Viết “status” là công việc hằng ngày của hơn 1,8 triệu người dùng Facebook. Mặc dù những “status” trên Facebook có thể nhận được rất nhiều lượt “like”,  nhưng ít người gọi đó là văn chương.

Tuy vậy, mới đây, ĐH Delhi (Ấn Độ) đã quyết định đưa khóa học “Viết status Facebook” vào chương trình học của khoa Văn học Anh.

Trong khóa học này, sinh viên có thể được dạy cách viết blog hay một lá thư xin việc.

{keywords}

ĐH Delhi là một trong số những trường đại học hàng đầu của Ấn Độ, từng đào tạo những sinh viên xuất sắc như Thủ tướng Narendra Modi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi.

Dự thảo nội dung khóa học này hiện đang được xem xét bởi các giáo sư của trường.

Giáo sư Christel Devadawson – chủ nhiệm khoa Văn học Anh của trường này – cho biết những bài viết trên Facebook sẽ là một phần trong Khóa học nâng cao kỹ năng – một mô-đun phi học thuật được thiết kế để dạy các kỹ năng nghề nghiệp.

Tờ Hundustan Times ghi nhận rằng, ở Ấn Độ, mạng xã hội có thể đưa một nhà văn hoặc một nghệ sĩ trở nên nổi tiếng, giúp họ tiếp cận được một lượng độc giả lớn hơn, thậm chí là tìm được một nhà xuất bản để in sách của mình.

Vì thế, nghệ thuật lan truyền thực sự là một kỹ năng cần thiết cho các sinh viên khoa văn học ngày nay.

Một quan chức cấp cao của ĐH Delhi chia sẻ: “Viết văn không nhất thiết phải là những cuốn sách hư cấu dày cộp hay những tiểu thuyết khoa học giả tưởng kịch tính”.

ĐH Delhi là trường đại học đầu tiên tiếp cận Facebook bằng con mắt học thuật.

ĐH Salford của Anh hiện đã có chương trình Thạc sĩ về mạng xã hội từ năm 2009. Những người chủ biên khóa học này cho biết nó được thiết kế để đào tạo ra những nhà tư tưởng chiến lược và các chuyên gia PR.

Nguyễn Thảo (Theo BBC)