- Trong phần 2 của bài viết “Nuôi con như… người Mẹ”, tác giả chia sẻ làm thế nào để dành thời gian cho con đúng cách và tạo thói quen tốt cho trẻ.

Dành thời gian với con

Thời gian là yếu tố quan trọng trong mọi mối quan hệ. Nhiều nhà nghiên cứu kết luận rằng việc cha mẹ dành thời gian với con cái lúc còn nhỏ, nhất là độ tuổi từ 0-2, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển cả về trí óc lẫn cơ thể.

Tuy nhiên, lúc nào cũng kè kè bên con để giám sát mọi hành động của con lại có thể trở thành phản tác dụng (mẹ mệt mỏi, con trở nên phụ thuộc, thiếu khả năng sáng tạo, hoà nhập).

{keywords}
Dành thời gian có chất lượng cho con

Dành thời gian cho con cũng phải đúng lúc và đúng thời điểm, và luôn để cho con có khoảng thời gian riêng để suy nghĩ và làm những việc nó thích.

Những người mẹ hay gần gũi sẽ có bản năng nhận ra khi nào con cần có bạn ở bên, và khi nào con muốn có thời gian riêng. Khi bạn biết lúc nào con mình cần mình trong ngày thì hãy cam kết dành thời gian đó cho con.

Ví dụ, biết con rất cần mình vào buổi tối khi bé còn nhỏ, tôi không bao giờ vắng mặt sau 6 giờ tối. Lúc con 9 tháng tuổi, tôi đi dự một bữa tiệc gây quỹ từ thiện và trở về nhà lúc 10h đêm. Thường thì con tôi đi ngủ vào lúc 7:30, nhưng hôm đó, bé vẫn thức đợi tôi về rồi mới đi ngủ.

Khi về Việt Nam làm nghiên cứu cho luận văn trong 6 tuần (năm 2008), ngày nào, cũng đúng vào lúc 10 giờ sáng và 10 giờ tối ở Việt Nam (7 giờ tối và 7 giờ sáng ở Canada), tôi lên skype để nói chuyện với con. Những giờ đó, đứa con trai 7 tuổi đã vào mạng để đợi nói chuyện với mẹ, nên tôi không bao giờ lỡ hẹn. Nếu internet không hoạt động, chúng tôi dùng điện thoại để nói chuyện.

Nhiều khi không có chuyện gì để nói, nhưng đó là sự cam kết tôi có thể làm được để duy trì mối quan hệ với con khi xa nhau đến hàng ngàn km.

Dành thời gian với con là phải toàn tâm vào con. Khi con nói, bạn phải lắng nghe, không được chen ngang, và nên nhìn vào mắt con. Điều này làm cho đứa trẻ trở nên tự tin, vì nó cảm thấy được sự tôn trọng của người đối diện.

Một lần, tôi mời một gia đình chị bạn cũ đến ăn tối. Đứa con trai của chị lúc đó được ba tuổi, gần bằng tuổi con tôi, nhưng cháu không chiụ ngồi yên một chỗ hoặc chơi với đồ chơi của bạn mà cứ sấn vào mặt người lớn hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia.

Khi chị đang nói chuyện, cậu bé cắt ngang vào và hỏi thì chị không nói hết câu mà dừng luôn để trả lời cho qua chuyện với thái độ rất cáu kỉnh.

Một lúc sau, con chị lại vào hỏi, và chị lại cáu kỉnh trả lời. Chồng chị tỏ vẻ không hài lòng, và nói: “mẹ cháu toàn thế đấy; với người khác thì không sao, cứ con hỏi là cáu kỉnh.” Chị bạn của tôi than phiền là chả hiểu tại sao nó thích làm phiền khi có người khác ở xung quanh.

Tình trạng này không phải chỉ xảy ra với trẻ em Việt Nam, mà nhiều gia đình Tây tôi quen biết cũng gặp phải.

Trẻ con rất nhạy cảm và biết tìm giải pháp để đố phó với mọi tình huống. Nhiều người chỉ tỏ ra quan tâm và nhẹ nhàng với con khi có khách hoặc có người xung quanh, nên những đứa trẻ này muốn tận dụng triệt để cơ hội để được cha mẹ chúng quan tâm.

Có những người khác thì dừng bất cứ việc gì họ đang làm để trả lời con, vì họ cho rằng làm như vậy con họ sẽ nghĩ rằng chúng là người quan trọng, và họ quên việc rèn luyện cho con biết tôn trọng người khác và biết kiên trì chờ đợi.

Nếu bạn đang nói chuyện mà con vào hỏi chen ngang thì việc đầu tiên bạn nên làm là hỏi “con có thể chờ để mẹ một phút để mẹ nói hết chuyện với cô B rồi mẹ sẽ trả lời con?”

Khi bạn nói xong với người kia thì phải quay ra trả lời con bạn một cách cặn kẽ, nhìn vào mắt con mà nói, và hỏi lại xem con đã hiểu chưa. Làm như vậy, bạn đã tôn trọng người bạn của mình và tôn trọng nhu cầu của con mình nữa. Mặc dù đứa trẻ phải đợi đến lượt, nhưng nó biết rằng nó rất quan trọng vì mẹ nó đã tập trung vào nó chứ không phải chỉ có trả lời qua loa cho qua chuyện; đồng thời nó đã học được tính kiên trì.

Điều quan trọng là dành thời gian có chất lượng cho con, và càng nhiều càng tốt; tuy nhiên nếu bạn bận rộn công việc thì khi dành thời gian cho con, bạn phải làm cho chúng biết qúy trọng khoảng thời gian đó.

Việc dành thời gian để lắng nghe con, để dồn tình cảm cho con còn có tác dụng làm cho con thấy tin tưởng bố mẹ và muốn tâm sự với bố mẹ.

Đó là cách mở cho con mình một con đường để con chạy đến với mình chúng cần mình.

Có nhiều nghiên cứu về thái độ của trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm, chuyện trò thừơng xuyên sẽ thận trọng hơn trong quan hệ nam nữ, và thường tìm được hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng sau này, mặc dù chúng có khả năng tin người hơn là những đứa trẻ ít được cha mẹ quan tâm, chuyện trò.

Tạo thói quen

Hồi con còn nhỏ, tôi thường nói đuà với mấy người bạn là dạy một đứa trẻ con giống như dạy chó. Thực ra điều này cũng không quá xa với thực tế, bởi vì dạy một đứa trẻ và dạy một con chó con đều đòi hỏi việc làm mẫu và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Các thói quen, bất kể xấu hay tốt, đều được hình thành bởi sự lặp đi lặp lại nhiều lần, ghi lại dấu ấn trong bộ nhớ.

Khi biết con tôi biết đọc sách từ rất sớm và rất thích đọc sách, nhiều người hỏi tôi đã làm thế nào.

Thực ra tôi không có bí quyết gì cả; đó là một quá trình tạo thói quen đọc sách trước khi đi ngủ từ lúc con tôi được năm tháng tuổi. Chúng tôi bắt đầu đọc sách cho nó nghe vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, và không bỏ một ngày nào cho đến khi cháu lên 10 tuổi. Chúng tôi cho rằng đọc sách cho con nghe (thực ra nhiều khi là con tôi đọc cho chúng tôi nghe) không những là một việc dành thời gian để xây dựng mối quan hệ với con, mà còn gíup tạo cho đứa trẻ một thói quen và một sự say mê ngay từ nhỏ.

Chúng tôi hoàn toàn không kỳ vọng là con tôi sẽ biết đọc sớm, nên khi nhận ra là cháu biết nhận mặt chữ từ lúc chín tháng là một điều ngạc nhiên thú vị. Bây giờ con trai tôi đã gần 14 tuổi, nhưng cháu vẫn duy trì thói quen đọc sách trước khi đi ngủ chứ không xem tivi.

Thói quen đi ngủ sớm cũng là một thói quen nên duy trì từ nhỏ. Trẻ con được ngủ đủ giấc sẽ vui vẻ hơn, có khả năng tập trung cao hơn, và ít bị stress hơn so với trẻ em không được ngủ đủ giấc.

Trẻ em ở độ tuổi tiểu học cần từ 11 đến 12 tiếng ngủ sâu mỗi ngày, và trẻ em tuổi trung học cần chín tiếng ngủ sâu mỗi ngày để bảo đảm khả năng tập trung trong công việc học hành. Cho con đi ngủ sớm và đúng giờ cũng là một biện pháp giảm thời gian xem tivi buổi tối, và là một thói quen gíup cha mẹ có thời gian riêng cho mình.

(Còn tiếp)

  • Hien Nguyen (Chuyên gia nghiên cứu về giáo dục tại British Columbia, Canada)