Đây là một trong những nội dung trong Báo cáo số 146-BC/TU ngày 19/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Theo nội dung Báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến nay, Hà Nội đã sắp xếp giảm 267 đơn vị sự nghiệp so với tổng số 2.787 đơn vị sự nghiệp năm 2015 (đạt tỷ lệ giảm 9,5%). Trong đó, lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp giảm 37 đơn vị.

{keywords}
Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao bổ sung 7.134 biên chế viên chức giáo viên. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ngoài kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW còn một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội không được tăng biên chế viên chức, ngoài ra còn phải giảm tỷ lệ cơ học bao gồm cả lĩnh vực giáo dục dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên theo tốc độ đô thị hóa, tăng trường, tăng lớp, tăng học sinh.

Năm 2021, TP dự kiến tăng 4.597 biên chế viên chức giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay TP vẫn chưa được bố trí giao bổ sung.

Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Chính phủ xem xét, giao bổ sung 7.134 biên chế viên chức giáo viên theo định mức cho Hà Nội để có thể bố trí kịp thời giáo viên đứng lớp. Khi các giải pháp chưa được triển khai, trước mắt năm 2022 và các năm tiếp theo không tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên có thể ký hợp đồng từ nguồn thu sự nghiệp (mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Tuy nhiên, thực tiễn nguồn thu của các trường mầm non, trung học cơ sở là rất thấp, trường tiểu học không thu học phí.

Hà Nội có 1/3 tổng số trường công lập từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở thuộc UBND cấp huyện (703 trường) có tỷ lệ tự chủ dưới 10% (phân loại là đơn vị ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); 7/30 quận, huyện không có trường công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Do vậy, việc triển khai trên thực tế còn rất nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được triệt để.

Hải Nguyên

Bao giờ cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?

Bao giờ cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?

Nhiều giáo viên phân vân khi tham gia các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bởi thông tin cắt giảm chứng chỉ đã được công bố từ khá lâu.