- Tối ngày 19/3, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tiền Phong tổ chức lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, nhằm tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

{keywords}

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận TƯ Đảng cộng sản Việt Nam và ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trao giải thưởng cho những cá nhân tiêu biểu

Có 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được vinh danh trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và 10 Gương mặt trẻ triển vọng.

Tại lễ tuyên dương, các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên được nghe những câu chuyện về quyết tâm và nghị lực của các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Trong số này có Đinh Thị Hương Thảo, cô gái Vàng của đoàn Vật lý Việt Nam khi hai năm 2015 và 2016 đều đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

{keywords}
Đinh Thị Hương Thảo

Nói về việc là con gái nhưng theo đuổi môn Vật lý khá “khô cứng”, Thảo chia sẻ đó như một cái duyên khó có thể lý giải.

Nhưng nếu đã là đam mê, là sở thích thì bạn sẽ không phân biệt nam hay nữ, không phân biệt môn học là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, hoặc là môn học là khó hay dễ. Nếu mọi người thay đổi cách suy nghĩ một chút, không phải là một bạn nữ học môn Vật lý mà là một bạn yêu thích một môn học và muốn học tốt môn học ấy, thì câu chuyện sẽ đơn giản và dễ hiểu hơn” - Thảo chia sẻ.

Qua các kỳ thi tại đấu trường quốc tế, Thảo nhận thấy học sinh Việt Nam đã không còn yếu thế trong phần thực hành. "Các bạn học sinh của Việt Nam đang có những bước phát triển mới, nhưng so với bạn bè quốc tế thì có lẽ điều mà chúng ta còn thiếu là sự tự tin. Và để hướng tới các thành tích cao hơn ở đầu trường quốc tế thì cần phải khắc phục được điều này và có sự chuẩn bị thật chu đáo" - Thảo nhận xét.

Câu chuyện của Nguyễn Văn Thiết, chàng trai giành được Huy chương Vàng kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 11 diễn ra tại Malaysia tháng 9/2016, cũng tiếp thêm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

{keywords}
Nguyễn Văn Thiết

"Con đường" đến trường nghề của Thiết khá dài: Không vào được Trường Sỹ quan Đặc công mà bản thân mong muốn, Thiết từng đi làm đủ mọi thứ nghề thậm chí là cửu vạn hay bốc gạo mà anh cho biết “Một tấn họ trả cho em 40 nghìn đồng”…

Anh ruột của Thiết, cũng từng đoạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Tay nghề ASEAN, là người đưa Thiết đến với Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội. “Vào học, em mới suy nghĩ tại sao các trường nghề của Việt Nam không hề thua kém các nước khác, nhưng họ lại có thể đào tạo ra các tay nghề tầm cỡ khu vực, còn mình thì chưa?”. Câu hỏi này khiến Thuyết tò mò và quyết tâm dấn thân.

Với nước da ngăm đen, thậm chí được mọi người đặt biệt danh “Thiết đen”, chàng trai này chia sẻ đây cũng là một lý do thúc đẩy anh đặt quyết tâm giật giải kỳ thi Tay nghề ASSEAN. “Đơn giản để xem mình lên tivi, lên báo trông sẽ như thế nào, có đen hơn không” - Thiết cười tươi.

Nói về danh hiệu của mình, Thiết khiêm tốn nhận rằng đó không phải tài năng bẩm sinh mà do khổ luyện mà có. “Thậm chí, có những giai đoạn em không có ngày nghĩ, ngày lễ hay cuối tuần, nhiều hôm phải trằn trọc thức cả đêm. Cuối cùng là phải vượt qua những bài thi kéo đến 3 ngày, gồm lắp ráp cơ khí, lắp ráp điện khí và cả lập trình” - Thiết kể.

Giống như Hương Thảo, Thiết cho biết khi thi với các bạn nước ngoài, yếu tố tâm lý cũng bị đặt nặng. “Khi các bạn thi đến từ các quốc gia phát triển mạnh hơn về tự động hóa như Singapore, Indonesia, Malaysia,… thì mình phải tập trung cao độ để vượt qua” - Thiết nói.

Và với kết quả của mình, Thiết đã tạo nên một điều đặc biệt khi lần đầu tiên một gia đình ở Việt Nam có 2 anh em đều là những “Bàn tay vàng ASEAN”.

{keywords}
Giàng Seo Châu

Giàng Seo Châu, Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cũng là gương mặt xuất sắc khi đã thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở địa phương khó khăn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Châu không ở lại thành phố với những lời mời hấp dẫn về mức lương và cơ hội nghề nghiệp, mà anh về quê hương để lập nghiệp.

Châu sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông rất nghèo và mãi đến 10 tuổi mới bắt đầu được đi học. Anh tự nhận mình "không có tài năng gì đặc biệt", nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng học tập mà anh đã vượt qua tất cả.

Châu không thể quên giây phút khi nhận giấy báo trúng tuyển hai trường đại học. Anh đã rất vui, thậm chí đã bật khóc, thế nhưng khi chia sẻ niềm vui với bố mẹ thì bố anh bảo: “Không có tiền mà đi học đâu con. Tao chỉ thấy người ta đi làm nương làm rẫy có tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà có tiền cả”.

Lúc ấy, nghe bố nói vậy, nước mắt đã lăn dài trên má chàng trai trẻ. Thế nhưng, Châu vẫn quyết tâm theo sự học. Sau này, anh còn là người đầu tiên của huyện Si Ma Cai học lên thạc sỹ...

“Học xong đại học, mình nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp bà con nông dân còn khó khăn. Đặc biệt, mình nghĩ càng phải cống hiến sức lực và trí tuệ cho quê hương, nơi mà mình sinh ra và lớn lên.

Cây tam thất đã được biết đến từ lâu nhưng chưa được địa phương trồng và phát triển để mang lại thu nhập cho người dân. Thấy cây trồng này mang lại giá trị cao, tôi đã quyết tâm vận động bà con trồng để có thu nhập tốt” - Châu nói về lý do anh vận động người dân trồng cây tam thất.

Thay đổi nhận thức của người già ở vùng cao rất khó, nên hiện nay Châu cùng mọi người đã và đang định hướng tập trung tuyên truyền từ các bạn trẻ có học hành. “Nếu chúng ta còn mang tư tưởng ở nhà làm nương làm rẫy, thì cuộc sống sẽ khó thay đổi” - Châu nói.

{keywords}
Các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 đã có những chia sẻ, truyền cảm hứng tới nhiều bạn trẻ
{keywords}
Nhà sáng chế "chân đất" Tạ Đình Huy với máy sáng chế nông nghiệp đa năng, và Đào Xuân Hoàng - tác giả phần mềm Monkey Junior

{keywords}
10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016

Tại buổi lễ, các bạn trẻ còn được nghe câu chuyện về “nhà sáng chế chân đất” Tạ Đình Huy, với sáng chế máy nông nghiệp đa chức năng; Câu chuyện khởi nghiệp của anh Đào Xuân Hoàng với phần mềm Monkey Junior, ứng dụng giáo dục cho trẻ em nằm trong top 20 chương trình giáo dục được tải và mua nhiều nhất ở Mỹ và nhiều quốc gia khác...

Và còn là chuyện của Lê Văn Công, người mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam tại các kỳ Paralympic… Là câu chuyện của Trần Xuân Bách, Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016, với các nghiên cứu tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn như HIV/AIDS, nghiện chất (ma túy, rượu, hút thuốc lá), vệ sinh an toàn thực phẩm, béo phì và phòng chống bệnh mãn tính…, có ý nghĩa rất lớn cho y tế cộng đồng...

Thanh Hùng