Không có cầu nên mọi hoạt động giao thương, di chuyển của cả ngàn người dân và học sinh nơi đây chông chênh trên những chuyến đò ngang. Người trong thôn đi lần nào trả tiền lần đó, còn học sinh thì đến mùa trả cho bác lái đò 2 yến thóc mỗi em…

Chông chênh trên những chuyến đò

Là một trong những địa phương nghèo nhất Quảng Bình, thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch có gần 300 hộ dân với hơn 1200 nhân khẩu, người dân nơi đây sống gần như biệt lập với các vùng lân cận do cách trở sông nước. Hằng ngày, để qua lại, thông thương với bên ngoài, người dân phải đi lại trên những chuyến đò ngang hết sức nguy hiểm. 

{keywords}

Hằng ngày, hàng ngàn người dân phải qua sông trên những chuyến đò ngang

Thôn Trằm Mé có một điểm trường tiểu học và mầm non. Hằng ngày, 25 em học sinh cấp 3 và 75 em học sinh cấp 2 phải vượt sông bằng con đò gỗ chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn để đến trường.

Để đi học đầy đủ, các em phải dậy rất sớm để đợi đò vì sau khi sang sông, học sinh cấp 2 phải đi thêm 7km còn cấp 3 phải đi thêm 10km nữa. 

Ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn Trằm Mé cho biết: “Mỗi năm, 100 em học sinh ở đây phải trả cho bác lái đó mỗi em 2 yến thóc". 

Trước đây, các em đến trường bằng xe đạp, tình trạng muộn giờ và bỏ tiết xảy ra thường xuyên. Từ khi có xe đưa đón học sinh thì những em nhà có điều kiện đã được bố mẹ đóng tiền 3 triệu đồng/năm để đi xe, còn nhiều em gia đình không có điều kiện thì vẫn phải đi xe đạp.

{keywords}

Mỗi em học sinh cuối năm trả 2 yến thóc cho người lái đò

Mùa nắng còn đỡ, chứ đến mùa mưa lũ, khi mực nước dâng từ 1m trở lên, thì cả thôn bị cô lập với bên ngoài do đò không sang được. Các em học sinh cũng phải nghỉ học cả tuần liền. 

Phần vì đi lại khó khăn, nghỉ học nhiều, các em không theo kịp các bạn nên tính trung bình mỗi năm cũng có hơn một nửa số học sinh tốt nghiệp cấp 2 xong rồi nghỉ học đi làm thuê chứ không tiếp tục học lên cấp 3.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi)và ông Phan Xuân Thẩm (60 tuổi) được thôn kí hợp đồng để chèo đò đã 8 năm nay. “Mỗi ngày chúng tôi bắt đầu chèo đò lúc 5h30 sáng và nghỉ vào lúc 19h tối. Mỗi lượt người qua lại chúng tôi thu 2 ngàn đồng, còn xe máy thì 4 ngàn đồng. Ngoài giờ đò chạy, nếu trong thôn ai có việc gấp chúng tôi vẫn chèo và lấy thêm ít tiền” - bà Liên cho hay.

Em Nguyễn Thị Lệ Quyên, học sinh lớp 6B Trường THCS Sơn Trạch cho biết: “Nhà em có ba anh em đi học, em út học tiểu học gần nhà, anh lớn học cấp 3 xa nhất nên được ưu tiên đi xe buýt, còn em đi xe đạp với các bạn. Học buổi chiều nhưng 11h trưa chúng em đã rủ nhau đi vì sợ muộn giờ. Chiều 5h tan học nhưng cũng hơn 6h chúng em mới về đến nhà do đường xa và phải chờ đò".

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Quyên và các bạn đã phải nghỉ học 4 đợt, mỗi đợt gần cả tuần nên rất nhiều em đã không theo kịp chương trình học.

{keywords}

Mỗi lượt người đi lại bác lái đò thu 2 ngàn đồng, có xe máy thì 4 ngàn

Không những khó khăn về việc học tập của các cháu, đi lại của người dân mà những lúc đau ốm, sinh đẻ giữa đêm của phụ nữ cũng gặp nguy hiểm. 

Nhớ lại lần vượt cạn trên đò, chị Trần Thị Hằng vẫn thấy sợ: “Chuyện cách đây đã 10 năm, nửa đêm hôm đó tôi đau bụng dữ dội, gia đình đi gọi đò để đưa sang sông xuống trạm y tế, đợi đò hơn 20 phút và phải mất thêm 10 phút mới qua được sông, lúc đò còn giữa sông thì tôi đã sinh ngay trên đò”. Không chỉ chị Hằng, trường hợp của chị Nguyễn Thị Huế cũng tương tự...

Ở đây, muốn làm một ngôi nhà kiên cố cũng phải chuẩn bị gấp đôi những gia đình ở bên kia sông. Vì vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng… phải mua từ các đại lí, chở về tập kết tại bến rồi mới thuê đò chở qua, chi phí vì thế cũng dội lên rất nhiều. 

Từ bao đời nay, hàng ngàn người dân thôn Trằm Mé mong chờ một cây cầu bắc qua sông để thôi không còn cách trở.

Hải Sâm