- Ông Phạm Hồng Phước, Hiệp sĩ CNTT đoạt Giải thưởng Most Valuable Professional của Microsoft toàn cầu suốt 8 năm liền (2007-2014), đã có trao đổi với VietNamNet về đề án máy tỉnh bảng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của Sở GD- ĐT TP.HCM.

Giá như đừng đưa ra, thì...

Ông Phạm Hồng Phước cho biết: Trước hết, tôi không dám lạm bàn về toàn bộ đề án đổi mới giáo dục dành cho 3 lớp đầu cấp tiểu học, mà chỉ đề cập tới việc trang bị máy tính bảng cho học sinh các lớp này. 

{keywords}
Ông Phạm Hồng Phước

Riêng về phần đề án trang bị máy tính bảng cho học sinh này, nói thật lòng, giá như cơ quan quản lý giáo dục đừng nên đưa ra thì có lẽ tốt cho tất cả hơn. Bởi lẽ, theo thiển ý của tôi, ngay từ cách tư duy, đặt vấn đề đã có nhiều bất cập rồi.

Thứ nhất, việc chọn đối tượng áp dụng của đề án là học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 thuộc các trường công lập trên địa bàn thành phố là không phù hợp. Đây là lứa tuổi các em mới bắt đầu vào ngưỡng cửa giáo dục phổ thông, cả về tâm sinh lý lẫn nhu cầu đều cần sự tương tác mật thiết giữa thầy cô và học trò để vừa làm quen với chuyện học hành, vừa tạo những nền tảng đầu đời cho quá trình định hình nên con người. Thế giới đã có nhiều nghiên cứu và khuyến cáo không nên để các trẻ em tiếp xúc quá sớm với công nghệ. Thiết bị công nghệ chỉ được xem là một công cụ bổ trợ hoặc là một món đồ chơi công nghệ cho trẻ.

Ngoài ra thể chất, tâm sinh lý của trẻ ở độ tuổi này không thích hợp với việc tiếp xúc thiết bị công nghệ trong thời gian quá lâu. Bên cạnh đó, liệu có máy tính bảng nào đủ độ bền để chịu đựng nổi với tính hiếu động của trẻ?

Thứ hai, đề án không hợp lý, hợp tình và hợp thời ở chỗ quy định bắt buộc các phụ huynh phải mua máy tính bảng cho con.

Với điều kiện cuộc sống của người dân hiện nay, cho dù ở ngay nội thành đi nữa, việc bắt tuyệt đại đa số phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng để mua máy tính bảng cho con học là không tưởng. Thực tế cho thấy, việc đóng vài trăm nghìn đồng tiền học cho con đối với nhiều gia đình cũng rất khó khăn, chật vật rồi.

Điểm bất cập thứ ba của đề án là tham vọng biến máy tính bảng, SGK điện tử thành công cụ học tập chính thức, thay thế cho cách dạy và học truyền thống. Ở nước ngoài, máy tính trong nhà trường chỉ là phương tiện để thầy trò kết nối Internet, trao đổi, tương tác với nhau, học bài hay tham khảo trên mạng. SGK điện tử vẫn chỉ là một công cụ học tập bổ trợ, và thực chất nó chỉ đơn giản là một hình thức khác của SGK mà thôi.

Thêm một lý do nữa, các trường học hiện đã được trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao như bảng tương tác, máy chiếu,… nhưng liệu đã phát huy được tới chừng nào? 

Khi cơ quan hữu trách chưa giải quyết rốt ráo được các vấn đề này, việc đưa ra hết đề án này tới dự án khác dễ bị suy diễn không phải thật sự có mục đích nâng cao chất lượng giáo dục.

"Đừng bao giờ nghĩ trẻ em là một người lớn thu nhỏ"

Nếu như đề án được thông qua, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 phải sử dụng máy tính bảng học với một lượng thời gian không nhỏ thì có thể có những hệ lụy gì, thưa ông?

- Hậu quả đầu tiên là đôi mắt của trẻ. Tôi dám “cá” sau một học kỳ, các tiệm bán mắt kính ở thành phố sẽ không đủ hàng cho các cháu.

Thêm nữa các cháu sẽ trở thành con người máy móc. Bởi, máy tính chỉ là một phần trong cuộc sống công nghệ. Trong khi lâu nay các nhà nghiên cứu tìm mọi cách để năn nỉ người lớn giảm bớt thời gian ngồi trước các loại màn hình đi mà dành nhiều thời gian hơn cho những mối tương tác trực tiếp giữa con người với nhau. Ở lứa tuổi măng non này, việc lạm dụng công nghệ sẽ làm ảnh hưởng nặng tới sự trong sáng, thơ ngây của trẻ.

Giáo dục là nền tảng của tất cả mọi lĩnh vực xã hội. Giáo dục có sứ mạng đào tạo ra con người vừa có tính người, vừa có kỹ năng sống. Trong giáo dục, quan trọng nhất là tính tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò, tương tác trong trường lớp và tương tác với tình người, điều đó sẽ tạo nên nhân cách.

Đừng bao giờ nghĩ trẻ em là một người lớn thu nhỏ.

Có ý kiến cho rằng rủi ro lớn nhất là không chịu đổi mới, theo ông nên xem đề án máy tính bảng như một đề xuất nâng cao chất lượng dạy học?

Đổi mới thì cũng có 1001 cách đổi mới. Tôi tin rằng mọi người đều ủng hộ và mong muốn đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ cao vào nhà trường càng sớm càng tốt. Các phụ huynh yêu thương con em mình đều hiểu rằng công nghệ tiên tiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, có lợi cho tương lai con em họ. Chậm ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ ngày nào là ta càng gia tăng nguy cơ tụt hậu với cộng đồng thế giới.

Vấn đề muôn thuở vẫn là ứng dụng như thế nào cho hợp lý, hợp thời, ứng dụng ra sao cho hiệu quả. Không thể lợi dụng danh nghĩa áp dụng khoa học - công nghệ để áp đặt một cách phản khoa học.

Nếu được ứng dụng một cách đúng đắn, máy tính bảng chính là một trong những phương tiện giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Nhưng việc lạm dụng nó lại lợi bất cập hại.

"Đừng bao giờ có ý tưởng đưa máy tính vào nhà trường"

Ông có thể đề xuất một mô hình nào ứng dụng cộng nghệ cao vào dạy học cho học sinh ở độ tuổi này?

- Tại sao không là một mô hình lớp học thông minh, trong đó các em được sử dụng những thiết bị công nghệ cao, được kết nối với nhau qua mạng, được tham khảo mọi thứ tốt đẹp từ kho tàng tri thức chung của nhân loại, được vui chơi giải trí trên nền tảng công nghệ?

Ví dụ như trong giờ học địa lý, khi giảng về sa mạc, thầy cô có thể mở thiết bị công nghệ cho cả lớp cùng xem những phim ảnh sa mạc để các em có được một sự hiểu biết cụ thể và trực quan hơn. Rồi trong những giờ học các môn khoa học, các em có thể trải nghiệm được những tham khảo cụ thể.

Phải công nhận rằng trẻ em ngày nay được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cao từ rất sớm.

Nhưng cần phân biệt giữa tùy thích chơi và ép buộc dùng. Nói thật, chỉ chơi với chiếc máy tính bảng thôi mà các em cũng có lúc chán rời, nói chi tới chuyện phải sử dụng bắt buộc nó để học tập.

Ông có thể cho biết về chiếc Smart Education nhãn hiệu AIC Group? Giữa lúc Sở GD- ĐT TP.HCM công bố đề án máy tính bảng, công ty AIC là đơn vị tư vấn cho sở có nhập về hàng ngàn chiếc máy tính bảng?

- Bất cứ chuyện gì cũng cần phải rõ ràng và công bằng, dựa trên những cứ liệu cụ thể. Tôi được biết, mức giá 900.000 đồng của một chiếc máy tính bảng (giá chào hàng gốc cho một chiếc và có thể rẻ thêm nếu mua số lượng lớn) chỉ là từ một người nói rằng mình được hãng nước ngoài chào hàng thiết bị với cấu hình tương tự như chiếc máy tính bảng Smart Education của AIC Group. Chưa ai xác định AIC mua máy tính bảng đó với giá bao nhiêu.

Ngoài ra, công ty AIC có quyền nhập máy tính bảng nào đó về, in logo của mình lên rồi bán là quyền hợp pháp của họ.

Nhưng người ta sẽ phải đặt vấn đề nếu như mọi chuyện không dừng lại ở đó. 

Tôi muốn nói một lời từ tận đáy lòng mình rằng: Đừng bao giờ có ý tưởng đưa máy tính vào nhà trường, thậm chí ngay cả bậc ĐH, theo tư duy là một công cụ học tập bắt buộc cho học sinh, sinh viên mà phụ huynh phải tự bỏ tiền ra mua cho con em mình được tiếp tục đến trường.

Máy tính chỉ nên là một trong những phương tiện trợ giúp cho việc dạy và học được tốt hơn thôi. Việc bắt buộc mỗi học sinh phải mua một máy tính và việc tạo điều kiện cho các học sinh có thể tiếp cận với máy tính là hai vấn đề có cùng mục đích nhưng hoàn toàn khác nhau về cách thực hiện.

Cảm ơn ông!

Lê Huyền