- Liên quan đến vụ việc hàng loạt thí sinh bất ngờ từ đỗ thành trượt viên chức 2015 mà VietNamNet đã phản ánh, chiều 23/12 Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ.

{keywords}

Thí sinh trao đổi với PV về những bức xúc trong cách tính điểm của Sở Nội vụ Hà Nội

Trong văn bản này, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Trên cơ sở đề xuất của Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã, đồng thời qua rút kinh nghiệm của các kỳ tuyển dụng giáo viên năm 2013, 2014, việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2015 được thực hiện bằng hình thức xét tuyển theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/04/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Trong quá trình tổ chức kỳ tuyển dụng, các bước tiến hành đã được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, khách quan, phòng tránh được tiêu cực, nâng cao chất lượng tuyển dụng. Với việc đổi mới công tác tuyển dụng viên chức giáo dục khối quận, huyện, thị xã năm 2015 như trên, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dự tuyển và dư luận xã hội.

Đến thời điểm này đã có 21/25 quận, huyện hoàn thành việc tuyển dụng và đã ban hành quyết định công nhận kết quả xét tuyển (với tổng số thí sinh của 21 đơn vị là 16.527 người), chỉ còn 4 đơn vị: Huyện Ba Vì, huyện Thanh Oai, huyện Mê Linh và quận Nam Từ Liêm do còn một số trường hợp thí sinh chưa hiểu đúng quy định về tuyển dụng, còn nhầm lẫn giữa quy định về tuyển dụng của Chính phủ với quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT, bảng điểm của một số cơ sở đào tạo khác biệt so với quy định chung nên chưa công bố, hiện đang rà soát để tính điểm theo đúng quy định.

Tính điểm căn cứ quy định của Bộ GD-ĐT

Về cách tính điểm tuyển dụng, Sở Nội vụ cho hay: "Theo quy định của tuyển dụng: Tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức bằng hình thức xét tuyển, tại khoản 2 Điều 12 quy định “Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1”.

Tuy nhiên trong thực tế, đa số các trường CĐ và ĐH khi cấp bảng điểm tốt nghiệp cho sinh viên được đào tạo bằng hình thức niên chế cơ bản có 3 môn thi, nhưng có một số bảng điểm không có các môn thi tốt nghiệp mà chỉ có điểm khóa luận hoặc có điểm khóa luận và điểm tốt nghiệp Mác - Lê-nin.

Như vậy, vấn đề đặt ra là các môn thi tốt nghiệp là mấy môn là luận văn của trình độ nào? Những bảng điểm không có điểm các môn thi tốt nghiệp và không có điểm bảo vệ luận văn như Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP mà ghi là khóa luận, đồ án thì tính ra sao?

Việc xác định số môn thi tốt nghiệp ở các trình độ đào tạo và luận văn dành cho trình độ nào? Khóa luận tốt nghiệp hoặc đồ án tốt nghiệp là như thế nào? Khi tính điểm tốt nghiệp theo tuyển dụng có một số bảng điểm, điểm thi mâu thuẫn với Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Vì vậy trong trường hợp này phải căn cứ vào các quy định về đào tạo của Bộ GD-ĐT để xác định" - văn bản cho biết.

Chính vì vậy trong quá trình tính điểm, một số Hội đồng tuyển dụng và một số thí sinh chưa hiểu đúng, chưa phân biệt rõ được quy định về tuyển dụng của Chính phủ với quy định về đào tạo của Bộ GD-ĐT nên một số thí sinh có đơn thư thắc mắc, đề nghị được tính điểm khóa luận như luận văn và tính điểm tốt nghiệp của trường hợp đào tạo bằng hình thức tín chỉ như đào tạo bằng hình thức niên chế.

Đến nay, việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người dự tuyển cơ bản đã được các Hội đồng tuyển dụng giải thích, trả lời đảm bảo đúng quy định, hiện chỉ còn một số vẫn có đơn khiếu nại về cách tính điểm tốt nghiệp đối với trường hợp đào tạo theo hình thức tín chỉ. Sở sẽ tiếp tục rà soát và giải quyết đơn theo đúng quy định của pháp luật.

Còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ

Trong khi Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người dự tuyển cơ bản đã được các Hội đồng tuyển dụng giải thích, trả lời đảm bảo đúng quy định thì thực tế thí sinh vẫn còn nhiều bức xúc, thậm chí có đơn kêu cứu lên Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, Sở Nội vụ Hà Nội khi tiếp nhận đơn thư, phản ánh này lại đẩy về địa phương và cho rằng trách nhiệm trả lời cũng như giải quyết của Hội đồng tuyển dụng.

Tại các hội đồng việc tính điểm lại theo công văn 2973 cũng không thống nhất. Tại Hội đồng tuyển dụng quận Cầu Giấy thì căn cứ hoàn toàn trên tinh thần Nghị định 29 đó là nếu bảng điểm chỉ có một môn thi tốt nghiệp là khóa luận và không điểm môn thi Mác - Lê-nin thì điểm này chính là điểm tốt nghiệp; hoặc có điểm môn Mác - Lê-nin ghi đạt thì điểm khóa luận vẫn tính là điểm tốt nghiệp.

Trong khi đó ở Hội đồng tuyển dụng huyện Ứng Hòa, Thạch Thất… thì với những bảng điểm như ở quận Cầu Giấy thì được quy là bảng điểm không rõ ràng và tính điểm tốt nghiệp theo xếp loại văn bằng.

Tất cả điều này đều được thể hiện trên Quyết định cộng nhận kết quả xét tuyển của các ứng viên đã được công bố.

Nhiều hội đồng tuyển dụng tự động quy đổi những bảng điểm không có môn thi tốt nghiệp Mác - Lê-nin, hoặc có nhưng ghi là ĐẠT là Bảng điểm không rõ ràng thì không được nêu ra trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ.

Trước đó, trong kì thi viên chức của các đơn vị sự nghiệp cấp quận, huyện trước đó không lâu (tháng 7/2015) thì Sở Nội vụ Hà Nội hoàn toàn không áp dụng tinh thần công văn 2973 đối với ứng viên.

  • Văn Chung

Xem thêm: