Trong khi gần 700.000 học sinh khác phải trải qua những giờ phút căng thẳng làm bài thi tuyển sinh ĐH thì Yu Hwa You, 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trường trung học Posung, lại được vui chơi cả ngày trong công viên Everland.

Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Seoul đang sắp xếp hồ sơ của thí sinh.

"Mọi người đều phải ghen tỵ với em" Yu Hwa You tự hào.

Yu bỏ qua kì thi đại học vì cô mới được nhận vào chương trình nghiên cứu quốc tế của ĐH Sogang, xét tuyển dựa theo điểm tổng kết ở bậc trung học, điểm thi TOEFL, bài phỏng vấn và thành tích trong các hoạt động ngoại khóa như viết báo trường hay mô phỏng cách tổ chức của liên hợp quốc.

Các kỳ thi được chuẩn hóa không còn là chìa khóa duy nhất mở cánh cửa vào đại học ở Hàn Quốc. Hơn 10% tân sinh viên bắt đầu kì học vào tháng 3 do cán bộ tuyển sinh lựa chọn.

Các nhân viên này được đào tạo về phương pháp đánh giá các điểm mạnh của học sinh như khả năng lãnh đạo hay suy nghĩ độc lập.

Thay đổi hình thức tuyển sinh chính là điểm nhấn trong các chính sách cải cách nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh, thay cho phương pháp học ‘ghi nhớ’ lâu nay.

Sự thay đổi trên cũng chính là đòn tấn công đối với thành phần giáo dục tư đang bùng phát và trở thành con đường đắt đỏ hướng tới cánh cửa đại học.

Lee Ju Ho, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, thay đổi hình thức xét tuyển vào ĐH chính là cải cách nên làm trước tiên.

"Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được học ở trường đại học tốt nhất. Đây chính là động lực của văn hóa thi cử mà chúng ta áp dụng bấy lâu", ông nói.

"Các em buộc phải nỗ lực để giành số điểm cao nhất, thay vì được bồi dưỡng tính sáng tạo hay những khía cạnh khác của bản chất con người. Đó chính là thách thức lớn nhất của chúng ta".

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tăng lương và ngân sách cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ tuyển sinh từ 2 triệu USD năm 2007 lên 31 triệu USD năm 2010. Hình thức tuyển sinh mới này đã và đang được áp dụng với hơn 100 trường ĐH, CĐ.

Các trường còn cố gắng nâng cao vị thế quốc tế của mình thông qua việc xét tuyển thêm nhiều sinh viên quốc tế không qua thi cử.

Các trường đại học hàng đầu ở Hồng Kông và Trung Quốc cũng đang mở rộng các tiêu chuẩn đầu vào đối với học sinh để xem xét tính sáng tạo hay việc thực hiện trách nhiệm xã hội của công dân.

Hội đồng tư vấn tuyển sinh quốc gia Hoa Kỳ NACAC cũng đã đón nhận sinh viên từ các nước Romania and Ukraine, và cả Hàn Quốc, quan tâm đến hệ thống giáo dục linh hoạt hơn.

Căn nguyên của yêu cầu cải cách

Nền giáo dục Hàn Quốc từng được thế giới ngưỡng mộ vì đã có công cứu đất nước ra khỏi đói nghèo sau chiến tranh và giúp Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới chỉ trong vòng 6 thập kỉ.

Vào năm 1948, 78% dân số mù chữ, nhưng ngày nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ mù chữ thấp nhất (2%) với 58% dân số độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng từ CĐ.

Hàn Quốc ca ngợi câu chuyện của ‘những con rồng xuất thân nghèo đói’ hay những người ‘tầm thường’ trở thành ‘vĩ nhân’. Tất cả đều có được thành công nhờ con đường học tập.

Câu chuyện củaTổng thống Lee Myung Bak là một ví dụ điển hình.

Ông sinh ra trong gia đình nghèo khó và phải vất vả kiếm tiền đi học. Ông đã nỗ lực học tập và làm việc hết mình để được trở thành giám đốc điều hành của Hyundai và cuối cùng đắc cử tổng thống năm 2008.

Thế nhưng, hệ thống giáo dục đã từng được ca ngợi của Hàn Quốc hiện nay lại bị xem là nguyên nhân gây ra các hậu quả như tỷ lệ sinh thấp, các vụ tự sát tăng cao, hay gia tăng cách biệt giàu nghèo.

•   Michael Alison Chandler (Chronicle Higher Education)
•   Lưu Ly (biên dịch)

Phần 2: Cải cách tuyển sinh, phát sinh nghề mới

Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả  phân tích câu chuyện của ĐH Quốc gia Seoul, lá cờ đầu trong giáo dục công lập của Hàn Quốc, là một trong các đơn vị tiên phong áp dụng hình thức xét tuyển mới.