-Nguyễn Bích Ngân – nữ sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) – tác giả bài thơ làm “dậy sóng” cộng đồng mạng chia sẻ, em không thường xuyên làm thơ, và tự nhận xét mình là người lãng mạn. 

Sau khi bài thơ “Xin đổi kiếp này của Bích Ngân được cộng đồng mạng chú ý, cô bé 14 tuổi cho biết “không nghĩ là nó được chú ý nhiều như thế” và rất cảm ơn mọi người vì đã quan tâm.

Chia sẻ với Vietnamnet, Bích Ngân nói rằng, em không làm thơ thường xuyên, tất cả vốn liếng có lẽ chỉ từ 7-8 bài thơ, vì làm thơ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Những bài thơ mà Ngân viết cũng chỉ để giãi bày cảm xúc cá nhân và chỉ chia sẻ cho ông ngoại. 

Ngân thừa nhận, tính cách thể hiện ra bên ngoài của em có phần khép kín nhưng cũng có phần mạnh mẽ bên trong. “Con thích nghe nhạc Hàn, và chỉ duy nhất nhóm Big Bang vì con luôn thích cái gì đó mãnh liệt, mạnh mẽ. Bản thân các anh trong nhóm Big Bang cũng là những người suy nghĩ có chiều sâu. Con thích cái cảm giác họ đem lại” – Ngân nói.

{keywords}
Bích Ngân chụp ảnh cùng ông ngoại. Ảnh: NVCC

Ngoài nghe nhạc Big Bang, Ngân còn thích chụp ảnh và vẽ. “Vẽ thì con vẽ ra nháp là nhiều, chứ ít khi vẽ bức nào hoàn chỉnh. Chụp ảnh con chỉ chụp bằng điện thoại thôi. Con đặc biệt thích chụp dưới những bóng cây, chứ không phải cây có màu sắc, mà là khi con đứng dưới bóng cây chụp lên, chỉ có một nền trời xanh trắng và bóng cây màu đen, có cảm giác như những nét vẽ, trông rất sống động”.

Khi được hỏi, ngoài môn văn, em thích học môn gì, cô bé trả lời “các môn khác chỉ ở mức bình thường”. Riêng bài thơ “Xin đổi kiếp này” – Ngân chia sẻ - là sự tích cóp của rất nhiều thứ. “Từ những lời giảng của cô, từ những lần chia sẻ với ông ngoại… Con đã tích cóp nó lại và tóm gọn nó thành một bài thơ”.

Những bài thơ khác của Ngân phần lớn về chủ đề thiên nhiên, về mùa thu, về gió, biển, núi. “Con thích mùa thu. Thường thì người lãng mạn hay thích mùa thu”.

Nói về nghề nghiệp mơ ước sau này, cô bé thẳng thắn chia sẻ: “Nếu là mọi người định hướng thì có rồi. Mọi người định hướng con sẽ đi theo năng khiếu của con là nghề nhà giáo. Nhưng bản thân con thực sự vẫn chưa rõ lắm. Con là người thiếu tự tin. Định hướng là mình phải thấy mình có khả năng vào một nghề nào đấy, nhưng bản thân con thấy rất mông lung”.

Trò chuyện với ông Lê Đức Mẫn – ông ngoại Bích Ngân và cũng là người đăng bài thơ của em lên Facebook cá nhân, ông cho biết ông là người rất gần gũi với cháu gái. “Cháu cũng hay trao đổi với tôi, và có lẽ là người duy nhất trao đổi” – ông nói.

Ông cho biết, hầu như khi nào có bài thơ mới Ngân đều chia sẻ với ông ngoại. Hai ông cháu cũng thường xuyên trao đổi về thơ văn. Năm nay ông đã 76 tuổi, từng là giảng viên tiếng Nga ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội) suốt 40 năm. 

Bích Ngân cũng cho biết, ông ngoại là người quan tâm rất nhiều đến văn học. Hai ông cháu từng nhiều lần đi nghe những buổi bình luận văn học của các nhà thơ, nhà văn, sau đó về nhà hai ông cháu cùng nhau thảo luận sâu hơn. “Con nhớ nhất là lần đi nghe về thơ Vũ Quần Phương với ông”.

“Khi bài thơ của con được mọi người chú ý, ông chỉ nhìn con mỉm cười và chúc mừng con”.

Nhận xét về cô cháu gái, ông Mẫn khẳng định: “Cháu tôi ít nói nhưng nhiều suy nghĩ”.

  • Nguyễn Thảo