LTS: Chuyện học sinh nói tục, chửi bậy dường như đã là ‘"chuyện thường ngày" và không còn quá xa lạ với giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, mới đây, các phụ huynh lại một lần nữa xôn xao khi một nhóm học sinh lớp 5 sử dụng những ngôn từ tục tĩu ‘không thể tưởng tượng nổi’ khi nói chuyện trong một nhóm học thêm trên mạng xã hội. 

Một phụ huynh cho hay "biết học sinh nói tục chửi bậy vô cùng nhiều, nhưng mới lớp 5 mà đã ăn nói như thế thì quá kinh khủng". Tuy nhiên, cũng có phụ huynh cho rằng đã "chào thua" và coi đây là chuyện bình thường.

Chúng tôi xin đăng tải ý kiến của một bạn đọc về vấn đề này.

***************

“Các con tôi có bản sắc riêng và tôi cần tôn trọng cá tính cũng như những điều chúng muốn làm, thậm chí khi chúng muốn chửi bậy. Tôi có đi theo chúng suốt đời để đảm bảo chúng không bao giờ nói một câu tục tĩu hay không?”

Trong một lần đến thăm gia đình người quen tại khu đô thị ở Hà Nội, tôi bắt gặp một cảnh tréo ngoe. Anh chồng, từng du học nhiều năm, giờ làm Giám đốc quỹ đầu tư tài chính cao cấp ở Việt Nam, đang nằm say rượu trên ghế sofa. Nhà có khách đến chơi, trẻ con của hai gia đình nô đùa trên thảm, nhưng ông vẫn nằm cỏng queo trên ghế, vừa tiếp khách vừa chửi giúp việc cho đến vợ con bằng những từ ngữ tục tĩu và xúc phạm khiến người nghe phải nổi gai ốc vì sợ.

Chị vợ vốn là đồng nghiệp cũ của tôi xấu hổ đến lặng người và chỉ biết cười trừ phân bua: “Ông bị say rượu nên nói năng không kiểm soát”.

Vài tháng sau, khi các gia đình gặp nhau ở một bữa tiệc sinh nhật, chúng tôi có hài hước nhắc lại chuyện bạn chửi bậy trước mặt khách khứa và trẻ con khi say rượu, nhưng người chồng đã nghiêm túc chia sẻ coi việc con cái hấp thụ phong cách “chửi thề” là một điều bình thường trong quá trình trưởng thành và anh không hề có ý định ngăn chặn quy luật tất nhiên này.

Anh giải thích: “Nhiều năm học tập và sinh sống ở các nước phương Tây, điều khiến tôi khâm phục nhất chính là văn hoá tôn trọng danh tính, bản sắc cá nhân của các quốc gia này.

Cha mẹ không phải là kẻ uy quyền áp đặt, nhào nặn con cái, mà đơn giản chỉ là người đồng hành – người bạn trong cuộc đời con. Chính vì vậy, tôi học được cách tôn trọng con theo nguyên tắc “những việc con nghĩ gì, muốn làm gì, thích làm gì ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả việc cha mẹ muốn gì hay nghĩ gì.”

Tôi cho phép con chửi thề, nếu đó là cách chúng thể hiện bản sắc cá nhân của mình. Tôi đã từng trải qua những năm tháng trên ghế nhà trường, đã từng chửi bậy – nói tục, đánh lộn… như hàng triệu đứa trẻ khác trên thế giới này.

Chửi bậy hay đánh lộn thực chất là một cách giải toả những cảm xúc tiêu cực như tức giận, xấu hổ, lo lắng. Đặc biệt, trong bối cảnh học sinh đang gặp phải rất nhiều những nhân tố kích động như áp lực học hành, quan hệ gia đình khủng hoảng, mặt trái mạng xã hội… như hiện nay. Vậy thì, một vài câu chửi thề nếu giúp các con giải toả bức bối thì cũng đáng chứ?

Một khía cạnh khác, các con tôi đang trong quá trình chuyển đổi từ thế giới trẻ con sang “người lớn” với những ẩm ương, thất thường về tâm lý. Chửi thề là một cách để con thể hiện cái “tôi” “ danh tính” “bản sắc” “uy quyền” của mình với bạn bè, chứng minh mình không lạc đàn với số đông.

Nếu nhìn theo góc độ tâm lý trên, tôi sẽ bao dung và mềm mỏng hơn trong cách chỉnh đốn con giữa ranh giới của việc chửi thề như thói quen với chửi thề theo nghĩa xúc phạm, làm tổn thương người khác.

Tôi không thể theo con cả đời để đảm bảo con sẽ thuần khiết, trong sáng giữa một thế giới đang thay đổi như vũ bão với sự tác động của công nghệ, mạng xã hội. Vì thế, tôi chấp nhận để con nói tục theo nghĩa đó là một quy luật tự nhiên trong quá trình trưởng thành.

Trách nhiệm của tôi là đặt ra các quy tắc - luật lệ để không biến chửi thề thành công cụ cho con bạo hành và tấn công cảm xúc của người khác khiến họ tổn thương, đau khổ. Ví dụ, tôi dạy con trước khi phê phán người khác thì con phải nghĩ mình đang ở hoàn cảnh tốt hơn họ rất nhiều. Hoặc là, con kiểm soát cơn giận của mình bằng những bài tập thở ở bụng.

Trên tất cả, tôi dạy con những hành xử có đạo đức - văn hoá, biết tôn trọng đồng loại, nhìn nhận đánh giá bản thân dựa trên phẩm chất và tính cách, chứ không dựa vào việc thể hiện “quyền uy” hay “cái tôi” qua việc nói tục chửi bậy.”

Bảo Châu (Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Làm thế nào để học sinh có cách ăn nói, ứng xử đẹp trong môi trường học đường, trên mạng xã hội và trong cuộc sống nói chung? Hãy gửi cho chúng tôi ý kiến bằng cách viết vào phần bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ mail: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những ý kiến phù hợp sẽ được biên tập và đăng tải. Trân trọng cảm ơn.
Phụ huynh 'chia rẽ' trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ

Phụ huynh 'chia rẽ' trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ

Trong khi nhiều người cho rằng điện thoại thông minh là công cụ hữu hiệu giúp học trò mở rộng kiến thức ngoài sách vở, không ít phụ huynh lại lo lắng, ranh giới giữa game và tra cứu thông tin học tập chỉ cách nhau một cú ấn nút.