- Trước thông tin cơ sở ở của Raffles tại Hà Nội “chuẩn bị chạy”, ngày 21/3, nhiều phụ huynh và sinh viên (SV) đã tới trường trình bày nhiều bức xúc, trong đó tập trung yêu cầu trả lời cụ thể thời gian hoàn trả tiền với SV không học chuyển tiếp tại các cơ sở của Raffles.


Lo trường “bùng”

Trước thông tin các giảng viên của Raffles đã nghỉ dạy, cơ sở đã chuẩn bị thu dọn, chủ căn nhà số 106 Tôn Đức Thắng (cơ sở của Raffles tại Hà Nội) đã đến kiểm tra đồ đạc ngay từ sáng sớm. Rất đông phụ huynh và sinh viên đã có mặt tại trung tâm đề nghị trường có trả lời dứt điểm về những bức xúc của họ.

Đợi chờ từ 8h sáng mãi đến 16h, ban giám đốc của Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles tại Hà Nội (sau đây xin gọi tắt là Trung tâm) mới có cuộc họp trả lời các bức xúc xung quanh việc trường phải dừng đào tạo, tuyển sinh. Cuộc họp chiều 21/3 có đại diện 14 phụ huynh và sinh viên cùng sự có mặt của cảnh sát phường Quốc Tử Giám và cán bộ an ninh quận Đống Đa.

Buổi làm việc của Ban giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles tại Hà Nội với phụ huynh và sinh viên chiều 21/3 diễn ra khá căng thẳng, kéo dài suốt hơn 6 tiếng từ 16h đến 22h45.

Ý kiến tổng hợp của phụ huynh và học sinh nêu rõ: “Yêu cầu trong thời gian chưa giải quyết xong các sự việc, Raffles Hà Nội phải tiếp tục hoạt động bình thường tại 106 Tôn Đức Thắng, người đại diện pháp lý của Trung tâm, người có đủ thẩm quyền để giải quyết các sự việc, nhân viên của Trung tâm phải tiếp tục hoạt động bình thường”.

Thêm vào đó, các ý kiến cũng đề nghị “cơ quan công an, cơ quan chức năng của VN bảo vệ quyền lợi của công dân, tạm thời dừng việc xuất cảnh của cán bộ Raffles, bất kỳ là người VN hay nước ngoài để giải quyết quyền lợi chính đáng của sinh viên”.

Về thắc mắc này, Raffles khẳng định: “Người đại diện pháp lý của Trung tâm là ông Alex cam kết sẽ ở lại để giải quyết các sự việc liên quan. Các nhân viên của Trung tâm hoàn toàn có quyền xuất cảnh theo luật pháp VN”.

Liên quan đến địa điểm tại 106 Tôn Đức Thắng “Trung tâm sẽ xem xét nhu cầu sử dụng trụ sở để tiếp tục thuê hay không. Nếu chuyển trụ sở, Trung tâm có trách nhiệm báo cáo với phụ huynh, sinh viên, cơ quan công an và các cơ quan có liên quan về địa điểm mới.

Trung tâm sẽ giữ lại đội ngũ nhân viên cần thiết. Do không tiến hành hoạt động dạy học nên Trung tâm có quyền giảm thiểu số lượng nhân viên theo đúng pháp luật VN”.

Yêu cầu trả tiền học phí, bồi thường thiệt hại

Hơn 6 tiếng làm việc (từ 16h đến 22h45 ngày 21/3) vấn đề gây căng thẳng và bức xúc nhất của phụ huynh và sinh viên của Raffles Hà Nội chính là việc cam kết trả lại tiền học phí cho sinh viên không muốn tiếp tục học lại tại hệ thống Raffles mà chưa hoàn thành chương trình đào tạo cấp độ 1, 2, 3.

Một số phụ huynh cho biết họ đã đợi hơn 60 ngày, thậm chí gần 90 ngày (theo lịch hẹn trả tiền của trung tâm) mà câu trả lời của Raffles vẫn chưa có: “Trong khi nếu SV nộp học phí muộn có thể phải đóng lãi, nặng hơn là không được theo học tiếp. Trường phải có cam kết cụ thể, đóng dấu đỏ”.

Dù “cam kết không xuất cảnh khỏi VN, ở lại giải quyết vụ việc” nhưng phần trả lời của Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles tại Hà Nội ông Alex QUAH Ban Thong và ban giám đốc Trung tâm chưa thỏa mãn bức xúc của phụ huynh và sinh viên trường này.

Các ý kiến yêu cầu “Raffles trả 100% tiền đã đóng với lý do trường đã phá vỡ hợp đồng” và “Trung tâm phải có bồi thường thiệt hại với sinh viên đã có thời gian theo học tại đây”. Hiện đã có 260 SV yêu cầu được hoàn trả học phí.

Nhiều sinh viên cũng bức xúc: “Em đã tốt nghiệp, được cấp bằng nhưng hiện Bộ GD-ĐT không công nhận bằng. Có bạn nộp hồ sơ xin việc bị trả về vì vấn đề này. Yêu cầu trường hoàn trả lại tiền học đã đóng”.

Trung tâm đã giải quyết trả học phí cho 16 SV có đơn sớm nhất. Giám đốc Trung tâm Alex QUAH Ban Thong lần lượt trả lời các thắc mắc: “Việc hoàn lại học phí sẽ được tiến hành trong vòng 60 ngày làm việc kể từ ngày Trung tâm nhận được đơn yêu cầu (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ theo luật pháp VN).

Khi Trung tâm nhận đơn đăng ký rút học phí của SV, Trung tâm sẽ cung cấp giấy biên nhận đơn đăng ký có chữ ký người nhận và dấu đỏ của Trung tâm.

Các SV đã hoàn thành chương trình đào tạo CĐ-ĐH hoặc nâng cao sẽ không được hoàn học phí. Hiện Trung tâm sẽ tiếp tục làm việc với Bộ GD-ĐT VN về việc công nhận bằng cấp mà sinh viên tốt nghiệp đã được cấp”.

Trong cam kết có dấu đỏ và chữ ký của GĐ Trung tâm trong ngày 21/3, ông Alex khẳng định: “Raffles khuyến khích SV đang theo học tại trường chuyển sang các trường thuộc hệ thống Raffles ở nước ngoài với các hỗ trợ: chỉ phải nộp phần học phí còn lại theo như học phí áp dụng tại VN (ở nước ngoài mức học phí có thể cao hơn gấp 2-3 lần ở VN).

Raffles sẽ cung cấp vé máy bay cho lượt đi đầu tiên khi sinh viên chuyển sang ở trường Raffles ở nước ngoài. Vé máy bay là vé một chiều và Raffles sẽ mua vé theo các điều kiện của Raffles.

Hỗ trợ một phần phí sinh hoạt khi sinh viên học tập ở nước ngoài với mức 900 USD cho mỗi kỳ học (3 tháng/kỳ). Khoản trợ cấp này chỉ áp dụng cho các sinh viên tiếp tục học tại các trường thuộc hệ thống Raffles cho đến khi sinh viên hoàn thành chương trình học theo các điều kiện đã được nêu (thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau).

Sẽ đưa vấn đề ra pháp luật

Lắng nghe trả lời ban giám đốc, ý kiến của phụ huynh và SV là “chưa thỏa mãn” và đề nghị ông Alex tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo có thẩm quyền cấp cao nhất của Tập đoàn tại Singapore để trả lời bằng văn bản về phương án giải quyết với tất cả phụ huynh và SV của Trung tâm trước ngày 30/3/2012.

Quá thời hạn này, phụ huynh và SV sẽ đưa sự việc ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.

Văn Chung