Đang khấp khởi mừng vì vốn tiếng Anh của cậu con trai vừa vào lớp 3 kha khá nhờ các giáo trình trường cho làm quen trước đó, anh Tuấn ngớ người khi giở cuốn sách giáo khoa lớp 3 và lo ngại con sẽ phải “nhai lại” kiến thức.

{keywords}

Nhiều phụ huynh lo lắng việc trước nay cho các con học giáo trình làm quen tiếng Anh sẽ khiến các con nhàm chán khi phải học lại những kiến thức đó ở sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: internet). 

Hầu hết các trường tiểu học ở thành phố Hà Nội đều cho học sinh làm quen với Tiếng Anh từ lớp 1 với các giáo trình khác nhau như: Family and Friend, Let's go,... Kết quả cho thấy, sau 2 năm (lớp 1 và 2), nhiều em học sinh đã đạt được một trình độ nhất định.

Có con trai vừa bước vào lớp 3 Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Trường con tôi học là trường chất lượng cao nên trình độ tiếng Anh của các con sau lớp 2 đã kha khá. Thậm chí không chỉ dừng lại ở mấy câu “Hello, my name is…” hay “How are you?” nữa”.

Tuy nhiên, cũng vì điều này mà anh Tuấn đã thực sự cảm thấy sốc lật giở xem nội dung cuốn sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 3 theo chương trình phổ cập đại trà mà năm nay con anh sẽ được học. Bởi theo anh Tuấn, sau hai năm học các giáo trình làm quen, với những nội dung như trong sách giáo khoa thì chẳng khác gì con anh sẽ phải “nhai lại” kiến thức.

Điều khiến anh lo ngại nhất là việc học lại những nội dung đã được học sẽ khiến con chán nản. Thậm chí còn có thể làm giảm sút năng lực học và sự ham hiểu biết của con. Chưa kể ảnh hưởng đến tinh thần chung với các môn học khác.

“Tôi nghĩ Sở GD-ĐT Hà Nội phải có chỉ đạo rõ về việc chọn giáo trình và sách giáo khoa cho các trường tiểu học trên địa bàn bởi đây thực sự là một điều bất cập”, anh Tuấn bức xúc.

Theo anh Tuấn, không chỉ riêng anh mà nhiều bạn bè anh có con nhỏ đang theo học ở các trường trên địa bàn Hà Nội cũng phàn nàn về việc này. Nhiều phụ huynh băn khoăn vậy trước nay cho các con học giáo trình làm quen là vô ích?

Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, chương trình làm quen tiếng Anh đối với lớp 1, lớp 2 tại cấp Tiểu học được triển khai nhằm mục đích giúp học sinh làm quen với môn học Tiếng Anh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, giúp học sinh không bị bỡ ngỡ khi bắt đầu một môn học mới và hoàn toàn không bắt buộc. Lên lớp 3, học sinh bắt đầu học khung chương trình tiếng Anh của Bộ GDĐT.

“Việc hiểu dễ và nhàm chán do có cái nhìn và đánh giá chưa khách quan và toàn diện khi mới chỉ nhận định ở một, hai bài đầu ở SGK Tiếng Anh 3 đại trà. Những bài tiếp theo, theo trật tự logic, nguyên tắc và chương trình biên soạn sẽ hấp dẫn và độ khó nâng dần đều, đòi hỏi người dạy và người học phải theo lộ trình”, ông Tiến nói.

Sẽ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam

Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam là 1 nội dung đáng chú ý trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ năm học 2016-2017 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra.

Theo ông Tiến, chương trình của Bộ GD-ĐT là chính quy hệ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 lên đến lớp 12, học sinh coi như bắt đầu học từ lớp 3 đại trà chưa biết tiếng Anh. Trong khi đó, chương trình làm quen ở lớp 1, lớp 2, bổ trợ giúp học sinh hình thành, phát triển về mặt phát âm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng từ trong giao tiếp và hình thành sự tự tin, tự nhiên cho trẻ trong giao tiếp.

Do đó, không tránh khỏi một số kiến thức học sinh đã được học tại chương trình làm quen, bổ trợ được lặp lại tại chương trình của Bộ GD-ĐT. “Song đây sẽ là một ưu điểm khi học tiếng Anh vì đặc thù của môn học này là học sinh cần được luyện tập nhiều lần để ghi nhớ và áp dụng một cách thuần thục trong các ngữ cảnh đơn giản ở lớp 1, 2 trước rồi từ đó sẽ được phát triển ở cấp độ cao hơn ở các lớp 3,4, 5”, ông Tiến phân tích.

Ngoài ra, theo ông Tiến, học sinh đã được học chương trình làm quen, bổ trợ tiếng Anh từ lớp 1, 2 thì khi lên lớp 3, giáo viên có thể tận dụng điều này để có thể mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh, dựa trên những kiến thức trong SGK. Như vậy, vừa được đảm bảo nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT đồng thời cũng nâng cao, phát triển giao tiếp, hội thoại, phát âm chuẩn, đúng trọng âm từ, câu,… của học sinh.

Về việc phụ huynh băn khoăn về nội dung sách giáo khoa tiếng Anh, ông Tiến cho hay bộ sách được biên soạn, thẩm định, xây dựng theo chương trình 10 năm, liên thông lên cấp THCS, THPT. Đây là bộ sách đảm bảo đủ các tiêu chí theo TT 31 của Bộ GD-ĐT về điều kiện tiên quyết, mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học, kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, thiết kế, cầu trúc và các nguồn học liệu đi kèm gồm cứng và mềm (bài kiểm tra đánh giá, bài giảng mẫu của chuyên gia nước ngoài đặc thù cho chuyên môn phương pháp kỹ năng nghiệp vụ dạy tiếng Anh tiểu học).

Thanh Hùng