Sinh viên chế chất dẫn thuốc hạn chế phản ứng phụ trong điều trị ung thư
Đây là một trong số 8 đề tài đạt giải Nhất ở lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2016 do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tối 7/1.
Năm 2016, có 279 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (thuộc 6 lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Y Dược, Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn) tham gia xét giải. Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 74 trường đại học, học viện trên cả nước.
Qua hai vòng đánh giá với sự tham gia của gần 200 lượt giám khảo là các nhà khoa học có uy tín, ban tổ chức đã trao 8 giải Nhất, 38 giải Nhì, 66 giải Ba và 85 giải Khuyến khích cho các đề tài.
Xuất phát từ nhận thấy phương pháp điều trị hiện nay là hóa trị liệu và xạ trị gây ra nhiều phản ứng phụ trong điều trị ung thư, nhóm sinh viên Trường ĐH Mỏ-Địa chất Hà Nội đã nảy sinh ý tưởng tổng hợp ra một chất dẫn để truyền thuốc. Qua đó, đã giành được giải Nhất với đề tài “Nghiên cứu tổng hợp các hạt Nano từ tính làm chất dẫn mang thuốc tới mục tiêu và nhả thuốc “curcumin” trong điều trị ung thư”.
Đồng giải Nhất còn có các đề tài đáng chú ý khác như “Phát hiện, nhận biết mặt người và ứng dụng video thông minh trên thiết bị di động” của nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM.
Hay đề tài “Nghiên cứu nhiệt độ da bàn chân bệnh nhân đái tháo đường bằng nhiệt kế hồng ngoại” của nhóm sinh viên Học viện Quân Y,…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng trao thưởng cho em Vàng A Mẻ (sinh viên năm 3 Trường ĐH Tây Bắc) là thí sinh duy nhất thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cá nhân. Đề tài Nghiên cứu về cây thuốc của người dân bản địa của nam sinh người Mông này cũng giành được giải Nhất. Ảnh: Thanh Hùng

Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng chúc mừng, ghi nhận và đánh giá cao những đề tài nghiên cứu khoa học của các em sinh viên cùng sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên.
Thứ trưởng nhấn mạnh nghiên cứu khoa học vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường ĐH, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhìn nhận thực tế số công trình nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, chưa nhiều đề tài chất lượng cao, thậm chí một số trường vẫn chưa thực sự quan tâm đến giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Do đó Thứ trưởng Hùng mong muốn trong thời gian tới sẽ được quan tâm hơn nữa từ các tổ chức trong xã hội để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên sáng tạo, phát triển.
Thanh Hùng