- Giáo viên ứng xử không đúng mực với học sinh, môn đạo đức lại dạy về giá trị hàng hóa, dọa bỏ bạn trong thùng xốp để phi tang..., đây là những ý kiến của học sinh TP.HCM tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT sáng nay 28/3.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức đối thoại với hơn 160 học sinh tiêu biểu, đại diện cho khối THPT và TTGDTX trên địa bàn thành phố. Chủ đề của buổi đổi thoại năm nay là Văn hóa ứng xử học đường. 

Giáo viên ứng xử không đúng mực

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề về ứng xử trong đời sống học đường đã được nhiều học sinh đề cập tới. 

{keywords}
Học sinh Mai Anh, Trường THPT Lam Sơn

Học sinh Hồng Đào, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đặt câu hỏi “Ngoài yêu cầu giáo viên, học sinh phải ứng xử đúng mực, lãnh đạo Sở đã “nắm” tới các bộ phận khác như nhân viên y tế, bảo mẫu, bảo vệ chưa?”. 

Còn học sinh Trần Lưu Quốc cho rằng văn hoá ứng xử giữa học sinh và giáo viên đang có nhiều bất cập. “Các thầy cô trẻ cởi mở với học sinh hơn, nhưng việc ứng xử giữa học sinh với các thầy cô trẻ lại không lịch sự như với những giáo viên lớn tuổi”. 

Trong khi đó, học sinh Ngọc Trâm, Trường THPT Trưng Vương, đưa ra đề nghị “Giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian sinh hoạt để dạy văn hoá ứng xử cho học sinh, chứ không chỉ tập trung vào nhận xét kế hoạch tuần qua và đưa ra kế hoạch tuần tới”. 

Đề cập đến việc ứng xử nơi công cộng, học sinh Nguyễn Nhật Tiến, Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý lại nói về việc ứng xử trên xe buýt. Tiến cho rằng, “Đa số học sinh đều đi học bằng xe buýt, nhưng lên xe thì chen lấn, xô đẩy thậm chí làm ồn ào”. 

Tiến đưa ra đề nghị “Sách giáo khoa mới phải tích hợp dạy văn hoá ứng xử công cộng để học sinh học tập”. 

Riêng học sinh Võ Phi Thành Đạt, Lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Du, đưa ra đề xuất “Đưa những câu chuyện trong văn học ra cuộc sống để dạy học sinh ứng xử, bỏ điểm số phổ thông như học sinh tiểu học để không còn nặng về ganh đua điểm số”.

Dùng thùng xốp dọa... phi tang bạn

Bạo lực học đường là vấn đề được nhiều học sinh thẳng thắn để cập trong buổi đối thoại.

Học sinh Minh Uyên, Trường THPT Phú Nhuận, cho rằng bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ việc đánh đấm mà nguy hại hơn là làm tổn thương đến tinh thần của học sinh.

Minh Uyên kể “Cách đây mấy tháng, một học sinh ở Quận Gò Vấp bị bạn giết hại và bỏ vào thùng xốp phi tang. Sau sự việc này, nhiều học sinh đã dùng hình ảnh thùng xốp để hù doạ bạn khác khiến các bạn sợ hãi. Thậm chí, có bạn còn đưa ảnh thùng xốp và nói với bạn mình rằng “Có muốn bị bỏ vào thùng xốp không?” - Uyên kể. 

{keywords}
Học sinh nêu ý kiến tại buổi đối thoại

Còn học sinh Võ Trâm Anh, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, thì cho rằng bạo lực học đường đang bị xử lý nghiêm khắc mà thiếu đi việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại diễn ra. 

“Em mong lãnh đạo có giải pháp thích hợp thay vì đuổi hoặc bị đình chỉ học, để học sinh nhận ra sai lầm mà tâm phục khẩu phục” - Trâm Anh bày tỏ. 

Học sinh Phan Gia Huy thì cho biết các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đang là mô hình xã hội thu nhỏ, trong đó có nhiều học sinh học sinh lớn tuổi luôn nói tục, chửi thề khiến những học sinh khác bị ảnh hưởng. 

"Cần có cách phòng ngừa để tránh những học sinh nhỏ bị ảnh hưởng những học sinh lớn" - Gia Huy mong muốn.. 

"Tại sao môn đạo đức lại dạy về giá trị hàng hóa?"

“Môn học Giáo dục công dân đã chứng tỏ được giá trị khi đưa kì thi THPT quốc gia. Tuy nhiên học sinh đang phải học những kiến thức quá cao siêu" - Mai Anh, học sinh Trường THPT Lam Sơn đưa ra ý kiến của mình về môn Đạo đức hiện nay,

Cụ thể hơn, Mai Anh cho biết “Dù là môn Đạo đức nhưng ở lớp 10 chúng em phải học về chủ nghĩa duy vật, duy tâm, tới lớp 11 lại học về giá trị hàng hoá. Em thấy những kiến thức này chưa thật sự phù hợp và đúng nghĩa với môn Đạo đức” – Mai Anh khẳng định.

Em Yến Hòa, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn thì nhận xét rằng dù có khẩu hiệu "Tiên học lễ, Hậu học văn" nhưng học sinh đang được học văn hoá trước khi học lễ nghĩa. 

“Chúng em mong được học ứng xử, xếp hàng trước khi học văn hóa, vì vậy mong giáo dục thay đổi lại điều này, như học sinh Nhật Bản đang được học” - Yến Hòa đề nghị...

{keywords}

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng THPT THPT Lương Thế Vinh: "Sau khi nghe ý kiến của học sinh, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp"

Dành thời gian để lắng nghe ý kiến của học sinh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng điều nhiều học sinh bức xúc không phải là vấn đề mới mà là vấn đề nóng của Nhà nước trong việc quản lý mảng xã hội.  

Vì vậy, theo ông Sơn, thầy cô giáo phải quan tâm những nội dung này. Từ phòng giáo dục tới các trường phải tổ chức tập huấn các chuyên đề như cách vào các trang mạng xã hội. Các giáo viên phải chủ động tác động học sinh, phát hiện những chia sẻ tiêu cực của các em để giải thích kịp thời. Còn bản thân học sinh phải biết nhìn nhận thông tin, lọc lại hình ảnh và biết phản bác các tiêu cực.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị các trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức nhiều hoạt động về âm nhạc, thể thao để học sinh tham gia. Lãnh đạo trường chủ động thu xếp thời khóa biểu, phân bổ thời gian hợp lý cho các chuyên đề sinh hoạt ngoại khoá, tiết học ngoài nhà trường. 

Sở GD- ĐT sẽ ghi nhận ý kiến của học sinh để có những chỉ đạo phù hợp. 

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh: Qua những ý kiến của học sinh, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.

Thầy Trần Phước Đức, Trường THPT Nguyễn Trãi: Nhiều suy nghĩ của học sinh hôm nay cũng là suy nghĩ của chúng tôi. Sau buổi đối thoại này, tôi đã nghĩ tới việc tổ chức hội thảo, mời các phụ huynh, chuyên gia để hướng dẫn học sinh. 

Thầy Bùi Tấn Thanh, Giám đốc TTGDTX Chu Văn An: Các em đã nói ra được nhiều điều rất hay. Thật sự môi trường học đường ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên khá bất cập. Chúng tôi vẫn yêu cầu những học viên của trung tâm bước vào trường phải nghiêm túc. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để học sinh khóa sau có thể học hỏi khóa trước. 

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM: Lắng nghe ý kiến của các em, chúng tôi đã định hình SGK sắp tới sẽ có những bài dạy về ứng xử, tuổi mới lớn, văn hoá công cộng..  Tôi thấy có nhiều học sinh đang bi quan về văn hoá ứng xử hiện nay, tôi muốn nói với các em rằng một người làm không được, nhưng nếu cùng chung tay sẽ làm được. Tôi mong các em hãy mạnh dạn trao đổi với bố mẹ, giáo viên để tìm ra những phương án tốt nhất, và hãy noi gương bạn tốt để hoàn thiện chính bản thân mình.

Lê Huyền