- Sau bài viết "Khoảng lặng sau chuyện nam sinh tự chết", VietNamNet nhận được bức thư của bạn đọc Hoàng Ngọc Quỳnh Lam. Dưới đây là nội dung bức thư.
 
Kính chào Ban Giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) và thầy giáo M., gia đình em D.
 
Trước tiên, tôi xin được chia sẻ với thầy và gia đình về sự  việc đáng tiếc đã xảy ra. Tôi thực sự  cảm thông với thầy và riêng đối với bản thân tôi mà nói, thầy hoàn toàn không có lỗi trong việc này.
 
Để nói rõ hơn, tôi xin kể ra đây một kỷ niệm thời niên thiếu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải giúp đỡ bố mẹ chăn trâu và làm việc đồng áng những khi nghỉ học.
 
Năm đó, tôi học lớp 8. Thầy giáo dạy môn Hóa học của lớp nổi tiếng là giáo viên “dữ” theo ngôn ngữ học trò chúng tôi, nghĩa là nghiêm khắc. Một hôm, thầy gọi tôi lên bảng làm bài tập về nhà trong sách giáo khoa. Tôi đã không làm được, dù bài khá đơn giản. Kết quả là thầy giáo “tặng” cho tôi 2 cái vụt bằng thước 1 mét.
 
Tôi lủi thủi về chỗ ngồi. Bị đánh đau thì ít, nhưng cảm giác xấu hổ thì nhiều vì bị thầy giáo cho ăn đòn trước cả lớp. Tôi không hề trách thầy vì lỗi hoàn toàn là do mình. Từ đó, tôi lao vào học tập, đặc biệt là môn Hóa học của thầy. Đi chăn trâu là lúc có nhiều thời gian rỗi, tôi mang theo sách giáo khoa để giải hết toàn bộ bài tập trong đó. Dần dần, tôi chuyển sang các bài tập nâng cao. Các môn học khác tôi cũng thực hiện như vậy.
 
Nhờ  những nỗ lực đó, từ lớp 9 đến hết phổ  thông, học lực của tôi đều khá và thi đỗ  đại học để trở thành một công chức như bây giờ. Kỷ niệm đó, tôi nhớ mãi và thầm cảm ơn người thầy giáo nghiêm khắc năm xưa đã cho tôi động lực học tập.
 
Ngày nay, không ít học sinh có điều kiện học tập và thời gian đều hơn hẳn lứa chúng tôi hơn chục năm về trước. Tôi ước các em có thể trải nghiệm sự kham khổ học bài trên lưng trâu, bên cạnh bếp củi, giờ giải lao khi làm việc đồng áng… để biết quý trọng những gì mà gia đình và xã hội đang dành cho các em.
 
Thầy cô giáo tiểu học đánh vào tay các em để rèn nét chữ, nết người. Lớn lên, các em đã có tinh thần tự lập, thầy cô giáo chỉ khuyên bảo các em, không tránh khỏi có điều nặng lời, nhưng tất cả chỉ là để thúc giục các em học tập. Nếu không có những sự rèn giũa đó, các em sẽ lớn lên như thế nào?
 
Quan điểm của bản thân tôi, nhà trường và toàn xã  hội phải nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc vừa rồi. Thầy giáo của Trường Ngô Quyền không hề  có lỗi trong việc này. Các bạn cùng lớp của em D. là những nhân chứng trung thực nhất. Cần phải động viên thầy giáo vượt qua những rào cản về tâm lý để tiếp tục đào tạo nên những lứa học sinh tiếp theo.
 
Nếu việc làm của thầy là sai, và của em D. là  đúng thì sắp tới liệu sẽ có một trào lưu theo việc làm đúng của em D. không? Lúc đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm với xã hội?
 
Với các thầy cô giáo, từ sự việc này nên rút kinh nghiệm cho bản thân khi trao đổi, dạy dỗ các em học sinh.
 
Tôi không dám chắc là không có những giáo viên sử dụng lời nói, hành vi thiếu văn hóa với học sinh. Nhưng tuyệt đại đa số thầy cô giáo đều muốn dạy điều hay, lẽ phải cho các em.
 
Tuy nhiên, lứa tuổi của các em chưa đủ để hiểu sự quan tâm đó. Nhẹ nhàng với các em, thiên về trao đổi với gia đình hay cách làm nào, đó là nghiệp vụ mà thầy cô giáo nắm chắc, tôi không dám nói sâu.
 
Gia đình của e D., nếu có thể nên chia sẻ và thông cảm với thầy M. Em D. tuổi còn nhỏ, suy nghĩ chưa chính chắn. Nếu gia đình thường xuyên hỏi han việc học tập của em để em chủ động nói ra những điều uất ức trong lòng thì chắc đã không xảy ra việc đáng tiếc.
 
Tôi đồng ý với ý kiến của giáo viên Lịch sử dạy cùng trường với thầy M. Nếu cho rằng hành động uốn nắn của thầy M. là sai thì sau này còn đâu những giáo viên tâm huyết. Thầy cứ việc dạy, trò học hay không thì tùy. Nền giáo dục nước nhà sẽ ra sao? Mặt khác, các em tiếp xúc nhiều với những trào lưu xấu qua báo chí, Internet rất nhiều. Tự tử, hành xác theo kiểu tự rạch da… đó là những ảnh hưởng xấu mà gia đình phải định hướng cho các em tránh xa.
 
Tôi xin lỗi em D., nhưng qua những gì tôi được biết qua báo chí, hành vi của em là không đúng.
 
 Tôi thực sự tiếc cho gia đình em và xã hội. Bố  mẹ đã dưỡng dục em bao nhiêu năm, xã hội đang chờ em trưởng thành để xây dựng đất nước. Biết đâu em sẽ là một chiến sĩ canh giữ biển trời ở Trường Sa hay biên giới, hay trở thành ca sĩ, giám đốc như mơ ước của em? Bất cứ vai trò nào, em cũng sẽ góp phần nhỏ của mình vào công cuộc dựng xây Tổ quốc. Đáng tiếc là em đã quyên sinh để giải tỏa những uất ức nhỏ bé. Không chịu được những điều như vậy, các em sẽ vật lộn như thế nào với cuộc sống khó khăn trong tương lai?
 
Nếu bài của tôi được đăng, và các em học sinh đọc được, các em hãy lắng nghe lời khuyên của tôi như một người anh đi trước. Tôi từng trải qua lứa tuổi các em và hiểu tâm lý của các em.
 
Trước hết, các em hãy yêu quý những gì mình đang có. Người ta nói khi mất đi thì mình mới hiểu giá  trị của cái mà mình đang có. Hãy chịu khó đọc về những tấm gương các bạn học sinh mồ côi vượt khó học giỏi để suy nghĩ về bản thân mình để noi theo.
 
Thứ  hai, phải hiểu rằng các em là điều quý giá  nhất của bố mẹ, đừng để bố mẹ  phải đau lòng vì những việc làm nông nỗi của các em.
 
Thứ  ba, hãy thông cảm với các thầy cô giáo và cố gắng học tập. Các em hãy chia sẻ tâm tư của mình với thầy cô giáo, với gia đình, bạn bè để nhận được những lời khuyên xác đáng. Hãy vươn lên để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
 
Hà  Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2011
 
Hoàng Ngọc Quỳnh Lam
****************
Bạn Quỳnh Lam có "bênh" thầy giáo? Những lập luận trong bức thư có thuyết phục? Mời các bạn gửi ý kiến theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.