Một ngôi trường hai tầng với tám phòng học được xây dựng kiên cố, khang trang tại thôn vùng sâu Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nhưng sau khi xây dựng xong lại bỏ không, cửa khóa im ỉm từ tháng 10/2016 đến nay. Trong khi đó, con em đồng bào các dân tộc ở đây khi học lên THCS phải đạp xe ra tận trung tâm xã cách xa hơn 10 km để học. Vì vậy, mỗi năm có hàng chục em học sinh bỏ học giữa chừng. Một trong những nguyên nhân khiến ngôi trường này bỏ không là không có giáo viên để dạy.

Từ trung tâm xã Cư Pui, chúng tôi lần theo con đường bê-tông nhỏ ngoằn ngoèo vượt qua một con sông và nhiều đồi dốc, vườn cà-phê của nông dân dẫn vào thôn Ea Lang. Đây là vùng dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc “nhảy dù” vào nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình làm nhà định cư trên các sườn đồi để phá rừng lấy đất sản xuất.

{keywords}
Ngôi trường được xây dựng trên một bãi đất trống, còn các hạng mục khác như nhà hiệu bộ, công trình vệ sinh, tường rào chưa được xây dựng nên chưa đưa vào sử dụng

Trao đổi với chúng tôi giữa buổi trưa nắng gắt, ông Hoàng Trung Tiến, Trưởng thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết toàn thôn hiện có 127 hộ, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh miền núi phía bắc di cư tự do vào đây sinh sống. Nếu tính cả năm thôn còn lại là thôn Ea Uông, Cư Rang, Cư Te, Ea Rớt, Ea Bar thì toàn khu vực này có khoảng gần 1.000 hộ dân với khoảng sáu nghìn khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

"Vì vậy, sau khi nghe huyện thông báo sẽ xây dựng ngôi trường THCS trên địa bàn thôn Ea Lang để giảm tải học sinh cho trường THCS Cư Pui và tạo điều kiện thuận lợi cho con em sáu thôn phía bắc sông Krông Bông đi học thuận lợi, người dân chúng tôi hết sức vui mừng. Bởi trong nhiều năm qua, con em trong vùng khi học lên THCS phải đạp xe ra trung tâm xã Cư Pui cách xa hơn 10 km mới có trường để học. Do giao thông đi lại khó khăn, cách trở, đường vắng, nhất là vào mùa mưa lũ nguy hiểm đến tính mạng khiến nhiều cháu phải bỏ học giữa chừng".

{keywords}
Các phòng học của ngôi trường bị khóa cửa im ỉm hơn một năm qua

Để ngôi trường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khi huyện có chủ trương, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân ở sáu thôn đã nhanh chóng đóng góp hơn 240 triệu đồng mua sáu sào đất và san ủi mặt bằng để huyện đầu tư xây dựng ngôi trường.

Sau một thời gian thi công, vào tháng 10/2016, một ngôi trường hai tầng với tám phòng học được xây dựng kiên cố, khang trang hình thành ngay giữa khu dân cư. Hằng ngày đi qua đây, nhìn ngôi trường mới, người dân nơi đây ai cũng nức lòng vì từ nay con em mình có nơi học khang trang, không phải đi xa như lâu nay nữa.

{keywords}
Cầu thang ngôi trường lâu ngày không sử dụng và không ai quét dọn để rác, bụi, đất bám dơ bẩn

Thế nhưng, kể từ khi ngôi trường xây xong đến nay thì khóa cửa để không, còn các em học sinh hằng ngày vẫn phải đạp xe hoặc được phụ huynh chở ra tận ngôi Trường THCS Cư Pui ở trung tâm xã cách xa hơn 10 km để học, một số gia đình có điều kiện khá hơn thì cho con ở trọ lại để học.

Ông Hoàng Văn Quả, người dân trong thôn Ea Lang, xã Cư Pui chia sẻ: “Hầu hết người dân trong vùng là đồng bào các DTTS như: Tày, Nùng, Dao, Mông... di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào nên đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình không có tiền mua sách vở, mua xe đạp cho con đến trường và cũng không có thời gian đưa đón con đi học nên nhiều cháu khi học lên THCS thì bỏ học giữa chừng”.

Theo thống kê của sáu thôn gồm: Ea Lang, Ea Uông, Cư Rang, Cư Te, Ea Bar và Ea Rớt, trong năm học 2016-2017 có đến hàng chục em học sinh THCS bỏ học giữa chừng. Và từ đầu năm học 2017-2018 đến nay cũng có gần 10 em ở vùng này bỏ học do cuộc sống gia đình khó khăn, không có phương tiện đến trường, một số em do học lực yếu không theo kịp bạn bè.

Đặc biệt, vào tháng 10, 11 hằng năm, ở khu vực này lũ trên sông Krông Bông hay về nên các em sợ không tới trường. Trong khi đó, cầu treo bắc qua sông nối vùng này với trung tâm xã đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau cơn bão số 12 vừa qua đã xói lở mất hai mố cầu.

{keywords}
Cây cỏ cũng mọc ngay dưới chân tường ngôi trường

Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Việc đầu tư ngôi trường hai tầng với tám phòng học tại thôn Ea Lang thuộc dự án bố trí, sắp xếp ổn định các hộ di dân tự do vào từ năm 1996 đến 2000 của huyện Krông Bông và do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Ngôi trường này được xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh THCS là con em của 500 hộ dân di cư tự do được bố trí, sắp xếp ổn định trong dự án. Tuy nhiên, do các hộ dân di cư tự do kéo đến quá đông, đến nay đã tăng lên 2.557 hộ với hơn 13.250 khẩu khiến cho việc bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do bị phá vỡ quy hoạch.

Vì vậy, UBND xã muốn tách trường THCS Cư Pui ra thành hai trường THCS Cư Pui và THCS Ea Lang để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh là con em của đồng bào sáu thôn trong vùng di cư tự do. Tuy nhiên, đến nay huyện mới xây dựng hoàn thành ngôi trường, còn nhà hiệu bộ, tường rào, nhà vệ sinh chưa có, khiến cho công trình chưa thể đưa vào hoạt động được.

{keywords}
Trong khi ngôi trường xây dựng khang trang bỏ không, còn con em đồng bào ở đây phải đạp xe hơn 10 km ra tận trung tâm xã Cư Pui để học

Bên cạnh cơ sở vật chất chưa hoàn thiện thì số lượng giáo viên đang thiếu khiến cho việc tách trường hoặc tách lớp cũng chưa thực hiện được.

Năm học 2017-2018, xã đã kiến nghị với huyện về việc chia tách các em học sinh THCS về ngôi trường mới này để học cho thuận lợi, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học ngày càng tăng nhưng do thiếu giáo viên và ngôi trường mới này chưa có nhà hiệu bộ và công trình vệ sinh, giếng nước... nên chưa thể đưa vào sử dụng.

Mới đây UBND xã đã trích ngân sách khoan một giếng nước tại trường này và đề nghị UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa ngôi trường vào sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy huyện trả lời.

{keywords}
Cầu treo bắt qua sông Krông Bông nối liền trung tâm xã Cư Pui với sáu thôn thuộc dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do Ea Lang bị nước lũ làm xói lở nghiêm trọng trong cơn bão số 12 vừa qua

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Huỳnh Bài cho biết ngôi trường này được xây dựng từ nguồn kinh phí của dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do Ea Lang, xã Cư Pui với mục đích giúp con em đồng bào các dân tộc nơi đây đến trường gần hơn và thuận lợi hơn, đồng thời khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao trình độ dân trí trong vùng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của dự án gặp nhiều khó khăn, bố trí chưa đầy đủ nên chỉ mới xây dựng được ngôi trường, còn các hạng mục khác như nhà hiệu bộ, công trình vệ sinh, tường rào... chưa xây dựng được.

Bên cạnh đó, khi ngôi trường xây dựng hoàn thành thì nảy sinh việc tỉnh không cho tăng biên chế giáo viên nên huyện không thể tách trường hoặc điều giáo viên ở trường cũ vào dạy ở ngôi trường mới này được. Đây là nguyên nhân chính khiến ngôi trường này chưa được đưa vào sử dụng.

Không chỉ thiếu giáo viên THCS, tiểu học mà toàn huyện còn thiếu khoảng 60 giáo viên mầm non. Để đưa ngôi trường mới này vào sử dụng, tránh lãng phí, UBND huyện đang lập phương án tách một số lớp ở Trường THCS Cư Pui chuyển về trường này để học tập và sẽ điều động khoảng 15 biên chế ở các trường trên địa bàn huyện về giảng dạy tại trường này.

Đây cũng là mong đợi bao năm nay của đồng bào các dân tộc nơi đây nhằm giúp con em họ được đi học gần nhà, không phải đi qua cầu treo nguy hiểm rình rập trong mùa mưa lũ, và điều quan trọng hơn là góp phần khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trong đồng bào DTTS ở khu vực này.

Theo Nguyễn Hoài Bão/ Báo Nhân dân

Phụ huynh “truy” hiệu trưởng để phòng học xuống cấp

Phụ huynh “truy” hiệu trưởng để phòng học xuống cấp

Sau cơn lốc cách đây 3 tháng, Phân hiệu 2 Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Đắk Lắk) xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa. Khi đưa con tới học, phụ huynh đã phản ứng dữ dội.

Bên trong ngôi trường 20 tỷ đồng bị bỏ hoang ở Sài Gòn

Bên trong ngôi trường 20 tỷ đồng bị bỏ hoang ở Sài Gòn

Ngôi trường rộng 6.500 m2 được đầu tư 20 tỷ đồng, nhưng sau khi đưa vào sử dụng được 4 năm thì bị xuống cấp, đành bỏ hoang.