- Nhân tượng (người bằng xương, bằng thịt đóng thế tượng thật) là môn nghệ thuật phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu. Tại Việt Nam, đây là loại hình nghệ thuật khá mới mẻ song hiện nay với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các event cần đến số lượng nhân tượng lớn thì nghề này đang ngày càng “hot” và  thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ có cơ thể đẹp và đam mê nghệ thuật.

Chuẩn nào cho nhân tượng?


Tuy là loại hình nghệ thuật mới song từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, nhân tượng luôn gây được sự chú ý pha lẫn ngạc nhiên, thú vị cho khách tham quan khi có mặt tại nhiều sự kiện. 

Đào Thị Thùy Dương (sinh viên năm 3, Đại học Bách khoa Hà Nội) hiện đang quản lý một đội ngũ PG, nhân tượng chạy các event tại Hà Nội cho biết: “Trên thế giới thì nhân tượng không còn mới mẻ gì nhưng ở Việt Nam thì còn rất mới. Thời gian đầu nhân tượng cung cấp cho các sự kiện ở Hà Nội đều là từ Thành phố Hồ Chí Minh mang ra song do chi phí đắt đỏ nên đến nay Hà Nội cũng đã thành lập được đội ngũ nhân tượng riêng biệt.”
Yêu cầu để chọn lựa được một nhân tượng thích hợp cũng khá khắt khe. Để trở thành nhân tượng, bạn không cần phải có gương mặt xinh đẹp nhưng nhất thiết body phải “chuẩn”. Với một PG nữ, chiều cao khoảng 1m60 là ổn nhưng với nhân tượng thì bạn phải đạt từ 1m63 trở lên, cơ thể bạn phải rất hài hòa, không quá béo hoặc hoặc quá gầy quá vì lúc làm tượng, hầu hết người mẫu chỉ mặc trang phục rất mỏng (nữ thường là khăn voan quấn quanh người, nam thì là những bộ đồ ngắn để khoe body) nên nếu nhân tượng không “đúng chuẩn” thì sẽ lộ hết lớp mỡ bụng hoặc “khung xương”.

Hiện nay, những người làm công việc chọn, hóa trang cho nhân tượng phải tự mày mò tìm hiểu, sáng tạo sao cho vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị hiếu của khán giả vừa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Để biến một người bằng xương bằng thịt thành hình dáng giống như tượng thì cũng cần có nhiều công cụ hỗ trợ đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là sơn. Ba màu sơn được ưa chuộng nhất để trang điểm cho nhân tượng là trắng, bạc và đồng.

Tùy theo tính chất sự kiện mà yêu cầu nhân tượng cũng khác nhau: “Mình nhớ có lần tổ chức sự kiện cho hãng ô tô Mercedes, bên đó yêu cầu nhất định nhân tượng phải có màu xanh lá cây giống như biểu tượng của công ty họ nên chúng mình phải kiếm màu phù hợp cho bằng được. Lại có lần tổ chức sự kiện cho hãng rượu, họ còn yêu cầu vẽ biểu tượng chai rượu lên người nhân tượng để gây ấn tượng cho khách hàng” – Thùy Dương tâm sự.

Thông thường, các nhân tượng phải có mặt trước khi sự kiện diễn ra một vài tiếng để kịp trang điểm. Với mỗi sự kiện mức lương một nhân tượng nhận được dao động trong khoảng 1,2 triệu – 2 triệu/2 tiếng (trích 30% cho công ty quản lý) – mức thu nhập cao so với những partime khác.

Nhân tượng “hoảng hồn” với khách


Trong quá trình làm việc, nhân tượng cũng gặp phải vô số những tình huống “dở khóc dở cười”. Nữ nhân tượng Thu Anh (Học viện Ngân hàng) cho biết: “Khách đến tham dự sự kiện lớn thường rất đông, có một vài người tưởng chúng mình là tượng thật nên cứ thản nhiên đi qua. Thế nên mới có chuyện một vài vị khách nữ khi đi ngang qua đúng lúc mình cử động thì mặt mày tái mét vừa chạy vừa sợ hãi hét lên: “Sao tượng lại biết cử động thế này?”

Lại có em bé thấy nhân tượng đột nhiên chớp mắt thì sợ quá khóc thét lên. Gặp phải các trường hợp hay ho như thế, dù chúng mình đang đứng tạo dáng làm tượng cũng phải phì cười.”
Trong quá trình làm việc, nhân tượng cũng gặp phải vô số những tình huống “dở khóc dở cười”.
Đôi lúc, nhân tượng phải cố tình có những cử động bất ngờ để tất cả người tham gia sự kiện biết rằng đây chỉ là… tượng giả. Nhưng cũng có trường hợp, nhân tượng bị đặt vào trong tình huống thử thách khi khách hàng đứng “đọ mắt” quyết nhìn thật lâu xem nhân tượng có chớp mắt hay không.

 Có nhiều người tò mò đến mức bước tới chạm vào người tượng, thậm chí véo vào da để phân biệt thực hư. Đã được huấn luyện nên các nhân tượng vẫn phải đứng điềm nhiên như không có chuyện gì, nhân tượng có nhột đến cỡ nào cũng đều phải cố nhịn cười để làm tiếp công việc.

Đa số người ngoài nhìn vào thấy nhân tượng “bất động” song trên thực tế nhân tượng luôn có những xê dịch nhỏ để làm cơ thể thoải mái và đỡ mỏi nên nếu không để ý kỹ thì khó mà phát hiện ra.

Khổ nhất cho các nhân tượng là khi tham gia các sự kiện tổ chức trong thời tiết lạnh giá, nhân tượng phải đứng ngoài cửa tạo dáng chào khách lại chỉ khoác trên mình vạt áo voan mỏng nên cả người tượng cũng run bần bật. Thu Anh chia sẻ thêm: “Có nhiều khi nhân tượng như mình lẽ ra phải đứng ở ngoài cửa nhưng do thời tiết quá lạnh nên cũng được “đặc cách” cho vào trong nhà để đón khách bên trong.”

Người trang điểm cho nhân tượng cũng phải có kinh nghiệm và được đào tạo các bước cơ bản để có thể “sản xuất” ra một nhân tượng “thật” nhất có thể. Tuy nhiên, vẫn có một số nhân tượng “méo mặt” khi người hóa trang nhân tượng không có nghề: “Bột dùng để vẽ lên người nhân tượng là bột chuyên dụng nên rất dễ tẩy rửa, chỉ cần tắm thông thường là có thể làm sạch cơ thể song vẫn không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Cô bạn của mình đã có lần suýt phải hi sinh mái tóc vì người trang trí nhân tượng dùng loại bột khó tẩy nên đến khi gội đầu lớp bột này vẫn bám chặt trên tóc” – Thùy Dương chia sẻ thêm.

Đinh Thùy