Lưu học sinh Campuchia: “Ở Việt Nam em cảm thấy được an toàn”

Ở ký túc xá Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Pheng Phanit được đo thân nhiệt và kiểm tra sức khoẻ 2 lần mỗi ngày.

Pheng Phanit, 22 tuổi, là du học sinh tới từ tỉnh Kampong Cham, Campuchia. 2 năm học tập tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, công việc hàng ngày của Pheng Phanit là đến trường, hết giờ lại về phòng nghiên cứu bài vở.

Sau thời gian về thăm nhà vào đầu tháng 1, lẽ ra những sinh viên như cậu đang phải bước vào việc học tập cho học kỳ mới. Thế nhưng, sau khi Việt Nam xuất hiện 16 ca nhiễm Covid-19, nhà trường đã hoãn việc quay trở lại trường của sinh viên.

{keywords}

Thời gian rảnh, Pheng Phanit lại gọi điện cho người thân và bạn bè thông báo tình hình

Vì dịch bệnh, Pheng Phanit ngừng việc đi ăn ở bên ngoài. Thay vì đến nhà ăn của ký túc xá trường, cậu lựa chọn mua đồ rồi mang về phòng. 

Bạn cùng phòng với Pheng Phanit vừa sang Việt Nam được 2 ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi nhận được thông báo của nhà trường cho nghỉ học đã xách va li về nước.

“Tuy nhiên em không muốn tốn quá nhiều tiền đi lại do mới sang Việt Nam từ đầu tháng 1".

Đóng cửa phòng, chàng trai 22 tuổi ngồi xuống giường, mở điện thoại lên để xem phim giết thời gian.

Trường học liên tục kéo dài thời gian quay trở lại lớp; ký túc xá đặc biệt kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi xuất hiện “bệnh nhân 17”.

Pheng Phanit cho biết, cậu luôn tự tuân thủ theo mọi khuyến cáo của WHO, thường xuyên cập nhật tin tức dịch bệnh ở Việt Nam như số ca nhiễm mới, số ca được chữa khỏi.

Pheng Phanit cho biết, hiện ở Việt Nam, em cảm thấy được an toàn. “Trạm Y tế của trường luôn bố trí trực 24/24 ngay gần cổng vào ký túc xá. Ngoài ra, sinh viên được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ ngày. Cho nên, em nghĩ cũng không cần quá lo lắng”.

Năm nay, Tết cổ truyền của Campuchia rơi vào ngày 14-16/4. Mọi năm, Pheng Phanit thường không về được vì vào dịp Tết của Campuchia, cậu vẫn phải đi học bình thường. 

“Lần này được nghỉ dài, em dự định sẽ về quê ăn Tết, nhưng cũng phải xem tình hình dịch bệnh như thế nào đã. Em vẫn đang đắn đo, tuy nhiên nếu về cần phải đặt vé trước thì mới có thể săn được vé giá rẻ”.

{keywords}

Noun Chakriya và Loeub Sreyleak, 2 du học sinh Campuchia

Cùng với Pheng Phanit, cả Noun Chakriya và Loeub Sreyleak, 2 du học sinh Campuchia khác, cũng lựa chọn ở lại ký túc xá của trường thay vì về nước. Noun Chakriya cho rằng, điều này sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm bệnh khi di chuyển tại sân bay.

Những ngày này ra ngoài, cả hai đều không quên đeo khẩu trang. Nhưng cũng phải rất hiếm, Noun Chakriya và Loeub Sreyleak mới bước chân ra khỏi phòng.

“Ký túc xá cũng khuyến cáo sinh viên không nên đi ra ngoài”, Noun Chakriya cho biết. Kể cả nói chuyện với những phòng xung quanh, cả hai cũng hạn chế tối đa.

24/24 giờ ở trong phòng, cho nên Noun Chakriya và Loeub Sreyleak lựa chọn nấu ăn tại nhà.

“Cũng không có gì quá khó khăn vì nếu không có dịch, chúng em vẫn thường tự nấu cơm. Đồ ăn Việt không hợp với em lắm vì hơi nhạt. Chỉ khoảng mỗi tuần một lần, chúng em mới ‘tự thưởng’ cho mình một bữa ăn ngoài”, Loeub Sreyleak kể.

Những ngày này, cả hai vẫn ăn đồ dự trữ từ quê mang sang. Bữa cơm thường có củ cải trắng muối ngọt và thịt hầm chua.

{keywords}

Noun Chakriya rất hiếm khi ra khỏi phòng kể từ khi dịch bệnh

Hơn 10 ngày ở trong phòng, Noun Chakriya ra ngoài duy nhất một lần để mua “chút đồ con gái”. Xem hết phim, cô lại đọc sách, học online, đến bữa thì ăn cơm. Công việc buổi chiều và tối lặp lại như buổi sáng. 

Thi thoảng, cả hai rủ nhau cùng tập thể dục trong phòng, gọi điện cho bạn bè, người thân thông báo tình hình.

Noun Chakriya cho biết, sau hơn 1 tháng về quê đón Tết Nguyên đán, nghe tin 16 người Việt nhiễm Covid-19 đã kiểm soát được, Noun Chakriya yên tâm đặt vé sang Việt Nam để tiếp tục chương trình học.

Ký túc xá kiểm soát nghiêm ngặt

Hiện tại ký túc xá Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có khoảng 600/2.000 sinh viên đăng ký ở lại. Trong số đó có 7 du học sinh Campuchia và 1 du học sinh người Lào, còn lại là sinh viên Việt Nam.

Ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, hiện ký túc xá của trường đang được kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Tất cả sinh viên khi ra khỏi ký túc xá sẽ phải khai báo đầy đủ lịch trình đi lại và quá trình tiếp xúc theo yêu cầu của nhân viên trực nhà.

“Chúng tôi cũng đưa ra khuyến nghị các em nên ra khỏi phòng và ký túc xá ít nhất có thể, không nên đi làm thêm, không cho người ngoài vào phòng. Bên cạnh đó, khi có việc ra ngoài, các sinh viên buộc phải đeo khẩu trang và sử dụng nước sát khuẩn thường xuyên”, ông Tuấn cho biết.

{keywords}

Loeub Sreyleak lựa chọn ở lại ký túc xá của trường

Lựa chọn ở lại Hà Nội khi bạn bè đã về quê tránh dịch gần hết, Ngọc Mai (sinh viên năm 3 Khoa Luật, quê Thanh Hoá) cho biết: “Em ra đây đi làm thêm ngay sau Tết Nguyên đán và tiếp xúc với khá nhiều người. Vì thế, em không muốn quay về nhà thời điểm này, có thể việc di chuyển sẽ khiến bố mẹ, em của em và thậm chí là hàng xóm cảm thấy không yên tâm".

Cũng vì dịch bệnh, Mai chủ động xin rút ngắn thời gian làm thêm xuống còn 4 tiếng/ngày và làm online tại nhà.

“Công việc của em là trả lời tin nhắn của khách khi mua quần áo tại shop. Tuy nhiên, nếu làm tại nhà thì lương của em sẽ bị giảm xuống còn 7.000 đồng/ giờ. Nhưng điều đó cũng không sao vì quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo sức khoẻ cho bản thân”. 

Điện thoại của Mai những ngày này liên tục nhận được khuyến cáo từ Bộ Y tế như phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tụ tập nơi đông người. 

Vì thế một mình ở trong phòng ký túc xá dù buồn nhưng Mai cũng không giao tiếp hay nói chuyện với các bạn phòng xung quanh.

“Em cảm thấy yên tâm hơn khi ở đây vì ban quản lý có nhiều biện pháp giúp bọn em phòng tránh dịch bệnh nghiêm ngặt như phát cồn, khẩu trang miễn phí. Khi đi ra ngoài, bọn em cũng phải có giấy khai báo nơi đến và đi. Ngoài ra bọn em còn được kiểm tra sức khỏe hàng ngày”.

Hiện Mai đang tự cách ly mình trong phòng trọ. “Nếu sau mấy ngày nữa không có dấu hiệu của sốt và trường vẫn cho học online thì em sẽ quay trở về nhà”, Mai nói.

Thúy Nga

Những giờ học chưa từng có của thầy trò trường Bách khoa thời Covid-19

Những giờ học chưa từng có của thầy trò trường Bách khoa thời Covid-19

Buổi chiều, thay vì lên giảng đường, thầy  Phương vội rảo bước tới phòng làm việc của mình tại tầng 7, bật webcam và mic rồi... "điểm danh bất ngờ".