Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp với TƯ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và ĐH Thái Nguyên tổ chức.

{keywords}
Nữ sinh Lào Soudaly Saenthaphone, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên - một trong 12 thí sinh dự thi. Ảnh: Thanh Hùng  

Từ 67 đội thi với hơn 2000 sinh viên Lào tham dự vòng sơ khảo, ban tổ chức đã chọn ra 12 đội đoạt giải Nhất và Nhì để góp mặt tại đêm chung kết.

Với chủ đề “Việt Nam đất nước tôi yêu", các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những trải nghiệm, kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam.

Cô giáo nắn “Xin chào” chứ không phải “xin cháo”

Trong phần thi của mình, nữ sinh Phasathan Thipsavanh, sinh viên năm 3 của Trường ĐH Cửu Long đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên của bản thân khi học tập và sinh sống tại Việt Nam.

Kỷ niệm mà em nhớ nhất là những ngày đầu học tiếng Việt ở trường. Lớp tiếng Việt của em khi đó toàn là lưu học sinh Lào, song các thầy cô không cho phép nói tiếng Lào mà yêu cầu nói tiếng Việt.

Thời gian đầu em cùng các bạn sai nhiều phát âm dấu thanh. “Khi học, tôi mới nhận thấy rằng cái khó nhất trong tiếng Việt không phải là ngữ pháp mà là phát âm đúng những từ có dấu thanh. Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên đến lớp, vừa nhìn thấy cô giáo tôi đã nhanh miệng nói: “Xin cháo cô”. Cô quay lại tròn xoe mắt nhìn, cười và nói: “Xin chào” chứ không phải “xin cháo”. Rồi bằng ngôn ngữ cơ thể, cô đưa tay lên trán chào theo cách của người linh. Ôi trời ơi, khi đó nghe cô giải thích mà tôi muốn độn thổ. Quả là tiếng Việt khó thật, không giống như tiếng Lào của chúng tôi”.

Sau đó, em cũng hiểu ra rằng trong tiếng Việt, cứ đổi dấu thanh thì sẽ có một từ có nghĩa khác.

{keywords}
Xem sinh viên Lào hát, đọc thơ bằng Tiếng Việt ấn tượng

Thắt chặt tình hữu nghị

Còn trong phần thi của mình, em Boun Soukhaluck, học viên cao học của Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên nói về tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào. Nam sinh nhắc đến trong phần hùng biện của mình: “Và cũng hiếm có quốc gia nào đã cử tới hàng chục nghìn chiến sĩ quân tình nguyện tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quốc gia láng giềng như Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu để giúp đỡ người Lào, đánh dấu móc son chói lọi cho quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 2 đất nước”.

Phần hùng biện bằng Tiếng Việt trôi chảy nêu lên được lịch sử gắn bó, tương trợ của 2 đất nước nhận được nhiều tràng pháo tay tán dương của các bạn trẻ và cũng giúp thí sinh này sau đó giành giải đặc biệt của cuộc thi. 

Đây là 2 trong số 12 phần thi đặc sắc và ấn tượng của các lưu học sinh Lào. Các thí sinh đều thể hiện khả năng sử dụng Tiếng Việt trôi chảy. Trong nhiều phần thi, các thí sinh người Lào còn thể hiện khả năng hát, đọc thơ lưu loát mà có lẽ nếu không giới thiệu nhiều người cũng nhầm tưởng là người Việt Nam.

Phần hùng biện đạt giải Nhất cuộc thi:

Phần hát của sinh viên Lào Trường ĐH Ngoại thương: 

Phần hùng biện kèm hát của du học sinh Lào đến từ Học viện Ngoại giao:

Chung cuộc, Ban giám khảo đã trao giải đặc biệt cho phần thi của thí sinh Boun Soukhaluck đến từ Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên với phần thưởng trị giá 20 triệu đồng. Giải Nhất thuộc về thí sinh Phaomany Phonethong của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh với phần thưởng 15 triệu đồng; 3 giải Nhì thuộc về thí sinh của Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y dược - ĐH Huế và Trường ĐH Giao thông Vận tải (mỗi giải 10 triệu đồng) và 7 giải ba trị giá 5 triệu đồng/giải.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao thưởng cho thí sinh giành giải Đặc biệt cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam” năm 2019.

Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức với quy mô toàn quốc nhằm mục đích tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào, đồng thời tạo sân chơi, giúp nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam.

{keywords}
Thí sinh giành giải Nhất cuộc thi. 

Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam” năm 2019 đã thu hút được đông đảo các trường đại học, cao đẳng đang có lưu học sinh Lào học tập, nghiên cứu hưởng ứng với gần 2000 lưu học sinh Lào tham gia.

{keywords}
 

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong mọi thời kỳ, Đảng và Nhà nước của hai quốc gia luôn quan tâm đặc biệt đến quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay có trên 16.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam ở nhiều bậc học khác nhau với đủ các ngành nghề và lĩnh vực.

Thanh Hùng

Bộ trưởng ngẫu hứng làm thơ tặng thầy trò ngày khai giảng

Bộ trưởng ngẫu hứng làm thơ tặng thầy trò ngày khai giảng

- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ngẫu hứng làm 4 câu thơ để tặng thầy và trò Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới 2019-2020.