- Từng có lúc suýt mù cả 2 mắt vì chứng bệnh lạ, giờ đây, khi vượt qua tất cả khó khăn nhờ lòng ham học của mình, thầy giáo trẻ Nguyễn Tiến Long đang trở thành người truyền cảm hứng và lòng say mê khoa học cho các học trò của mình.

{keywords}
Thầy giáo Vật lý Nguyễn Tiến Long của Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Lê Văn

Tôi hẹn gặp Nguyễn Tiến Long vào ngày Long đưa đội Robocon của Câu lạc bộ Khoa học Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành tham dự cuộc thi Robot mở rộng do Khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm HN tổ chức.

Cuộc thi là một thử thách khó khăn với đội Robocon Trường Nguyễn Tất Thành khi đối thủ của thầy trò Long là các anh chị sinh viên đến từ các trường đại học khá mạnh của Hà Nội. Thế nhưng, 3 chú robot của Trường Nguyễn Tất Thành vẫn mạnh mẽ vượt qua từng trận đấu với rất nhiều chiến thắng tuyệt đối.

Thầy giáo Vật lý Nguyễn Tiến Long đồng thời cũng là Chủ nhiệm CLB Khoa học của trường đứng ở khu vực khán giả, theo dõi từng trận đấu của các chú robot Trường Nguyễn Tất Thành. Chốc chốc, Long lại tới khu vực kỹ thuật của đội trao đổi, hướng dẫn các em chuẩn bị cho những trận đấu tiếp theo.

Kết quả của cuộc thi khá bất ngờ khi cả 3 chú robot của Trường Nguyễn Tất Thành lần lượt giành giải vô địch, giải Ba và giải Tư. Thầy trò trường Nguyễn Tất Thành ôm nhau hò hét trong chiến thắng gần như tuyệt đối của mình trước các anh chị sinh viên.

Nhìn sự năng động, nhanh nhẹn của Long bên những học trò của mình, khó ai có thể tin rằng, thầy Long của hiện tại chính là cậu bé thủ khoa ngày nào từng bị hội chứng Marfan hành hạ, khiến đôi mắt gần như không còn nhìn thấy gì nữa.

Nhiệt huyết sôi nổi trên sân thi đấu của lũ học trò bao nhiêu thì Long lại trở nên thâm trầm bấy nhiêu khi tôi nhắc về những ngày tháng khó khăn trước đây của Long. Long nói, đó là chuyện đã qua, đã là quá khứ và em không muốn "đào xới" nó lại nữa.

Tuy nhiên, quá khứ ấy hẳn là rất khó quên với cựu học sinh Trường Nguyễn Tất Thành và nay lại trở thành thầy giáo của chính ngôi trường mình theo học. Vào năm thứ nhất đại học, đôi mắt gần như mù hẳn đã buộc Long phải xin bảo lưu kết quả ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Khó khăn, tốn kém và vất vả thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và những tấm lòng thiện tâm, Long đã vượt qua với quyết tâm trở lại trường. Long kể, thời gian sau đó, em vừa phải học vừa phải đi làm thêm để trả các khoản nợ mà bố mẹ đã vay để đưa em đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Long được giữ lại trường để tham gia giảng dạy tại Trường THPT Chuyên của trường. Rồi tới năm ngoái, Long nhận được lời đề nghị của cô Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành đồng thời cũng là cô giáo chủ nhiệm trước đây của em, chuyển về Trường Nguyễn Tất Thành.

Long cho biết, học sinh ở trường chuyên mà mình dạy đều là những học trò thông minh xuất sắc. Tuy nhiên, bản thân Long vẫn cảm thấy mô hình đào tạo ở trường chuyên thiếu sự năng động và phong phú. Vì thế, Long đã quyết định chuyển về Trường Nguyễn Tất Thành.

{keywords}
Long đang trao đổi với học sinh trong đội tuyển Robocon của trường tại cuộc thi sáng 15/11. Ảnh: Lê Văn.

Tại trường, ngoài việc giảng dạy chuyên môn, Long còn được giao làm chủ nhiệm CLB Khoa học của trường. Đây là câu lạc bộ sẽ đứng ra tổ chức tất cả các hoạt động về khoa học cho học sinh trong toàn trường với mục tiêu hỗ trợ học tập.

Long cho biết, điểm khác biệt trong hoạt động khoa học của Trường Nguyễn Tất Thành chính là kế hoạch được lên sẵn từ đầu năm với rất nhiều hoạt động lớn nhỏ. Bên cạnh đó, hầu hết hoạt động đều do các bạn học sinh tự tham gia từ khâu chuẩn bị cho tới khâu triển khai thực hiện, các thầy cô giáo chỉ đóng vai trò định hướng, kiểm tra và truyền cảm hứng cho các em.

Cũng có lẽ nhờ vậy, các hoạt động khoa học của Trường Nguyễn Tất Thành khá mạnh và thu được nhiều kết quả. Trước khi gặp tôi, Long vừa dẫn một nhóm học sinh của trường tham gia cuộc thi thiết kế vệ tinh khu vực châu Á diễn ra tại Philipines. Và tới đây, trong tháng 12, Long và các em học sinh đang chuẩn bị cho Cuộc thi Khoa học kỹ thuật của trường. Tất cả đều là những sản phẩm sáng tạo của các em học sinh.

Em Phạm Hương Giang, học sinh lớp 11N1, Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết, các hoạt động của CLB Khoa học đều do chính các em thực hiện do vậy rất gần gũi và thiết thực. "Thông qua các hoạt động này, chúng em sẽ học được những kiến thức rất thực tế chứ không hề khô khan" - Giang cho hay.

Nói về thầy Long, Hương Giang cho biết, thầy là người rất tốt bụng, bởi lẽ bất cứ khi nào học sinh gặp khó khăn thì thầy đều giúp đỡ tận tình để giúp các em hoàn thành tốt công việc.

Cô Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, Long ngoài sự nỗ lực vượt khó thì cũng là một thầy giáo rất tốt bụng với học trò cũng như các đồng nghiệp. Dù mới về trường nhưng phong trào khoa học của trường hiện nay rất phong phú một phần cũng nhờ vào sự nhiệt huyết của Long.

Tôi hỏi Long vì sao lại quyết định chọn nghề giáo trong khi những người được đào tạo ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên vốn được định hướng làm nghiên cứu và bản thân Long cũng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ? Long cười hồn nhiên: "Mình cũng biết vậy nhưng nhìn lũ học trò chúng nó yêu quá nên thành ra yêu nghề giáo".

Lê Văn