Sáng 25/4, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 đã được khởi động nhằm mục đích tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 đã thu hút sự quan tâm, tham gia của 267 hồ sơ công trình, sáng kiến trên khắp cả nước. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 16 công trình, sáng kiến tham gia vòng chung kết và trao giải cho 16 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất.

{keywords}

Các công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất được trao giải năm 2016. Ảnh: Tuổi Trẻ

Năm nay, chương trình có 2 điểm mới so với năm đầu tiên: Mở rộng đối tượng công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang sinh sống ở nước ngoài và tăng thêm 1 giải thưởng cho phần bình chọn online.

Chương trình tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Hai tiêu chí quan trọng nhất để được lựa chọn trao giải là tính mới mẻ và tính khả thi, được đánh giá bởi hội đồng giám khảo có uy tín trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý giáo dục, phản biện xã hội.

Tối đa 15 công trình, sáng kiến được chọn vào vòng chung kết sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/ giải. Tối đa 5 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất sẽ được trao 100 triệu đồng tiền mặt/ giải cùng với Bằng khen của Bộ GD-ĐT và kỷ niệm chương.

Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1/5/2017 đến ngày 10/10/2017.

Trong khuôn khổ buổi họp báo, ban tổ chức cũng công bố các giải pháp hỗ trợ để đưa các công trình tiêu biểu đạt giải trong năm 2016 vào ứng dụng trong thực tế.

Cụ thể, công trình “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trong trường học” của tác giả Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre) sau hơn 5 tháng hoàn thiện đã được ứng dụng tại trường nơi tác giả công tác, được chuyển đến Tỉnh đoàn Bến Tre để giới thiệu đến các trường sử dụng theo hướng tích hợp (môn Sinh học) và ngoại khóa.

Đồng thời, Nhà xuất bản Trẻ sẽ phát hành cuốn sách trên thị trường bắt đầu từ năm học 2017 - 2018. 

Công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) đã được một số trường THPT sử dụng. Bộ sản phẩm cũng được chọn giới thiệu trong ấn phẩm “’Dạy học thí nghiệm vật lý ở trường THPT” do Nhà xuất bản ĐH Sư phạm xuất bản.

Trong buổi họp báo, anh Nguyễn Văn Chung – đại diện nhóm tác giả công trình “Mô phỏng Thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho Sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe” đã quyết định trao quyền sử dụng miễn phí ứng dụng khi chạy trực tiếp qua server của nhóm tác giả để các cơ sở giáo dục có nhu cầu phục vụ giảng dạy có thể sử dụng.

Nguyễn Thảo