuyết kể, ngày còn ông ngoại, cứ đến giờ 11 giờ, 3 đứa trẻ được đón về ngôi nhà ông đang ở nhờ của họ hàng, trong chợ Bầu Sen, cách trường vài trăm mét. Ông ngoại cũng là người dân khu này, một cán bộ hưu trí, nhưng không có nhà, phải ở nhờ. Ông đã đi “chạy vạy” khắp nơi để tìm cách cho mấy đứa cháu được học hành tử tế. Hàng xóm thấy gia đình ông khó khăn, dăm ba ngày lại cho ít đồ ăn, đồ dùng. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ bằng những suất học bổng, những bộ sách giáo khoa mới.

Trước đây, khi ông ngoại còn sống, điều kiện ông khá hơn vì có tiền lương hưu, cùng với quầy nước nho nhỏ trong chợ Bầu Sen, ông ngoại nhận sẽ trả chi phí học hành cho 2 đứa, ông bà nội chịu đóng tiền cho 1 đứa. Ấy vậy mà giờ ông ngoại đi rồi”, bà Tuyết bùi ngùi.

Vợ chồng bà Tuyết trước đây cũng từng buôn bán, có thêm chút thu nhập, nhưng ngày ấy, ông bà phải cáng đáng thêm 2 đứa cháu nội của người con trai cả đã mất, và 1 đứa cháu ngoại. Vì vậy, bao nhiêu tiền làm ra cũng hết sạch. Ba của lũ trẻ không có việc làm ổn định, đi bốc vác trong chợ đầu mối, hôm nào nhiều việc thì làm nhiều, có những hôm không có việc là không có thu nhập.

Ngày bé út được 2 tuổi, mẹ chúng bỏ đi lấy chồng khác, những đứa trẻ bỗng chốc thiếu vắng tình thương của mẹ. Nhưng chúng chẳng trách mẹ bao giờ. Chỉ có bé út, trên đường đi học về bất chợt nói với ông bà nội: “Ước gì ba mẹ con đừng bỏ nhau, để chúng con có cả ba và mẹ”.

Ông Trương Văn Phú đã 63 tuổi, mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng ngày ngày vẫn đưa đón các cháu đi học. Ông còn tranh thủ nhận quét rửa chuồng vịt cho người ta, thu nhập vài chục nghìn, cũng đủ tiền một bữa ăn cho gia đình. Còn bà Tuyết có bệnh về xương, đôi tay bị teo chỉ đủ khả năng làm việc nhà và chăm sóc các cháu.

Cứ cách vài ba ngày, sau khi chở các cháu đi học, trên đường về nhà, ông bà lại rẽ qua chợ đầu mối Bình Điền, lượm nhặt những rau củ quả người ta bỏ đi. Về nhà, bà Tuyết gạt bỏ phần hư nát, nấu những bữa ăn cho cả gia đình. “Bọn nhỏ ít ăn canh rau lắm. Chúng thích nhất là món khoai tây chiên, mà ngoài hàng bán đắt lắm. Cứ mỗi lần lượm được về chiên là mấy đứa nhỏ vui ra mặt”, bà Tuyết chia sẻ.

{keywords}
Mỗi ngày, ba của lũ trẻ đưa cho bà 100 nghìn để lo tiền ăn uống và sinh hoạt.Hôm nào 3 chị em không kịp ăn sáng ở nhà, bà lại cho vài nghìn đồng để ăn lót dạ.

Những đứa trẻ rất ngoan và hiểu chuyện, chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì. Những bộ đồng phục chúng đang mặc là được các anh chị lớp lớn hơn tặng lại. Những đôi giày, dép chúng đang đi là được bà nội mua ở hàng bán đồ thanh lý, mang về giặt giũ sạch sẽ cho mới.

Bà Tuyết cho biết, ước nguyện lớn nhất của ông bà hiện tại là các cháu gái có điều kiện ở bán trú, được ăn uống và nghỉ ngơi trong trường. “Nhiều người gợi ý chuyển các cháu về gần nhà bây giờ cho tiện đi lại, tuy nhiên, dưới đó chúng tôi cũng chỉ là ở thuê, đâu có gì chắc chắn để chuyển các cháu về. Ông bà chịu khó ngày ngày đưa đón, đến đâu hay đến đó, chứ để chúng nghỉ học bây giờ thì không được, chúng đang quá nhỏ”.

Bà Phùng Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, hoàn cảnh của gia đình 3 học sinh đã được quan tâm từ những năm trước. Các con đều chăm ngoan, học giỏi. Sau khi ông ngoại mất, gia đình càng khó khăn hơn. Hiện tại bà Thúy đã viết đơn đề nghị lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5. Bà hy vọng với sự giúp đỡ của chính quyền, nhà trường, gia đình và cộng đồng, lũ trẻ có thể đảm bảo được sức khỏe để học tập tốt hơn.

Khánh Hòa (Ảnh, clip: Khánh Hòa)

TP.HCM công bố các khoản thu thỏa thuận ngoài học phí

TP.HCM công bố các khoản thu thỏa thuận ngoài học phí

- Sở GD-ĐT TP.HCM công bố mức thu các khoản thỏa thuận và quy định đầu năm học mới.